Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023 hướng đến kim ngạch 4 tỷ USD

Hồng Nga| 17/02/2023 07:00

Ngành rau quả nhận được nhiều tín hiệu vui khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh và có nhiều cơ hội bứt phá trong năm nay.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023 hướng đến kim ngạch 4 tỷ USD

Sầu riêng dự kiến sẽ mang về 1 tỷ USD cho Việt Nam

Nhiều tín hiệu lạc quan cho ngành rau quả nhiệt đới

Ngay từ tháng 1/2023, xuất khẩu rau quả tăng trưởng, trong bối cảnh các ngành hàng khác đều sụt giảm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 18,6% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi hầu hết mặt hàng đều giảm sút mạnh, chỉ có mặt hàng rau quả tăng trưởng dương, tăng 3,1% so cùng kỳ năm 2022 và đạt giá trị 300 triệu USD trong tháng 1.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, năm 2023 sẽ là năm lạc quan với ngành hàng rau quả của Việt Nam, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng. Với việc Trung Quốc mở cửa, thị trường chiếm đến 50-60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, việc xuất khẩu rau quả sẽ được cải thiện đáng kể. 

“Sau khi mở cửa trở lại, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Đặc biệt, rau quả từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… Đây là cơ hội cho rau quả Việt Nam bùng nổ trở lại sau thời gian dài tăng trưởng âm”, ông Nguyên cho biết. 

Trung Quốc đang nhập khẩu nhiều loại trái cây Việt Nam như thanh long, mới đây là sầu riêng. Năm ngoái, Việt Nam đã ký nghị định thư với Trung Quốc về sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến để xuất chính ngạch sang nước này. 

Tính đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm như gạo, cám gạo, măng cụt, sầu riêng, chuối, khoai lang. Hiện hai bên đang đàm phán để ký nghị định thư cho các mặt hàng dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm. Bưởi và các loại quả thuộc nhóm cây có múi và dừa đang được Cục Bảo vệ thực vật đàm phán kỹ thuật, tiến tới ký nghị định thư trong năm nay.

Ngoài những yếu tố trên, theo Phó chủ tịch Vinafruit Nguyễn Đình Tùng, sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng này còn nhờ vào nhu cầu rau quả trên thế giới đang tăng mạnh và Việt Nam có lợi thế về trái cây nhiệt đới. Nhiều loại nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, New Zealand…

-4994-1676547267.jpg

Nhờ xuất khẩu chính ngạch, thanh long cũng được giá hơn

Các chuyên gia và doanh nghiệp ngành này cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn cho thế giới. Cụ thể, Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả là 1,2 triệu hecta, thu hoạch trên 12 triệu tấn quả một năm. Bên cạnh đó, nông dân Việt Nam ngày càng biết cách sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, còn các doanh nghiệp xuất khẩu biết cách bảo quản rau quả để xuất khẩu sang EU, Mỹ, Úc…

Hướng đến kim ngạch 4 tỷ USD

Theo ông Nguyên, với việc thị trường Trung Quốc mở cửa và Việt Nam đã tham gia ký kết 15 hiệp định thương mại tự do chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái và phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD. 

Hiện sầu riêng Việt Nam đang xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như Úc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... trong đó Trung Quốc chiếm tỷ trọng chủ yếu. Dù chỉ mới được cấp giấy phép xuất khẩu chính ngạch và xuất qua thị trường này hồi tháng 9/2022, nhưng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt gần 400 triệu USD. Tương tự, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu chuối chính ngạch vào Trung Quốc đạt gần 600.000 tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 3 quý năm 2022, chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng nhập khẩu vào Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi vào thị trường Trung Quốc nhờ khoảng cách vận chuyển gần, chỉ mất 1,5 ngày so với thời gian 7-10 ngày của sầu riêng Thái Lan. Chất lượng trái sầu riêng Việt Nam vì thế cũng được bảo quản tốt, tươi ngon. Các lợi thế này giúp giá bán sầu riêng của Việt Nam hiện cũng tốt hơn so với hàng Thái Lan. 

Từ đầu năm đến nay, các cửa khẩu đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã mở, vận chuyển hàng hóa thông suốt. Ngay trong dịp Tết vừa qua, nông dân và nhiều doanh nghiệp cùng vui mừng vì trái cây xuất khẩu được giá, tăng từ 3-5 lần, như sầu riêng từ 40.000 đồng/kg tại vườn lên đến 160.000 đồng/kg, thanh long cũng được giá hơn.

Theo Vinafruit, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 4 tỷ USD sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan, còn lại nhập từ Malaysia, Myanmar dưới dạng cấp đông... Sầu riêng tươi Việt Nam đang được đánh giá cao và có cơ hội để đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong năm nay. 

-6917-1676547267.jpg

Bưởi là một trong những mặt hàng được hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu

“Trung Quốc mở cửa biên giới, rau quả vận chuyển bằng đường bộ sẽ đi nhanh hơn, cước phí rẻ hơn sẽ là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với nhiều nước khác để cung cung ứng vào thị trường tỷ dân này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hiện Việt Nam còn tới 7/12 mặt hàng chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, mít chưa phát huy hết tiềm năng”, ông Nguyên nói. 

HortEx Vietnam - Triển lãm quốc tế lần thứ 5 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam sẽ khai mạc ngày 1/3/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM.

HortEx Vietnam 2023 dự kiến thu hút gần 200 thương hiệu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Bỉ, Trung Quốc, Cộng hòa Síp, Ai Cập, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Israel, Ý, Nhật Bản, Kenya, Latvia, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Việt Nam. 

Hà Lan là “quốc gia đối tác” của triển lãm năm nay. Khu gian hàng quốc gia do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức có sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp, với kỳ vọng hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất, kinh doanh làm vườn công nghệ cao của doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh trưng bày sản phẩm và kỹ thuật, công nghệ, HortEx Vietnam 2023 còn có nhiều hoạt động diễn ra song song như hội thảo chuyên đề, diễn đàn xuất khẩu, tọa đàm người làm vườn, chương trình kết nối doanh nghiệp, khu trưng bày hoa quốc tế và trái cây Việt Nam…

Để hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu dừa, xoài, bơ, bưởi, quýt… trong khuôn khổ HortEx Vietnam, ban tổ chức sẽ dành một không gian riêng trưng bày các loại trái cây này, kết nối giao thương với nhà mua hàng quốc tế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023 hướng đến kim ngạch 4 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO