Trần Nguyên Huân và Hoàng Mai Hãn là hai nhà sáng lập của Synectics, công ty khởi nghiệp chuyên tư vấn áp dụng BIM cho các công trình xây dựng. Cả hai đều được đào tạo ở Mỹ và trở về nước làm việc. Hãn tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), còn Huân là cựu sinh viên Đại học Nam California (USC).
Trần Nguyên Huân (phải) và Hoàng Mai Hãn. Ảnh: Trường Nikon |
>CEO 8X: Kinh doanh từ năm 11 tuổi >Món ngon "di động" >Những bông hoa trên gối >Xà phòng vì môi trường >Giọt đắng mang tên cơ hội |
Nói nôm na, BIM là mô hình 3D thông minh, mô phỏng toàn bộ vòng đời của dự án xây dựng hoặc cơ sở hạ tầng với đầy đủ các thông số của quá trình thiết kế thi công, cho phép chủ đầu tư quản lý dự án và có thể đưa ra quyết định tốt hơn.
Cầu Sài Gòn 2 vừa được thông xe hồi đầu tuần trước, vượt tiến độ gần 3 tháng là một trong số những công trình tại Việt Nam được Synectics kết hợp với Sở Giao thông Vận tải TP. HCM ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công và vận hành.
Nép mình bên dưới tòa nhà Đảo Kim Cương (TP. HCM), trụ sở của Synectics là căn phòng khá khiêm tốn với 40 nhân sự. Giữa văn phòng là bàn bóng bàn để cho sếp và nhân viên thư giãn mỗi khi rảnh rỗi.
Trước buổi trò chuyện, Tổng Giám đốc Trần Nguyên Huân vừa làm việc với đơn vị thiết kế Đảo Kim Cương (thuộc Tập đoàn Bình Thiên An). Đây cũng là công trình áp dụng BIM trong xây dựng.
Cuối năm 2010, Huân về Việt Nam và đầu quân cho một công ty quản lý xây dựng của Úc, đơn vị trúng thầu quản lý dự án Đảo Kim Cương. Dự án có thiết kế khá đặc biệt, cấu trúc các tầng không giống nhau, đơn vị thiết kế lại đến từ Nhật và Singapore và phải làm việc với các nhà thầu tại chỗ nên đã xảy ra khá nhiều vấn đề. Liên tục tham dự những cuộc họp, mất thời gian tranh cãi mà ban quản lý dự án cũng chưa giải quyết được triệt để vấn đề.
Huân đã tìm gặp Hãn, một người bạn cũ và cả hai đều đồng ý rằng đã đến lúc phải áp dụng công nghệ BIM vào các dự án xây dựng tại Việt Nam. Lớn hơn Huân 10 tuổi và đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý công trình, Hãn chịu trách nhiệm tư vấn chính về kỹ thuật ứng dụng BIM vào dự án Đảo Kim Cương.
Cả hai đã quyết định nghỉ việc và bắt tay thành lập Synectics. Đó là năm 2011, giữa thời điểm bất động sản bắt đầu trầm lắng.
Ở Mỹ, Anh, Na Uy, Phần Lan hay Singapore, người ta đã sử dụng BIM để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Thậm chí, Chính phủ Mỹ, Na Uy và Phần Lan đều bắt buộc các công trình xây dựng dùng ngân sách nhà nước phải sử dụng công nghệ này để kiểm soát chi phí. Chính phủ Singapore còn quy định toàn bộ các công trình có diện tích từ 20.000 m2 trở lên phải sử dụng BIM.
Vì sao BIM lại được tin tưởng đến như vậy? Giám đốc Kỹ thuật Hoàng Mai Hãn của Synectics cho biết ứng dụng BIM trong xây dựng công trình sẽ mang lại lợi ích trong 3 giai đoạn chính của dự án.
Lúc đấu thầu, việc dựng mô hình 3D của dự án và tích hợp toàn bộ thông số từ kiến trúc, cơ điện cho đến thi công sẽ giúp nhà thầu có được chính xác và nhanh chóng các phương án cần có để thực hiện công trình.
Thứ hai, trong giai đoạn thi công, BIM sẽ tránh cho nhà thầu mắc các lỗi mà khâu thiết kế xây dựng theo kiểu truyền thống thường gặp phải, qua đó đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đại học Stanford (Mỹ) dựa trên 32 dự án lớn sử dụng BIM đã kết luận rằng công nghệ BIM có thể giúp cắt giảm tới 40% chi phí không dự trù trong ngân sách dự án xây dựng, giảm tới 80% thời gian đưa ra chi phí ước tính và rút ngắn khoảng 7% thời gian thi công. Tháp Thượng Hải ở Trung Quốc, cao 632 m với 121 tầng được dự báo sẽ là tòa nhà cao thứ hai thế giới khi hoàn thành vào năm 2014, cũng là một công trình ứng dụng BIM. Nhờ công nghệ này, người ta có thể mô phỏng thiết kế và giảm thiểu 24% tác động của sức gió lên tòa nhà. BIM còn giúp tối ưu thiết kế tòa nhà để tiết kiệm năng lượng, giảm 32% nguyên vật liệu, đồng nghĩa với việc tiết kiệm 58 triệu USD chi phí xây dựng. |
Cuối cùng, việc hoàn công và bảo trì cũng đơn giản hơn, bởi chủ đầu tư sẽ dễ dàng lấy được tất cả thông tin liên quan đến dự án từ BIM mà không phải lật lại hàng đống hồ sơ giấy tờ.
“Năm 2007, tôi từng đề cập đến việc ứng dụng BIM với một số tập đoàn xây dựng lớn trong nước nhưng đều không được họ chú ý. Nhưng đến khi kinh tế khó khăn thì người ta mới thấy cần thiết phải áp dụng công nghệ này để tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân công mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình”, Hãn cho biết.
BIM lý tưởng là vậy, nhưng Synectics đã ra đời không hề thuận buồm xuôi gió. Giống như bao công ty khởi nghiệp, Huân và Hãn cũng phải đi gõ cửa các quỹ đầu tư để kêu gọi vốn. Tiếp cận khá nhiều quỹ, nhưng cả hai đều bị từ chối vì ý tưởng tuy hay nhưng họ được cho là chưa có nhiều kinh nghiệm về BIM.
Không nản chí, Huân và Hãn đã dựng một mô hình BIM từ thiết kế ban đầu của Đảo Kim Cương và đem đi trình bày với ban quản lý dự án này. Nhờ BIM, họ phát hiện ra tổng cộng 146 lỗi thiết kế chỉ riêng trong 6 tầng lầu của dự án, tính được chi phí để sửa chữa từng hạng mục. Nhờ đó họ đã thuyết phục được ông chủ của Bình Thiên An chấp thuận rót vốn cho Công ty.
Sau hai năm hoạt động, Huân và Hãn đều thừa nhận trở ngại lớn nhất khi thuyết phục các chủ đầu tư chịu ứng dụng BIM vào dự án chính là vì công nghệ này còn quá mới mẻ và khác với cách làm việc truyền thống của họ.
Theo kiểu cũ, các kỹ sư thiết kế kiến trúc, thiết kế cơ điện và thiết kế xây dựng hoạt động riêng lẻ trong suốt quá trình phát triển dự án. Giờ đây, BIM đòi hỏi họ phải tích hợp công việc thành một khối thống nhất và phối hợp chặt chẽ với nhau ngay từ đầu.
“Ngày xưa chỉ có bản vẽ bằng tay, bây giờ 95% bản vẽ đều được dựng trên AutoCAD. Nhưng áp dụng BIM còn hiệu quả hơn. BIM gói gọn thông tin tất cả các bản vẽ AutoCAD vào một mô hình 3D duy nhất, sẽ trở thành chuẩn mực của quy trình quản lý dự án xây dựng tại Việt Nam trong tương lai. Nhưng muốn ứng dụng được BIM, tư duy của chúng ta phải thay đổi, phải học được cách phối hợp cùng nhau”, Hãn nhận định.
Ngoài dự án Cầu Sài Gòn 2 vừa hoàn thành, Synectics cũng đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP. HCM ứng dụng BIM vào một số dự án hạ tầng quan trọng của thành phố như tuyến tàu điện ngầm Metro đoạn Công viên Lê Thị Riêng - Suối Tiên và một số dự án cầu đường ở miền Tây Nam Bộ. Theo đại diện Synectics, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng đang tìm lộ trình thích hợp để dần đưa BIM trở thành một quy chuẩn trong xây dựng.
“Một đất nước phát triển không thể thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và tôi biết Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm ứng dụng BIM từ các quốc gia đi trước”, Huân cho biết trong khi tay vẫn thoăn thoắt trên iPad trình diễn mô hình 3D phối cảnh tuyến Metro sắp triển khai.