Thay vì đòi hỏi, chủ công ty phải biết cho nhân viên nhiều hơn ắt sẽ được tất cả

Thanh Ngân| 10/11/2020 09:11

Trải nghiệm nhân viên là chiến lược mới trong quản trị doanh nghiệp (DN) và nếu áp dụng thành công sẽ có được tài sản vô giá là một tập thể gắn kết, đồng lòng, tất cả người lao động vì công ty mà phấn đấu.

Thay vì đòi hỏi, chủ công ty phải biết cho nhân viên nhiều hơn ắt sẽ được tất cả

Lợi ích lớn

Trải nghiệm nhân viên (Employee eXperence) là sự tương tác giữa nhân viên và công ty xuyên suốt quá trình làm việc của họ. Khác với cách quản trị truyền thống dựa vào yêu cầu và mong muốn của lãnh đạo, quản trị DN dựa vào trải nghiệm nhân viên tập trung trả lời và đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân viên, chạm đến cảm xúc của từng cá nhân trong tập thể lớn. Từ đó, tạo dựng tinh thần tích cực, gắn kết khăng khít giữa DN và nhân viên, giúp nhân viên hoàn thành công việc tốt nhất của họ.

Khảo sát của Kincentric với các DN, tập đoàn lớn trên thế giới năm 2019 cho thấy, có đến 79% DN cho rằng trải nghiệm nhân viên có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh. Bởi, trải nghiệm nhân viên sẽ khiến nhân viên tích cực hơn trong công việc, gắn bó và tạo được sự kết nối cá nhân với mục tiêu của tổ chức. Các công ty đã xây dựng được trải nghiệm nhân viên có thể tác động và khơi dậy mạnh mẽ năng lực, sự sáng tạo, tri thức của nhân viên ngoài mong đợi của chính nhân viên và DN. Điều đó có thể thúc đẩy sự phát triển DN một cách thần kỳ. 

Theo nghiên cứu của KennedyFitch, DN có thể đạt được 4 lợi ích khi xây dựng mô hình trải nghiệm nhân sự thành công. Đó là tối ưu nguồn lực của DN, có những lợi thế cạnh tranh riêng, trải nghiệm khách hàng tăng cùng trải nghiệm nhân viên và phát triển được chiến lược số.

Còn theo Viện nghiên cứu Workhuman, top 25% các DN có điểm trải nghiệm nhân sự cao nhất có được nỗ lực của nhân viên lên tới 95% và hiệu quả làm việc đạt 96%, trong khi nhóm tổ chức có trải nghiệm nhân sự thấp nhất chỉ nhận được 33% nỗ lực của nhân viên và hiệu quả chỉ đạt 73%. Không chỉ vậy, nhóm đạt điểm trải nghiệm nhân sự cao có tỷ lệ muốn rời bỏ DN chỉ ở mức 21% trong khi tỷ lệ này ở nhóm có điểm trải nghiệm nhân sự thấp nhất lên tới 44%.

Hiện nay, quản trị dựa trên trải nghiệm nhân viên đang được ứng dụng trong chiến lược phát triển kinh doanh chủ chốt của nhiều DN lớn trên thế giới như IBM, LinkedIn, General Electrics, Facebook, và được các tổ chức tư vấn quản lý hàng đầu thế giới như Deloitte, McKinsey, Gartner, Mercer cho là xu hướng phát triển nhân sự của tương lai.

Vẫn khó, làm sao?

Tại Việt Nam, nhiều DN đang xây dựng trải nghiệm nhân viên nhưng chưa thấy rõ hiệu quả. Bà Dương Thuý Quỳnh - Giám đốc truyền thông Công ty Navigos Group Việt Nam cho rằng, làm trải nghiệm nhân viên ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn bởi tư duy của người lãnh đạo. Hầu hết các chủ DN băn khoăn không biết đầu tư vào trải nghiệm nhân viên có cần thiết hay không. Hầu như các DN chưa có nhân sự chuyên biệt phụ trách mà thường bộ phận nhân sự kiêm nhiệm luôn công việc này. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều rào cản về đầu tư, xây dựng môi trường cũng như công nghệ để phát triển. 

Không chỉ vậy, tại Việt Nam hiện nay đang thiếu nhiều tài liệu về cách xây dựng trải nghiệm nhân viên bài bản và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Báo cáo “Trải nghiệm nhân viên Việt Nam 2020” do ACheckin thực hiện mới đây cũng cho thấy điều đó. Có tới 40% nhân sự và quản lý cấp cao, lãnh đạo DN chưa từng đọc, nghiên cứu về trải nghiệm nhân viên. Và chỉ có 21% DN có vị trí quản lý chuyên trách về trải nghiệm nhân viên.

nhan-su-2368-1604965393.jpg

Quản trị trải nghiệm nhân sự tốt sẽ tạo ra tài sản vô giá cho doanh nghiệp

Đa phần các DN vẫn đang làm những nghiệp vụ nhân sự truyền thống, chưa mở rộng và thử những góc nhìn và công cụ mới, đặc biệt là trong việc lắng nghe cảm xúc, ý kiến của nhân viên. Hiện mới chỉ có 48% DN thực hiện khảo sát nhân sự, mà trong đó có tới 88% thực hiện một năm một lần hoặc ít hơn.

Do DN làm theo cảm tính, không có chiến lược, bài bản nên rất lãng phí về chi phí, thời gian, con người. Đã vậy, nhiều DN còn băn khoăn không biết nên đầu tư như thế nào và đầu tư ra sao? Cần đầu tư bao nhiêu cho một nhân viên để có trải nghiệm tích cực? Nhân viên đó liệu có tạo ra đủ lợi nhuận để công ty cân đối với các chi phí làm trải nghiệm?...

Chia sẻ tại sự kiện “Trải nghiệm nhân viên: hành trình từ tốt đến tuyệt vời” diễn ra cuối tuần qua, ông Bùi Quý Phong - Phó chủ tịch CLB các giám đốc Sales và Marketing Việt Nam CSMO cho rằng: “Có nhiều góc tiếp cận khác nhau và phải hiểu cốt lõi của vấn đề. Nên tiếp cận việc đầu tư cho trải nghiệm nhân sự từ góc độ văn hoá DN. Bởi những thứ làm cho con người không thể ngay lập tức có lời lãi, và đầu tư cho con người là đầu tư lâu dài. Và làm trải nghiệm nhân viên nên xác định được mục đích và đừng làm theo xu hướng. Khi có mục đích rõ ràng thì mọi thứ sẽ sáng tỏ". 

Thay đổi từ lãnh đạo

Trên thực tế, trải nghiệm luôn tồn tại trong môi trường làm việc của tất cả các DN, nhưng để tạo ra trải nghiệm đúng, có ý nghĩa với nhân viên, các chuyên gia cho rằng, nên bắt đầu từ việc thay đổi tư duy. Và sự thay đổi tư duy ấy phải bắt đầu từ người lãnh đạo. 

Để nhân viên hào hứng hơn khi đến làm việc mỗi ngày, các chủ DN nên đầu tư vào môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, cần cân đối giữa khả năng tài chính và việc xây dựng trải nghiệm bởi mục tiêu không phải để công ty trở nên quá bắt mắt mà là tạo cảm hứng làm việc cho nhân sự.

Các chuyên gia cho rằng, xây dựng trải nghiệm nhân viên là cả một quy trình và chủ DN phải có niềm tin vào lợi ích của việc tạo trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Cùng với đó, phải lắng nghe nhân viên, cải tiến các quy trình và liên tục đo lường hiệu quả. “Phải lắng nghe nhân viên một cách trọn vẹn để thấu hiểu và có quyết định đúng. Việc xây dựng trải nghiệm nhân viên có thể sẽ không mất chi phí khi DN tạo nhiều cảm xúc tích cực từ sự chân thành, chia sẻ của người lãnh đạo”, chủ một DN khẳng định.

Để trải nghiệm nhân sự được đánh giá tốt, nhà quản trị cần nhanh chóng vun đắp tư duy, kiến thức, học hỏi và ứng dụng những kỹ năng mới như tư duy thiết kế, chuyển đổi số, tổ chức linh hoạt, tư duy thiết kế dịch vụ, marketing… 

“Thay vì đóng khung trải nghiệm nhân viên vào công việc riêng của riêng bộ phận nhân sự, các nhà lãnh đạo, các phòng ban khác và những quản lý tầm trung phải hiểu và tham gia vào quá trình xây dựng trải nghiệm tốt hơn. Cùng với đó, những người làm nhân sự sẽ phải học, ứng dụng những phương thức suy nghĩ, làm việc mới, khác với những gì trường lớp đã đào tạo”, một chuyên gia về nhân sự chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thay vì đòi hỏi, chủ công ty phải biết cho nhân viên nhiều hơn ắt sẽ được tất cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO