Ba công trình văn hóa dâng lên Đại lễ

MINH KHUÊ| 21/08/2010 00:56

Cùng với bộ thảm ba chiếc (Tứ Long, Trẩy hội Đền Hùng, Hoa văn trống đồng), Chén ngọc Thăng Long, bộ phim truyền hình Huyền sử Thiên Đô sẽ là công trình văn hóa của Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ba công trình văn hóa dâng lên Đại lễ

Cùng với bộ thảm ba chiếc (Tứ Long, Trẩy hội Đền Hùng, Hoa văn trống đồng), Chén ngọc Thăng Long, bộ phim truyền hình Huyền sử Thiên Đô sẽ là công trình văn hóa của Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sản vật tạo nên nhờ cảm hứng từ rồng

Cuộc họp Ban Thường trực Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB) diễn ra vào chiều 12/8 vừa qua đã đưa ra quyết định chọn ba công trình văn hóa nói trên do các thành viên của CLB thực hiện để trở thành biểu tượng, thể hiện cho tấm lòng, tiềm lực cũng như ý chí của CLB hòa cùng với người dân cả nước trong dịp chào đón kỷ niệm cột mốc thiêng liêng trong lịch sử dân tộc: Ngày Thăng Long ngàn tuổi.

Chén Ngọc, Thảm Tứ Long

Hướng đến Thăng Long, dù thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng cả ba công trình đều chọn rồng và sự kiện dời đô của vua Lý Thái Tổ làm ý tưởng chính. Không là vật phẩm văn hóa xoáy sâu vào lịch sử nhưng chiếc Chén ngọc do Công ty gốm sứ Minh Long thực hiện lại thể hiện được những nét độc đáo nhất của văn hóa người Việt với phần trang trí công phu, nhiều hình ảnh chìm nổi chạm khắc mô phỏng cảnh hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, cảnh tàu thuyền tấp nập trên sông Hồng; cảnh Hà Nội nay với cột cờ, Lăng Bác, Văn miếu Quốc Tử Giám...

Sản phẩm cao 80cm, nặng 20kg, được nung thành khối bằng ngọn lửa hoàn nguyên 1.380oC. Sau đó, vẽ men, dát vàng 24k rồi nung ở nhiệt độ 800oC. Điểm độc đáo của Chén ngọc là có ba linh vật đang cõng chén là ba con rồng mang ý nghĩa con rồng cháu tiên, đồng thời tượng trưng cho ba miền với thế vững chãi như kiềng ba chân của đất nước.

Tương tự, bộ thảm ba chiếc, gồm: Tứ Long, Trẩy hội Đền Hùng, Hoa văn trống đồng của Công ty thảm len Sài Gòn cũng dùng hình ảnh biểu trưng dân tộc như rồng chầu, trang phục thiếu nữ ba miền, hoa văn trống đồng... làm họa tiết trang trí. Không kể thời gian đầu tư cho thiết kế thì ba nghệ nhân của công ty đã phải mất ba tháng liền dùng sợi lông cừu tinh khiết, không lẫn tạp chất mới có thể làm nên tấm thảm với phương pháp thủ công, không có sự hỗ trợ của phương tiện máy móc.

“Chúng tôi muốn vật phẩm dâng lên Thăng Long đại lễ phải được làm nên từ chính bàn tay con người” - ông Mai Đình Khiêm, Giám đốc Công ty thảm len Sài Gòn chia sẻ.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Minh Long I, cho biết, để có được chiếc Chén ngọc, ông cùng các cộng sự đã phải miệt mài làm việc trong ba năm ròng rã, tốn rất nhiều thời gian, công sức và trước đó cũng không ít lần bị thất bại.

Ông Minh bộc bạch: “Trong ba năm ấy chúng tôi làm ra rất nhiều sản phẩm nhưng đều bị hư bỏ, tưởng như bó tay, không làm được, nhưng trời không phụ lòng người, sau biết bao khó khăn, cuối cùng khi thấy Chén ngọc ra lò như mong muốn...

Cả một đời người gắn bó với nghề gốm sứ, tôi muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho thủ đô Hà Nội nhân dịp nghìn năm Thăng Long. Khi hoàn thành chiếc Chén ngọc và 5 chiếc Cúp Lạc Hồng, tôi biếu món quà tâm sức cả đời dành tặng thủ đô yêu quý của chúng ta”.

Tấm lòng người đất phương Nam

Đầu tư công phu nhất sau hai năm chuẩn bị là bộ phim Huyền sử Thiên Đô, công trình mà Công ty cổ phần Sao Thế Giới (World Star) đầu tư. Dựa trên những biến chuyển của lịch sử dân tộc, phim phác họa lại đầy đủ những biến cố xung quanh việc chọn và di dời thủ đô từ Hoa Lư về Đại La. Bối cảnh phim diễn ra từ năm 1004 - 1009. Khi đó, vua Lê Đại Hành không còn mạnh mẽ, quyết đoán như thời kỳ đầu gây dựng nhà Lê. Tướng quân Lý Công Uẩn theo lệnh vua Lê Đại Hành đi dẹp loạn. Năm 1009, Lý Công Uẩn được cả triều đình tôn lên làm vua...

Cảnh trong phim Huyền sử Thiên đô

Bà Phạm Ái Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Thế Giới, chủ đầu tư phim cho biết, ý nghĩa lớn nhất của đoàn làm phim là gửi đến Đại lễ ngàn năm Thăng Long một món quà. Bởi vì, Huyền sử Thiên Đô là một bộ phim thuần Việt, giúp giới trẻ hiểu và yêu lịch sử Việt Nam thông qua phương tiện nghe nhìn: “Đây là điều mà lâu nay chúng ta vẫn luôn thiếu” - bà Ái Vân khẳng định. Ý nghĩa tốt đẹp ấy đã khiến Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã chọn phim là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt dịp Đại lễ.

Với 60 nhân vật chính, phụ và hàng trăm nhân vật quần chúng, ê kíp thực hiện Huyền sử Thiên Đô cũng phải trải qua những tháng ngày vất vả để có được những thước phim vừa ý. Chấp nhận chọn bối cảnh quay hoàn toàn tại Việt Nam cũng có nghĩa là đoàn làm phim đụng đến vấn đề lớn nhất của phim ảnh Việt Nam là kinh phí.

BỘ PHIM HUYỀN SỬ THIÊN ĐÔ

Thời lương: 70 tập
Phát sóng: Tháng 10/2010 trên VTV3
Nhà đầu tư sản xuất: Worldstar Group
Đơn vị giám sát: Công ty sản xuất Phát Nam Thiên
Đơn vị tố chức sản xuất: Hãng Phim Truyện 1

Trường quay rộng 17ha của đoàn làm phim tại Cổ Loa phải thực hiện những chi tiết nhỏ nhất từ trang phục, đạo cụ... để đảm bảo tính chân thật của bối cảnh lịch sử. Chính đạo diễn Đặng Tất Bình thừa nhận: “Mức đầu tư cao cho phim của nhà đầu tư chứng tỏ quyết tâm của người làm kinh tế dành cho công trình văn hóa. Nó tạo điều kiện cho những người làm nghệ thuật như chúng tôi nhưng đồng thời cũng là áp lực buộc chúng tôi phải cố gắng để cho ra sản phẩm tốt nhất”.

Nhà nghiên cứu Mộc Quế, cho biết: “Đây là một dự án nghiêm túc từ ý tưởng đến kế hoạch sản xuất, với phương pháp huy động các nguồn lực biên kịch, đạo diễn, cố vấn, giám sát và chuỗi hệ thống PR, các hoạt động “Hành trình cùng Huyền sử Thiên Đô”, với trên 40 tờ báo, đài truyền hình, phát thanh, trên 5 triệu lượt người truy cập Google tìm kiếm Huyền sử Thiên Đô".

Vậy là, từ kinh phí đến công sức, những người con phương Nam đều sẵn sàng bỏ ra để làm giàu thêm cho các công trình văn hóa của cả nước. Ông Võ Quang Cảnh, Phó chủ tịch CLB cho biết, ba công trình văn hóa này, sẽ được trưng bày và trình chiếu trong buổi lễ mừng 5 năm thành lập CLB, tổ chức ngày 8/10 tới để các thành viên có thể chiêm ngưỡng, giao lưu và tự hào.

Thông qua các công trình này, văn hóa Việt một lần nữa lại có kênh hữu hiệu để khoe mình trong năm Thăng Long ngàn tuổi. Để, không chỉ người Việt tự hào mà người Việt còn có thể nói với bạn bè thế giới về văn hóa của mình thông qua những sản phẩm hữu hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ba công trình văn hóa dâng lên Đại lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO