Để TP.HCM trở thành nơi khởi nghiệp

N.Nam - H.Giang| 28/09/2022 02:00

Tổng giám đốc Công ty CP Green Portal Hàng Nhật Quang đưa ra 6 vấn đề được cho là cần thiết để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.

Để TP.HCM trở thành nơi khởi nghiệp

Thứ nhất, phải xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về các vườn ươm, tạo sự thống nhất trong cách tiếp cận, hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Thứ hai, trong "Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025" (Quyết định 672/QĐ-UBND của thành phố), chính quyền thành phố cần làm rõ hơn nữa về lộ trình để có sự phân bổ đầu tư nguồn lực một cách phù hợp. Thứ ba, nên lựa chọn một ngành cụ thể, chẳng hạn như công nghệ, năng lượng, AI, nông nghiệp thông minh, Fintech... để hình thành ngành mũi nhọn cho từng giai đoạn. Tránh đầu tư dàn trải, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. TP.HCM có thể lựa chọn 5 trường đại học hàng đầu về lĩnh vực này để tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm. Thứ tư, xây dựng giải thưởng I-Star do UBND TP.HCM chủ trì. Từ đó kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, các thành phần hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM theo hướng thực chất như cung cấp cộng đồng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư... Thứ năm, thành lập thành phố khởi nghiệp với những yêu cầu và tiêu chuẩn của một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh bao gồm thành phần, chính sách, môi trường... từ đó làm động lực để các doanh nghiệp tự tin phát triển dự án của mình. Thứ sáu, nghiên cứu việc thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp; trong đó có sự tham gia của cả Nhà nước lẫn tư nhân, hoạt động độc lập theo cơ chế doanh nghiệp, điều này sẽ khắc phục điểm nghẽn của các quỹ hiện có.

Bên cạnh đó, luật sư Trần Lê Bảo Châu - đại diện Công ty Luật hợp danh Nam Quốc Group, nhận định, hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp gần như chưa hoàn chỉnh về mặt pháp lý, thường sẽ gặp rủi ro, đặc biệt khi liên quan đến tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh...

Đầu tiên, về sở hữu trí tuệ, ông Châu lưu ý các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuở ban đầu thường có những nhân sự đang là lao động chính thức (có hợp đồng) của các công ty khác. Khi bắt đầu khởi nghiệp, coi chừng ý tưởng (hay sản phẩm) của cá nhân đó sẽ trở thành tài sản của công ty mà cá nhân đó đang làm việc.

Tiếp theo, các hoạt động tài trợ hoặc góp vốn giữa các nhà đồng sáng lập của các startup bắt buộc phải có văn bản. Thông thường, các startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo nhóm nên các sản phẩm sở hữu về trí tuệ là sản phẩm vô hình và tài sản chung của cả nhóm, nên bắt buộc phải có văn bản để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đồng sáng lập, tránh tình trạng xảy ra tranh chấp khi có sự bất đồng.

Ngoài ra, các startup khởi nghiệp thường gọi vốn hay kêu gọi đầu tư từ bên ngoài nên bắt buộc phải có sự rõ ràng về pháp lý ngay từ đầu, nếu không sẽ dễ bị "cá mập" nuốt.

Ông Châu cũng nhấn mạnh, các công ty khởi nghiệp đa phần đều dựa trên ý tưởng và nên xác định ngay từ đầu ý tưởng đó có phải là tài sản hay không, đề phòng trường hợp bị nhà đầu tư bỏ ngang khi đang thực hiện. 

Với những phân tích trên, ông Châu cho rằng, để các startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt được hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ về pháp lý trước khi khởi nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để TP.HCM trở thành nơi khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO