Du lịch

Biến đổi khí hậu thay đổi xu hướng du lịch ở châu Âu

Bảo Quân 21/09/2023 15:05

Châu Âu là khu vực được ghé thăm nhiều nhất hành tinh, nhưng cũng là nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề từ biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Biến đổi khí hậu cản trở du lịch châu Âu

Tại Ý, chỉ riêng 7 tháng năm 2023 (năm nóng thứ ba lịch sử nước này từ năm 1800) đã ghi nhận trung bình 11 hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mỗi ngày, từ lũ lụt, hạn hán đến cháy rừng. Ở 8 thành phố là Rome, Florence, Bologna, Perugia, Brescia, Bolzano, Latina và Rieti, chính quyền đã phải phát cảnh báo đỏ về nắng nóng. Thời tiết cực nóng cũng góp phần gây cháy rừng ở Sicily khi nhiệt độ có lúc lên tới 47 độ C ở Palermo - thủ đô của hòn đảo.

bien-doi-khi-hau-thay-doi-xu-huong-du-lich-o-chau-au-1.png
Nắng nóng như thiêu đốt quét qua châu Âu mùa Hè qua khiến nhiều du khách buộc phải rút ngắn thời gian du lịch

“Hôm nay nó đã đến Bologna, Ý và giờ sẽ tiếp tục quét qua Tuscany. Đợt nắng nóng tại đây thật khủng khiếp. Nếu mọi chuyện cứ tiếp tục như thế này, những điểm đến dành cho nghỉ dưỡng này sẽ không có tương lai về lâu dài. Biến đổi khí hậu đang tàn phá miền Nam châu Âu. Một thời đại đã sắp sửa kết thúc”, Karl Lauterbach - Bộ trưởng Y tế Đức, bình luận trên Twitter về tình hình tại Ý hồi đầu tháng 7.

Không chỉ Ý, sóng nhiệt dữ dội cũng quét qua Tây Ban Nha và Hy Lạp, cùng phần lớn các nước Nam Âu khác, đẩy nhiệt độ lên mức cao nhất từng ghi nhận ở lục địa già. Trong khi đó, lũ lụt nặng nề nhấn chìm miền nam Áo, Croatia và Slovenia.

Ở Hy Lạp, giới chức cho biết nhiệt độ lên tới hơn 44 độ C và Bộ Văn hóa nước này đã phải đóng cửa thành cổ Acropolis tại Athens suốt thời gian nắng nóng gay gắt. Cũng trong tháng 7, chính quyền đã phải sơ tán hàng chục nghìn du khách khỏi Rhodes và Corfu sau khi cháy rừng nhấn chìm hai hòn đảo này.

“Rất khó để du khách khám phá châu Âu trong cái nóng của mùa Hè, đặc biệt nếu muốn thăm các điểm tham quan văn hóa ngoài trời như tàn tích Pompeii (Ý), công viên Gaudi ở Barcelona (Tây Ban Nha) hay tháp Eiffel ở Paris (Pháp)”, bà Ruinely - một du khách người Bỉ nói. Bà cũng cho biết đã ở trên du thuyền suốt thời gian đi vòng quanh Địa Trung Hải, do nắng nóng đã cản trở kế hoạch ghé thăm các thành phố khi tàu cập cảng.

Không chỉ vậy, các chuyên gia cảnh báo nhiệt độ tăng có thể dẫn đến tuyết rơi thất thường và diện tích lớp tuyết dày bị thu hẹp lại, rút ngắn các mùa trượt tuyết lẫn trượt ván trên tuyết.

Theo một kết quả mới công bố từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp (INRAE) và Météo-France, hơn 2.200 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Với mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C, hơn 30% trong số đó sẽ phải đối mặt với “nguy cơ rất cao” thiếu tuyết.

Theo The Economist, châu Âu là khu vực được ghé thăm nhiều nhất hành tinh, khi thu hút 585 triệu trên tổng số 900 triệu du khách quốc tế vào năm ngoái. Du khách từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng vượt xa du khách ngoài khối về số đêm lưu trú tại các điểm đến.

Du lịch và lưu trú đóng góp 5% GDP của EU (theo một số ước tính gián tiếp chiếm hơn 10%) và một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của khách du lịch cả trực tiếp lẫn gián tiếp, gồm Croatia (26% GDP), Hy Lạp (18,5%), Tây Ban Nha (13,6%), Ý (10%). Do đó, biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan có thể giáng một đòn nặng nề vào ngành công nghiệp này, thậm chí thay đổi hoàn toàn xu hướng du lịch.

bien-doi-khi-hau-thay-doi-xu-huong-du-lich-o-chau-au-2.jpg
Một nữ du khách hụt hơi trong nắng nóng tại thành cổ Acropolis ở Athens, Hy Lạp

Xu hướng du lịch thay đổi

Dù vậy, tín hiệu đáng mừng là bất chấp thiệt hại từ thời tiết cực đoan, du lịch châu Âu sẽ đón một lượng lớn du khách vào Hè năm nay, khi nhiều người “đi trả bữa” sau các lệnh hạn chế do đại dịch.

Trên thực tế, số người hủy chuyến là khá ít, bất chấp các nguy hiểm có thể chờ đợi họ. Dự báo, số lượng du khách thậm chí có thể vượt kỷ lục thiết lập năm 2019, khi có 743 triệu du khách quốc tế đến các địa điểm của châu Âu.

Theo tập đoàn du lịch TUI của Đức, dù giá cao hơn nhưng lượng đặt phòng vào mùa Hè vẫn cao hơn khoảng 6% so với một năm trước. Tuy nhiên, sự phục hồi có thể sẽ sớm chấm dứt, nếu nỗi sợ thời tiết cực đoan tiếp tục lớn lên trong những năm tới?

Theo Harald Zeiss - chuyên gia về du lịch bền vững tại Đại học Khoa học Ứng dụng Harz ở Wernigerode, thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp với người dân, đe dọa sinh kế của những người sống dựa vào thu nhập và việc làm từ du lịch ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Dự báo về sự thay đổi xu hướng du lịch do biến đổi khí hậu, ông Zeiss cho rằng những tour nghỉ dưỡng trọn gói truyền thống trên các bãi biển Địa Trung Hải sẽ bị ảnh hưởng. Nắng nóng gay gắt và ngột ngạt sẽ làm nản lòng người già và cả những gia đình có trẻ em.

“Tôi rất đau ở đầu, chân và các ngón tay của tôi sưng lên và tôi hay bị chóng mặt hơn. Chúng tôi dự định ở đó trong hai tuần, nhưng chúng tôi không thể ở lại vì nóng”, Anita Elshoy và chồng - những người đã trở về nhà ở Na Uy từ điểm nghỉ mát yêu thích là làng Vasanello ở phía Bắc Rome, sớm hơn một tuần so với kế hoạch do nhiệt độ cao, chia sẻ.

Trên thực tế, Ngân hàng HSBC dự báo rằng du lịch biển sẽ là ngành có khả năng sẽ chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu, do bãi biển là các điểm du lịch nổi tiếng, chiếm gần 50% lượng du khách toàn cầu. Ngay cả khi đi theo lộ trình phát thải CO2 thấp, thế giới vẫn có khả năng mất đi trung bình 53% bãi biển có cát, kéo theo sự sụt giảm 30% số phòng khách sạn và 38% doanh thu du lịch năm 2100. Các rủi ro tiềm tàng khác gồm bờ biển bị xói mòn, hạ tầng du lịch bị ngập.

bien-doi-khi-hau-thay-doi-xu-huong-du-lich-o-chau-au-3.jpg
Do biến đổi khí hậu, những tour nghỉ dưỡng trọn gói truyền thống trên các bãi biển Địa Trung Hải sẽ bị ảnh hưởng

Trong khi đó, Torsten Kirstges - chuyên gia du lịch tại Đại học Khoa học Ứng dụng Jade ở Wilhelmshaven, Đức cho rằng dù cháy rừng còn lẻ tẻ, du khách sẽ tiếp tục đổ về phía Nam châu Âu, ngay cả trong những tháng Hè oi bức, ít nhất là trong 5 năm tới, vì giới trẻ nói riêng nhìn chung vẫn thích tắm nắng.

Do đó, Địa Trung Hải vẫn sẽ hút khách, chừng nào các lựa chọn thay thế còn không hấp dẫn. Trên thực tế, nhu cầu đến các địa điểm ở phía Bắc, đặc biệt là Biển Baltic, Đức, Đông Âu và Scandinavia, có thể tăng lên trong giai đoạn cao điểm mùa Hè. Song các điểm đến này không thể thay thế các khu vực nghỉ dưỡng ở phía Nam vì chúng không được trang bị cho du lịch đại chúng.

Dù vậy, điều chắc chắn là xu hướng du lịch có thay đổi và về lâu dài, sự dịch chuyển từ những bãi biển Địa Trung Hải sang các điểm đến ở vùng Baltic là không thể tránh khỏi, dù diễn ra chậm chạp. Vào những năm 1950, kỳ nghỉ yêu thích của người Đức là một chuyến đi xuyên biên giới tới Áo. Phải đến giữa những năm 1980, Tây Ban Nha mới trở thành lựa chọn số một. Và các chuyên gia đều đồng ý rằng du lịch ở châu Âu trong 30 năm tới sẽ khác với hiện tại.

Trong ngắn hạn, để thích nghi với sự thay đổi, các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên nước tại những nơi mà chúng ngày càng khan hiếm sẽ cần được quan tâm, bên cạnh đó là hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết cực đoan và chính sách hỗ trợ để kéo dài mùa nghỉ dưỡng.

Theo Kirstges, sẽ có thêm nhiều khách sạn ở Địa Trung Hải lắp đặt máy điều hòa không khí chạy bằng năng lượng mặt trời, máy làm mát nước và những thứ tương tự, trong khi du khách có thể thích nghi bằng cách ra ngoài vào buổi sáng và tối để tránh nóng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành có thể giảm hoạt động du lịch trong thành phố vào mùa Hè, chú trọng điểm đến trên núi cao; hạn chế đầu tư cho du lịch mùa Hè và tăng quảng bá du lịch vào mùa Thu hoặc mùa Xuân, khi nhiệt độ vừa phải dễ chịu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biến đổi khí hậu thay đổi xu hướng du lịch ở châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO