Du lịch Việt Nam: Hãy là đại bàng tung cánh
So với hơn hai năm ngủ đông 2020 và 2021, du lịch Việt Nam đang tăng trưởng trở lại và rất đáng khích lệ với dự đoán cả năm 2023 có thể đạt 12 triệu lượt khách. Song con số này đâu hẳn đã vui…
Năm 2022, dù nỗ lực hết mình, du lịch Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, bằng 20,33% của năm 2019 (18 triệu). Năm 2023, dự kiến đón 8 triệu khách quốc tế. 8 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch. Dự đoán cả năm có thể đạt 12 triệu lượt khách. Để có con số khá ấn tượng đó, ngành du lịch đã cố gắng không mệt mỏi.
Nhìn sang láng giềng
So với hơn hai năm ngủ đông, hậu đại dịch Covid-19, thành quả 8 tháng đầu năm của du lịch Việt Nam quả là rất đáng khích lệ, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt phân tích: “Năm 2019, truyền thông và dư luận dành nhiều ngôn từ có cánh cho du lịch Việt Nam như “tăng trưởng thần kỳ”, “kỳ tích vàng”… Những danh xưng này không sai nếu chỉ nhìn vào biểu đồ phát triển nội tại. Nhưng nếu nhìn ra nước ngoài thì… giật mình, ấp úng.
Vì sao? Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2019, du lịch Thái Lan đón 39,8 triệu lượt khách quốc tế (hạng 8 thế giới) nhưng doanh thu 63 tỷ USD (hạng 4 thế giới). Trung Quốc đón 65,7 triệu lượt khách quốc tế (hạng 4 thế giới) nhưng doanh thu chỉ 40,4 tỷ USD (hạng 10 thế giới). Năm 2022, Thái Lan đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, không có trong top 10 lượng khách lẫn doanh thu thế giới.
6 tháng đầu năm 2023, Thái Lan đón hơn 12 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến cả năm đón 30 triệu, quyết gia nhập top 10 thế giới, Việt Nam đón 5,6 triệu khách quốc tế; Lào 1,7 triệu; Campuchia 2,5 triệu. Nhìn qua số liệu, ông Mỹ cho rằng du lịch Việt Nam dù nỗ lực thì quanh ta, các nước láng giềng cũng nỗ lực, thậm chí nỗ lực nhiều hơn. Ví dụ, Thái Lan đã có cách biến không thành có, cách tạo cầu và nghệ thuật để vét sạch túi tiền du khách. Hay Lào có cách làm du lịch sinh thái nông nghiệp, bao gồm cả rừng. Không có chút biển nào, du lịch Lào vẫn đang hơn Việt Nam nếu tính theo dân số.
Phải tăng tốc
Du lịch Việt Nam không chỉ cần nỗ lực mà phải tăng tốc. Đó là ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp trong ngành. Có người còn thẳng thắn: “Đã quá đủ các hội thảo, hội nghị. Giờ là lúc cần cách làm hiệu quả để tăng tốc”.
Nhưng tăng tốc thế nào? Theo Chủ tịch Lửa Việt, du lịch là công nghiệp (industry) chứ không phải thuần túy dịch vụ (service). Vì thế, mọi thứ phải được chuẩn hóa tối thiểu. Không thể tăng tốc kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm. Albert Einstein (1879-1955) đã nói: “Chúng ta không thể giải quyết những tồn tại hiện nay bằng tư duy được hình thành cùng với những tồn tại đó”.
Ông Trần Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist cũng thừa nhận: “Cái khó để tăng tốc du lịch là cơ sở vật chất và các dịch vụ phục vụ cho du lịch hầu như chưa đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất cách làm, giải quyết khó khăn cho du lịch nhưng đây là vấn đề mang tính vĩ mô, không thể giải quyết ngay. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần sự vào cuộc của nhiều ngành khác. Tự thân ngành du lịch không thể làm du lịch hiệu quả”.
Mới hôm qua, khi làm việc với một công ty du lịch có tên tuổi tại TP.HCM, phóng viên cũng giật mình vì đến bây giờ, dù đã có rất nhiều chương trình xúc tiến du lịch nhưng lãnh đạo của công ty này vẫn thốt lên: “Các hội chợ xúc tiến du lịch dù tổ chức rất nhiều, nhưng chưa thực chất, đa số chỉ tham gia vì quan hệ chứ hiệu quả và kết nối chưa như kỳ vọng. Xúc tiến và quảng bá du lịch vẫn đang làm theo lối mòn”.
Muốn có thành quả đột phá phải có suy nghĩ đột phá, phải thay đổi suy nghĩ, đoạn tuyệt với những cách làm lạc hậu. Đây cũng là trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp du lịch khi được hỏi: Làm thế nào để du lịch Việt Nam là đại bàng tung cánh?
Nhiều doanh nghiệp mong muốn có những chính sách thiết thực để họ yên tâm bỏ tiền ra đầu tư cho du lịch. Trong khi chưa có nhiều sự hỗ trợ từ ngân sách, họ chỉ cần cơ chế hỗ trợ để làm và cam kết sẽ làm đúng chức năng, thay vì cứ phải bị kiểm tra, làm khó. Để thúc đẩy ngành tăng tốc và có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, có doanh nghiệp còn đặt ra câu hỏi rất quyết liệt: Nên chăng, doanh nghiệp được quyền chọn lãnh đạo theo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” và hiệu quả?
Mọi vấn đề cần được giải quyết từ gốc, từ con người cụ thể. Không thể phát triển du lịch đường thủy nếu kênh rạch ngày càng ô nhiễm. Không thể tăng tốc ngành công nghiệp không khói nếu không có người lãnh đạo dám làm, người quản lý không không chịu thay đổi, cứ “đủng đỉnh” theo cách nghĩ và cách làm “muôn năm cũ”. Trong một doanh nghiệp, người lãnh đạo luôn đòi hỏi đội ngũ phải đổi mới, hiệu quả thì quản lý ngành và các cấp cũng rất cần KPI (Key Performance Indicator - chỉ số đo lường hiệu quả công việc). Nếu không đạt, phải mạnh dạn nhường vị trí cho người khác”.
Ở góc nhìn khác, khi đưa ra cách làm cho phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phó tổng giám đốc Saigontourist nói: “Nếu nói đúng bản chất của phố đi bộ Nguyễn Huệ thì hiện nay mới chỉ là phố cấm xe chạy vào thứ bảy, Chủ nhật thuần túy, chứ không phải là phố đi bộ giống như các nước khác hoặc là những nơi mà du lịch phát triển đang và đã làm. Ở các nước, phố đi bộ có chủ đề trong tuần,
thậm chí mỗi đoạn trên phố họ sẽ có nhiều hoạt động, chủ đề khác nhau. Mỗi đoạn đường là một sắc màu, một hoạt động không trùng lắp, khiến phố đi bộ trở nên hấp dẫn và trở thành điểm đến thu hút du khách.
Trong khi mình cũng có rất nhiều hoạt động để cho du khách cảm thấy thích thú, để đi, để đến trải nghiệm nhưng chưa làm. Mà nếu có thì cũng đang tự phát, chưa xây dựng và tổ chức bài bản, đồng bộ. Đơn cử, một vấn đề nhỏ thôi là nhà vệ sinh cũng chưa có. Nếu đi dạo vào phố đi bộ Nguyễn Huệ mà có “nhu cầu” thì chỉ biết “chịu trận”. Điều đáng nói là ở các nước, những việc này đều do doanh nghiệp làm, nhà nước không cần phải bao cấp, làm thay.
Ông Bảo nói thêm, cũng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, nếu cho xã hội hóa thì sẽ có rất nhiều cách làm để phố đi bộ Nguyễn Huệ không thua phố đi bộ các nước. Ví dụ, tại các tòa nhà nên đặt những màn hình LED, đầu tư ánh sáng và nhiều hoạt động hấp dẫn… biến phố đi bộ thành một thành phố thu nhỏ thật sự sôi động, sắc màu, náo nhiệt về đêm.
Hay như nguyên dòng sông Sài Gòn của TP.HCM đẹp như thế, nhưng chưa khai thác được gì. Làm sao phát huy sông Sài Gòn giống như Đà Nẵng với những chiếc cầu độc đáo, rực rỡ và ứng dụng hiệu ứng ánh sáng đang thu hút du khách, hay đôi bờ dòng sống tại sao không là phố đi bộ sầm uất và cảnh quan ánh sáng kỳ diệu như nhiều nước?
Một du khách nước ngoài đến TP.HCM rất thích đi bộ trên bờ sông Sài Gòn nhưng lại “cảm thán” với người viết bài: Sao sông Sài Gòn để lãng phí vậy? Nhìn lại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dòng kênh duy nhất được cải tạo căn cơ; được xem là hình mẫu, là hoa hậu du lịch đường thủy, di sản môi trường... thì ngẫm ra, vẫn đang hoạt động với đủ thứ khó khăn. Làm thế nào để Nhiêu Lộc - Thị Nghè là kênh hoa, đôi bờ (đường Hoàng Sa, Trường Sa) là phố đi bộ như Singapore… vẫn là ước mong của nhiều doanh nghiệp tâm huyết với du lịch và du khách.
Để không là chim cánh cụt…
Bên cạnh việc thay đổi triệt để cách nghĩ, cách làm, cần có những đề xuất “táo bạo” nhưng có cơ sở. Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam mở rộng không gian miễn thị thực từ 13 lên 22 quốc gia và thời gian thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày, chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu từ 15 lên 45 ngày. “Tuy nhiên, cho đến nay, đáng tiếc là động thái rất tích cực này chưa được ngành du lịch tận dụng, hưởng ứng bằng những cách làm thiết thực, dù trước đó luôn đề nghị nhà nước mở rộng cửa thị thực”, ông Mỹ nói.
Theo ông Mỹ, để có cú đột phá toàn diện, phải có chính sách và cách làm đột phá từng khâu. Cụ thể là 6 điểm chính sau:
Thứ nhất, miễn thị thực du khách đi theo đoàn trên toàn thế giới vào Việt Nam với điều kiện lưu trú từ 7 ngày trở lên, trừ các tàu biển cao cấp. Các công ty lữ hành Việt Nam và đối tác liên đới trách nhiệm (bị xử phạt, rút giấy phép) nếu để khách trốn.
Thứ hai, điều chỉnh thuế VAT khách inbound (vào Việt Nam) xuống 0% như khách outbound (người Việt và người nước ngoài ở Việt Nam du lịch nước khác). Có chính sách khuyến mại (không giảm giá, chỉ tặng thêm sản phẩm), khuyến khích khách nước ngoài mang ngoại tệ vào Việt Nam và chi tiêu như một dạng xuất khẩu tại chỗ.
Thứ ba, giảm thuế VAT xuống 5%, miễn thuế doanh nghiệp du lịch khởi nghiệp tối thiểu hai năm đầu. Có nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ.
Thứ tư, sửa đổi các điều khoản về du lịch sinh thái nông nghiệp, trong đó có sinh thái rừng. Chấm dứt làm khó nhau kiểu cho thuê “không gian rừng” hiện nay. Chỉ cần làm được như Lào, du lịch Việt Nam có thể tăng trưởng thêm ít nhất 20%.
Thứ năm, thay đổi tinh thần và thái độ phục vụ, lấy nụ cười và thái độ niềm nở làm vũ khí cạnh tranh. Đoạn tuyệt các tệ nạn chặt chém, mở hàng, đốt phong long, trấn lột… du khách. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các điểm đến.
Thứ sáu, liên kết các điểm đến, điểm dừng để tặng thêm sản phẩm. Thay vì giảm giá tour thì mua 3 hay 5 tặng 1. Trước khi bàn chuyện cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, phải làm ngay “4 chấm có”: có thông tin cụ thể, có số liệu minh bạch, có cách làm hiệu quả, có người chịu trách nhiệm rõ ràng”.
Du lịch Việt Nam muốn tung cánh đại bàng, phải thay đổi mạnh mẽ và triệt để. Nói như giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM, nếu tự hài lòng với những thành quả đang có và cách làm hiện nay, du lịch Việt Nam sẽ vẫn lạch bạch như chim cánh cụt…