Xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ
Kết thúc cuộc họp chính sách vào giữa tháng 12 vừa rồi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình giảm mua trái phiếu hằng tháng. Trong đó, FED đã giảm mua tài sản khoảng 15 tỷ USD trong tháng 11 và sẽ nâng mức giảm lên 30 tỷ USD trong tháng 12/2021. Từ tháng 1/2022, FED chỉ mua 60 tỷ USD tài sản mỗi tháng, bằng một nửa trước đây.
Sau khi kết thúc chương trình mua tài sản, FED dự kiến sẽ nâng lãi suất trở lại, với dự báo ba lần trong năm 2022, hai lần trong năm 2023 và hai lần nữa trong năm 2024. Được biết, các thành viên thuộc Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) đều nhất trí với động thái trên, qua đó đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng với chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại. Khả năng FED có thể kết thúc chương trình mua tài sản đồng thời nâng lãi suất ngay từ tháng 3/2022, trước những lo ngại lạm phát đáng báo động hiện nay.
NHTƯ Anh Quốc thậm chí còn hành động sớm hơn khi hôm 16/12/2021 quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, từ mức 0,1% lên 0,25%. Đây cũng là NHTƯ lớn đầu tiên tại khu vực châu Âu có quyết định tăng lãi suất. Lạm phát tại Anh đã chạm đỉnh 10 năm trong tháng 11/2021, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,1%, từ mức 4,2% trong tháng 10/2021 và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Trong cùng ngày, NHTƯ Na Uy cũng quyết định tăng lãi suất từ 0,25% lên 0,5%, đánh dấu lần nâng lãi suất thứ hai chỉ trong ba tháng qua. Cơ quan này đồng thời cho biết nhiều khả năng sẽ nâng thêm lãi suất trong năm 2022. Ngân hàng châu Âu (ECB) dù chưa phát tín hiệu nâng lãi suất nhưng cho biết sẽ loại bỏ dần chương trình mua trái phiếu khẩn cấp.
Đến ngày 17/12/2021, NHTƯ Nga có đợt nâng lãi suất lần thứ 7 trong năm 2021, tăng 4,25% kể từ tháng 3/2021. Động thái này cho thấy sự nhanh chóng và quyết liệt của nhiều nước nghèo hơn trên thế giới khi đối phó với áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, Mexico, Chile, Costa Rica, Pakistan, Hungary và Armenia đều đã nâng lãi suất trong tuần trước. Nhiều trong số này phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2022 trước áp lực lạm phát chủ yếu xuất phát từ đà tăng của giá thực phẩm và năng lượng, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự bất ổn của đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ so với đô la Mỹ |
Ngược dòng
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc hôm 20/12/2021 tiếp tục gây chú ý khi quyết định hạ lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, từ mức 3,85% xuống 3,8%/năm với kỳ hạn một năm, nhưng giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn kỳ hạn 5 năm ở mức 4,65%/năm. Sự thay đổi lãi suất cho vay chuẩn sẽ tác động tới lãi suất đối của các khoản vay doanh nghiệp và hộ gia đình.
Đáng chú ý, động thái này diễn ra chỉ sau một tuần NHTƯ Trung Quốc (PBoC) quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm 2021, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đang quay trở lại với chính sách nới lỏng tiến tệ.
Tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên trước đó, các lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh muốn có sự ổn định trong năm 2022. Do đó, PBoC nên linh hoạt trong chính sách tiền tệ, đồng thời thanh khoản nên được giữ ở mức hợp lý. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc dường như nhằm ứng phó với xu hướng tăng giá suốt thời gian qua của đồng nhân dân tệ, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, vốn đã chịu nhiều áp lực từ khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra.
Trước Trung Quốc, NHTƯ Thổ Nhĩ Kỳ vì sức ép chính trị từ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cũng đã tiếp tục hạ lãi suất chuẩn từ 15% xuống 14%, đánh dấu lần giảm lãi suất thứ tư kể từ tháng 9/2021. Điều này đã châm ngòi cho đà giảm mạnh của đồng Lira. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 40% giá trị so với USD kể từ tháng 9/2021, trở thành một trong những khoản đầu tư tệ nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, trong khi các nước phương Tây lo ngại lạm phát đã tăng lãi suất, nhiều nền kinh tế đang phát triển vẫn phải vật lộn với tăng trưởng yếu và tình hình dịch bệnh phức tạp, do đó vẫn kiên trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong các cuộc họp gần đây, NHTƯ Indonesia, Philippines, Ai Cập, Mauritius và Đài Loan đều giữ nguyên lãi suất.
Dù vậy, một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng phần lớn NHTƯ châu Á, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2022 vì lo ngại dòng vốn sẽ chuyển sang Mỹ khi FED nâng lãi suất. Diễn biến đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc gần đây là tín hiệu cảnh báo cho các nước châu Á, khi sự ổn định tiền tệ sẽ là mối quan ngại chính sách lớn trong năm 2022.