Giữ chân nhân sự không bằng tiền

Lê Hạnh| 18/07/2022 06:00

Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với “nỗi đau” thiếu hụt nguồn lực khi tái hòa nhập đường đua thương trường sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Giữ chân nhân sự không bằng tiền

Dưới đây là kinh nghiệm giữ người của Tập đoàn Táo Kim Cương (DA.Group) được chia sẻ bởi ông Nguyễn Công Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DA.Group, Nhà sáng lập - Chủ tịch DCI Việt Nam, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp CLB Doanh nghiệp Việt Nam (VEC).

Giữ chân nhân sự bằng “tài sản mềm”

Theo ông Bình, văn hóa DN là tài sản mềm của DN, là “thứ giữ nhân sự không bằng tiền”.

Để thiết lập và nâng cao giá trị của loại “tài sản mềm” này, ông Bình cho rằng, DN cần có 3 thứ: Tầm nhìn của lãnh đạo, nguồn lực, và con người. Theo đó, tầm nhìn phải cụ thể, và điều quan trọng là phải phù hợp với nguồn lực của DN. “Đặt tầm nhìn siêu cao, kiểu “Tôi sẽ xây dựng DN thành DN toàn cầu”, nhưng lại không có sức mạnh, nguồn lực thì chỉ là ảo tưởng”, ông Bình nói. 

Và yếu tố quan trọng nhất chính là đội ngũ nhân sự con người. Ông Bình phân tích: “Những DN mạnh, họ tập trung vào nguồn lực con người rất tuyệt vời. Một người bảo vệ, thư ký của Jack Ma cũng có thể trở thành triệu phú, bất cứ ai trong tập đoàn của họ đều có thể trở thành triệu phú. Chúng ta phải làm sao để nhân viên có cơ hội làm được điều đó”. 

Chủ tịch kiêm TGĐ DA.Group nêu quan điểm: Tư duy của người lãnh đạo thể hiện đầu tiên ở việc dùng người. Dùng người sai thì hao phí cực lớn. Tuyển tiến sĩ vào làm bảo vệ thì vẫn mất đồ như thường. Tuyển vợ sếp làm cấp phó hoặc thủ quỹ là một đại họa của DN nếu họ thực sự không có tố chất và kỹ năng cần thiết của người làm ở vị trí đó.

Ông cho biết: “Một điều cực quan trọng mà lãnh đạo (nhất là ở DN vừa và nhỏ) ít để ý, đó là không làm đúng thứ họ cần làm. Giám đốc nhưng lại trực tiếp làm việc của nhân viên. Bí quyết cá nhân tôi là quản trị theo cái mình muốn, chứ không quản trị theo cái mình biết. Truyền đạt chủ trương và yêu cầu kết quả, rồi để nhân viên tự làm”. 

-6698-1657596457.jpg

Ông Nguyễn Công Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Táo Kim Cương (DA.Group), Chủ tịch kiêm nhà sáng lập DCI Việt Nam, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp VEC.  

Triết lý “trao đi trước”

Theo ông Nguyễn Công Bình, người lãnh đạo cần có 4 kỹ năng, đó là: Thiết lập mục tiêu và giao việc (goal); hướng dẫn nhân viên (guide); huấn luyện (coach) và kiểm soát quá trình thực hiện (control). 

Kinh nghiệm của ông Bình là: “Lãnh đạo giao việc một cách chung chung sẽ khiến nhân viên bị rối. Ví dụ, thay vì “Anh muốn công ty phát triển” thì hãy là “Anh muốn giảm 3% chi phí”. Đồng thời phải có hướng dẫn rất rõ ràng, chi tiết. Hướng dẫn rồi mà nhân viên vẫn không biết làm thì chủ DN phải coach (cầm tay chỉ việc) đến khi nào nhân viên biết làm mới thôi. Và giao việc xong phải kiểm soát xem nhân viên làm xong chưa, có “mắc” ở đâu không. Nếu phân công người không phù hợp thì người phân công phải chịu trách nhiệm”.

Ông cũng chia sẻ cách Công ty CP DCI Việt Nam đã và đang hoạt động theo triết lý “Give what you want” - Hãy trao đi điều bạn muốn. 

“Nếu chúng ta muốn bất kỳ điều gì hãy trao nó đi trước. Nếu chúng ta muốn mọi người giúp mình, hãy giúp họ trước. Nếu muốn mọi người cười hay đối xử tử tế với mình, hãy cười và đối xử tử tế với họ trước”, ông Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ chân nhân sự không bằng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO