Trò chuyện doanh nhân

Bí quyết mở rộng doanh nghiệp cả trong thời chiến của CEO Ukraine

Khởi Vũ 01/12/2023 12:03

Tiếp quản công ty từ năm 2020, cô Ulyana Kyrychuk đã mở rộng doanh nghiệp của mình ra cả thị trường quốc tế bất chấp Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine.

LTS: Ulyana Kyrychuk là CEO của Milla Nova - một công ty may váy cưới ở Lviv, Ukraine. Dưới đây là bài viết cô chia sẻ với Business Insider về quá trình dẫn dắt công ty của mình mở rộng ra thị trường nước ngoài trong khi đối mặt với đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine được Doanh Nhân Sài Gòn lược dịch.

bi-quyet-mo-rong-doanh-nghiep-ca-trong-thoi-chien-cua-ceo-ukraine.png
Ulyana Kyrychuk - CEO của Milla Nova

Tôi là CEO của Milla Nova - một công ty may mặc với 500 nhân viên chuyên may váy cưới cho các cô dâu trên toàn thế giới. Kể từ khi tiếp quản công ty vào năm 2020, tôi đã phải đối mặt với cả đại dịch lẫn chiến tranh ở đất nước mình. Bất chấp mọi khó khăn, Milla Nova đã phát triển thành một thương hiệu toàn cầu, có mặt ở 59 quốc gia.

Trong quá khứ, tôi từng tham gia các khóa học lãnh đạo trực tuyến tại Trường Kinh doanh Harvard để học cách dẫn dắt tổ chức vượt qua khủng hoảng và thay đổi. Dù vậy, đã không có bất cứ điều gì có thể chuẩn bị cho tôi trước những gì đã xảy ra: một cuộc chiến buộc tôi phải xem xét lại mọi điều mình biết về khả năng lãnh đạo.

Kế hoạch khắc phục thảm họa của tôi đã phá sản


Tôi nhớ chúng tôi đã có phiên họp chiến lược vào ngày 23/2, một đêm trước khi chiến tranh bắt đầu. Bản năng mách bảo tôi phải soạn thảo một kế hoạch kinh doanh liên tục để có thể đối phó với bất kỳ thảm họa hay mối đe dọa tiềm tàng nào đối với nhân viên của mình.

Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, nó không chỉ đơn giản là một thảm họa mà là điều tôi chưa bao giờ trải qua trước đây. Và, thật khó để dự đoán mọi thứ. Kế hoạch của tôi đã không tính đến những vấn đề như nhân viên buồn bã, thất vọng, khóc lóc hoặc từ chối rời xa người thân của họ ở Ukraine. Chúng tôi đơn giản là chưa chuẩn bị cho việc này!

Giữ nhân sự bằng cách trao cho họ mục tiêu và ý nghĩa


Trên thực tế, rất nhiều nhân viên của tôi khi đó nói họ sẽ không đi làm trong thời chiến mà thay vào đó muốn tham gia hoạt động tình nguyện và giúp đỡ những người lính ở tiền tuyến. Vì vậy, chúng tôi đã ngừng hoàn toàn việc sản xuất trang phục trong những ngày đầu của chiến sự và chỉ sản xuất quân phục cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Đó là một quyết định quan trọng để không đánh mất nhân sự của chúng tôi. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng không thể đánh mất các cô dâu của mình. Trong ngành may mặc trang phục cưới, bỏ lỡ ngày cưới đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Nên, chúng tôi đã từng chút một khôi phục hoạt động và sản xuất trang phục cho quân đội lẫn cho các khách hàng của mình.

Thậm chí, chúng tôi còn mạnh dạn đề xuất một số khách hàng chia sẻ trang phục của họ với nhau để giúp đỡ chúng tôi trong vài tuần đầu tiên của chiến sự và tránh bị thất vọng (vì không có áo cưới). Cuối cùng, chúng tôi đã không bỏ sót ngày cưới nào.

bi-quyet-mo-rong-doanh-nghiep-ca-trong-thoi-chien-cua-ceo-ukraine-1.png
Nhân viên làm việc tại xưởng may của Milla Nova tại Lviv, Ukraine.

Chuyển hoạt động sang trạng thái thời chiến

Chúng tôi cố gắng cung cấp mọi thứ có thể cho những người xung quanh. Ví dụ, chúng tôi đã làm một nơi trú ẩn cho những người tị nạn chiến tranh. Nằm tại phía Tây Ukraine, Lviv ở xa khá chiến tuyến của cuộc giao tranh, nhưng chúng tôi muốn chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Đối với những người có thân nhân đang chiến đấu ở tiền tuyến, chúng tôi hỗ trợ họ bằng các khoản quyên góp như quần áo quân đội.

Chúng tôi thậm chí đã hoàn thành việc sửa chữa nhà máy của mình ở Lviv vào mùa hè vì muốn mọi người cùng nâng cao năng suất và tiếp tục phát triển thương hiệu. Một số người cho rằng chúng tôi thật điên rồ khi sửa chữa và xây dựng nhà máy của mình lớn gấp 4 lần nhà máy trước đó trong năm đầu của chiến sự. Song, hóa ra đây lại là một quyết định hết sức tuyệt vời khi giúp chúng tôi tăng cường sản xuất và đẩy doanh thu từ 19 triệu USD năm 2022 lên 24 triệu USD trong năm nay.

Quá nhỏ không có nghĩa là sẽ thất bại


Đôi khi, chúng ta có thể nghĩ rằng bản thân quá nhỏ bé hoặc ở quá xa để có thể tiếp cận với các thương hiệu lớn hơn. Và, điều này đã xảy ra với chúng tôi và công ty chuyển phát bưu kiện DHL. Công ty này đóng cửa hoạt động ở Ukraine khi chiến tranh nổ ra. Kết quả là chúng tôi không thể xuất khẩu những chiếc váy được sản xuất tại Ukraine.

Khi đó, điều tôi nghĩ đến là viết thư cho ông chủ của DHL trên mạng xã hội LinkedIn để nhờ giúp đỡ. Tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi có khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, từ Úc cho đến Mỹ, đang chờ mua váy và thứ duy nhất còn thiếu là những chiếc hộp đỏ - vàng của DHL.

Thực lòng mà nói, tôi đã không trông đợi sẽ nhận được bất cứ phản hồi gì. Nhưng sáng hôm sau, tôi nhận được tin nhắn từ ông ấy, nói rằng họ sẽ cố gắng khôi phục hoạt động trong thời gian sớm nhất. Tôi rất vui khi nhận được câu trả lời này và trong khoảng 2 giờ, tôi đã nhận được cuộc gọi từ CEO của DHL tại Ukraine.

Văn hóa làm việc và tư duy thời chiến


Tôi tin rằng chìa khóa thành công là văn hóa doanh nghiệp. Tấm lòng quan tâm đến mọi người, từ nhân viên cho đến khách hàng, khiến tất cả cảm thấy được trân trọng và nhờ đó thúc đẩy họ đầu tư cho công việc của mình.

Chúng tôi hiểu rằng mọi người đều đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp và đó chính là động lực tốt nhất. Tôi tin rằng đây là cách mọi nhà lãnh đạo nên điều hành doanh nghiệp.

Nếu bạn không hiểu động lực cá nhân của nhân viên của mình, làm thế nào bạn có thể thúc đẩy họ đạt được mục tiêu đây? Thế nên, nếu bạn thực sự quan tâm đến nhân viên của mình và biết động lực của họ, bạn sẽ nhận được kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí quyết mở rộng doanh nghiệp cả trong thời chiến của CEO Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO