Có "cầu" chẳng nối được "sông"

PHAN LÊ| 13/11/2012 05:25

Hai từ "cầu nối" đã gần như gắn chặt với các tổ chức hội, thậm chí, nó trở thành "phát ngôn" cơ bản của đại đa số các lãnh đạo hội.

Có

Hai từ "cầu nối" đã gần như gắn chặt với các tổ chức hội, thậm chí, nó trở thành "phát ngôn" cơ bản của đại đa số các lãnh đạo hội.

Đọc E-paper

Theo lý giải, chiếc "cầu nối" này sẽ góp phần đưa doanh nghiệp (DN) trong cùng lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn... xích lại gần nhau và xa hơn là góp tiếng nói chung của DN đến các sở, ngành có liên quan. Do đó, trong tất cả các ngành nghề, đại đa số DN đều đồng tình cho việc thành lập một tổ chức hội, dĩ nhiên, họ kỳ vọng đây sẽ là cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN.

Vì thế, có không ít các tổ chức hội ngành nghề, quận, huyện, câu lạc bộ trên địa bàn TP.HCM... lần lượt được thành lập dưới sự chấp thuận của UBND TP.HCM, và tất cả đều trên cơ sở tự nguyện.

Đến nay, mỗi quận, huyện của TP.HCM đều có ít nhất một tổ chức hội, nhưng nhìn chung phần đông các tổ chức này đều chưa phát huy hết năng lực của mình.

Nhiều ý kiến DN cho rằng, hoạt động các hội hiện nay chỉ mới thể hiện được chức năng hội, tức chủ yếu là nơi DN họp mặt, trao đổi, giao lưu hội hè là chính. Đó cũng là lý do nảy sinh ngày càng nhiều trường hợp "đầu voi đuôi chuột".

Nhiều DN hội viên không còn mặn mòi với các buổi họp mặt của hội. Điển hình nhất vẫn là trường hợp "im hơi, lặng tiếng" và dứt khoát hơn là chính thức rút tên khỏi thành viên của hội.

Mặc dù, theo định kỳ hằng năm, nửa năm hoặc hằng quý... một số các tổ chức hội vẫn tổ chức lễ kết nạp thêm hội viên mới. Tuy nhiên, việc cập nhật danh sách thực tế các hội viên hội viên cũng chưa được các hội chú trọng, còn hời hợt và chạy theo số lượng. Do đó, có thực trạng là những gương mặt quen thuộc "quanh đi, quẩn lại" liên tục xuất hiện tại các buổi họp trong hội.

Chia sẻ về những hỗ trợ từ hội, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX - TM Nguyên Nguyên Phước, cho biết: "Tôi cũng là một thành viên của Hội Da Giày TP.HCM, nhưng thật tình mà nói, Hội chưa có một hoạt động hỗ trợ thật sự dành cho những DN nhỏ như chúng tôi. Và việc đòi hỏi hay yêu cầu từ phía họ cũng rất khó”.

Trong khi đó, một DN trong lĩnh vực bao bì, lại cho rằng, họ đồng tình và ủng hộ việc thành lập các tổ chức hội, bởi những mục đích vạch ra ban đầu là quá tốt, nhưng trong quá trình hoạt động, các hội vẫn chưa làm được những điều mà DN kỳ vọng.

Đứng ở góc độ DN ngoài tổ chức hội, một DN trong lĩnh vực phân phối đánh giá, hoạt động hội rất cần được nâng cao, nhưng trước hết là phải nâng cao nhân lực trong tổ chức hội.

"Những đầu mối chúng tôi muốn liên hệ là các tổ chức hội, nhưng tiếc thay, hoạt động của các tổ chức này còn quá manh mún và yếu ớt. Trước đây, chúng tôi cũng từng đặt vấn đề với một tổ chức hội ngành nghề có thế mạnh về xuất khẩu. Song, sau thời gian chờ đợi được giới thiệu nhà cung ứng là sự im lặng không phản hồi từ phía tổ chức này", DN này chia sẻ.

Thực trạng là vậy, nhưng nói đi thì cũng nghĩ lại, nên thông cảm cho các lãnh đạo hội, bởi tâm huyết thì nhiều, nhưng "lực bất, tòng tâm"; hoạt động trên cơ sở tự nguyện thì không có nguồn tài, lực để phân bổ, theo dõi sát sao từng thành viên trong tổ chức cho toàn vẹn.

Các lãnh đạo hội vừa làm việc mình vừa làm việc cho cho cộng đồng là điều đáng tuyên dương, nhưng cứ để điều này trở thành lý do cản trở tổ chức hội phát triển lại là điều cần phải xem xét lại.

Cũng có những tổ chức hội làm tốt công tác điều hành và "cầu nối", song số này vẫn còn quá ít. Điều đó chứng minh khả năng cải thiện các tổ chức hội làm đúng và tốt chức năng của mình là có thể.

Vấn đề còn lại ở chính bản thân tổ chức hội nên biết tầm soát lại năng lực của mình. Đừng để có "cầu" mà cũng như không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có "cầu" chẳng nối được "sông"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO