Du lịch

Du lịch đêm khám phá Kinh thành Thăng Long cổ kính

Phan Thế Hải 09/09/2023 11:00

Dẫu là người sống ở Hà Nội mấy chục năm và có vẻ như “không lạ gì” kinh thành Thăng Long, nhưng khi trải nghiệm tour du lịch đêm ở Hoàng thành, tôi mới khám phá thêm được nhiều điều. Đặc biệt là với địa danh có hơn nghìn năm tuổi và tầng tầng lớp lớp các di tích chồng lên nhau qua nhiều triều đại thì những trải nghiệm về đêm rất thú vị, nhất là với những người yêu môn lịch sử.

496289dedefa0ba452eb.jpg
Đoan Môn về đêm lung linh huyền ảo trong ánh điện

Thực ra thì Hoàng thành Thăng Long không chỉ nghìn năm tuổi mà là ngót 1300 năm. Trước đó đã có nền thành cũ là Đại La (大羅). Sử cũ chép lại thì còn có một số tên gọi khác là Đại La thành, hay La thành (羅城) là thành trì, thủ phủ của An Nam đô hộ phủ thời Nhà Đường trong hai thế kỷ VIII và thế kỷ IX. Thành nằm ở vị trí giữa Thành Hà Nội và sông Tô Lịch, thuộc quận Ba Đình của Hà Nội hiện nay.

Đại La ban đầu do Trương Bá Nghi cho đắp từ năm Đại Lịch thứ 1 đời Đường Đại Tông (767); Triệu Xương cho đắp thêm năm Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông (791). Đến năm Nguyên Hòa thứ 3 đời Đường Hiến Tông (808), Trương Chu lại sửa đắp lại. Năm Trường Khánh thứ 4 đời Đường Mục Tông (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp thành nhỏ, gọi là La thành, sau đó Cao Biền cho đắp lại to lớn hơn.

Năm 1010, tại Kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô về thành Đại La và đổi tên kinh thành này là Thăng Long. Lý Thái Tổ cùng các quần thần đã gấp rút xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long. Đến đầu năm 1011 thì hoàn thành.

60ce19304e149b4ac205.jpg
fc9a44651341c61f9f50.jpg
Tour đêm thu hút nhiều du khách và học sinh tham quan

Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách, gồm vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng thành, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Tử Cấm thành hay Cấm thành là nơi ở của nhà vua. Các thời sau đều theo cách ấy mà phân chia.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, hầu hết công trình, thành quách cũ đã bị tàn phá, người đời sau được biết đến thông qua các cuộc khai quật, khảo cổ và các văn tự khác chép lại.

Từ 19 Hoàng Diệu, theo đường Thần Đạo đi về hướng Bắc, du khách bắt gặp Đoan Môn (端門) là cổng chính phía Nam vào Hoàng thành Thăng Long, được xây dựng vào thời nhà Lý, nhưng cổng Đoan Môn còn tồn tại ngày nay là do nhà Lê sơ xây dựng (thế kỷ XV) và được sửa sang, tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

a6b6eef1b9d56c8b35c4.jpg
Những cổ vật đã được khai quật ở khu khảo cổ Hoàng Thành

Đây là một trong 5 công trình ở Thăng Long còn sót lại, là Cột cờ Hà Nội, Cửa Bắc (Thành Hà Nội), Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên và Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cổng Đoan Môn có hình chữ U, từ Đông sang Tây dài 46,5m, có 5 vòm cổng, vòm cổng chính giữa dành cho vua đi, hai cổng tận cùng bên cạnh là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Cổng hiện nay còn nguyên vẹn. Hiện giờ, cửa là lối ra vào của Hoàng thành Thăng Long, ban đêm nhìn lên Đoan Môn lung linh ánh điện rất huyền ảo.

Khác với tour ngày, trải nghiệm tour đêm không phải chịu cái nắng nóng oi nồng cuối Thu. Thay vào đó là tiết trời mát dịu, ngắm thành cổ ẩn hiện dưới những rặng cây cổ thụ huyền ảo để gợi nhớ về những thăng trầm lịch sử.

72044b261102c45c9d13.jpg
Tái hiện hình ảnh Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Chúng ta đang nói nhiều về kinh tế đêm nhưng chưa mấy ai hiểu đúng về từ này. Kinh tế đêm không chỉ là những khu phố ẩm thực, đi bộ và bán hàng rong mà hơn thế. Một dịch vụ không thể thiếu được của kinh tế đêm ấy là các tour du lịch tham quan như di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội... Tour đêm đã mang lại cho du khách những trải nghiệm tốt hơn, thú vị hơn khi có thời gian trải nghiệm suy ngẫm về những di tích nghìn năm tuổi như ở Hà Nội”.

Quan sát những người tham gia tour đêm, có thể thấy tour đêm đã mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng bận rộn với công việc ban ngày. Chị Tố Nga - một du khách ở phố cổ cho biết: “Ban ngày bận bán hàng không đi đâu được. Ban đêm tham gia tour được trải nghiệm khám phá những điều bí ẩn giữa lòng Hà Nội”. Em Hoàng Anh - một học sinh trường Chu Văn An cho biết rất yêu môn lịch sử nhưng lịch học ban ngày kín mít, tham gia tour đêm đã truyền cảm hứng rất nhiều trong môn học mà em hứng thú.

Một điều đáng nói nữa là những nhà làm tour đêm ở Hoàng thành đã rất sáng tạo khi biết kể những câu chuyện về lịch sử qua những chứng tích còn sót lại. Mỗi chứng tích là một tiểu phẩm nho nhỏ đáp ứng sự quan tâm của du khách. Điều này giải thích vì sao những người tham gia tour đêm ngày càng đông đảo. “Giá vé 300.000 đồng cho 90 phút tham quan đầy ắp cảm xúc là chấp nhận được”, một du khách hào hứng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch đêm khám phá Kinh thành Thăng Long cổ kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO