Bình luận

Giải pháp quản lý nhiên liệu nào cho ngành ô tô, xe máy?

Kim Loan 27/07/2025 14:47

Với doanh nghiệp (DN), một chính sách tốt không chỉ là đúng mục tiêu mà còn phải khả thi và thúc đẩy phát triển. Trong bài toán quản lý nhiên liệu ô tô, xe máy, CAFC không đóng cửa cơ hội như MEPS mà mở ra dư địa để DN linh hoạt thích ứng, cải tiến công nghệ và tiếp tục tăng trưởng bền vững trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu môi trường.

Khi tiêu chuẩn thành rào cản

Trong lộ trình cắt giảm phát thải và hướng tới tăng trưởng xanh, việc kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu của ô tô, xe máy là điều tất yếu. Tuy nhiên, chọn công cụ quản lý nào lại là một quyết định chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến DN sản xuất, người tiêu dùng và toàn bộ thị trường. Trong hai mô hình được đặt lên bàn cân hiện nay là MEPS và CAFC, khoảng cách không nằm ở tên gọi, mà ở triết lý quản lý.

3-1.jpg
Các chuyên gia đề xuất nên tính hạn mức nhiên liệu theo mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của DN

MEPS, viết tắt của Minimum Energy Performance Standards (Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu), là mô hình kiểm soát theo kiểu “đồng phục cứng”. Mỗi kiểu xe, dù là xe tay ga bình dân, mô tô phân khối lớn hay ô tô đa dụng đều phải tuân thủ một mức trần tiêu thụ nhiên liệu tuyệt đối. Với xe máy, con số là 2,3 lít/100km. Mẫu xe nào không đạt chuẩn sẽ không được phép bán ra thị trường.

Cách tiếp cận này tưởng chừng rõ ràng và dứt khoát, nhưng thực chất lại gây ra nhiều hệ lụy. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu áp dụng MEPS, có đến 97% kiểu loại ô tô động cơ đốt trong đang bán tại Việt Nam không đạt yêu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt mẫu xe sẽ buộc phải rút khỏi thị trường, không chỉ là các dòng lạc hậu, mà cả những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhưng có công suất lớn hoặc cấu hình đặc thù. Hệ quả là thị trường ô tô có thể mất tới 77% sản lượng bán ra hằng năm, kéo theo tác động dây chuyền đến chuỗi cung ứng, việc làm và đóng góp vào GDP. Ngành công nghiệp ô tô có thể bị giảm tới 574 nghìn tỷ đồng trong giá trị đóng góp GDP và thất thu ngân sách lên tới 377 nghìn tỷ đồng.

Th.S Đinh Trọng Khang - Phó giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải nhận định: “MEPS áp một chuẩn cứng cho mọi loại xe. Hệ quả là DN không thể chủ động xây dựng danh mục sản phẩm, nhà máy không thể tối ưu vận hành và người tiêu dùng bị hạn chế lựa chọn”.

Tác động không dừng ở DN. MEPS còn ảnh hưởng đến người lao động trong ngành công nghiệp phụ trợ, đầu ra đầu vào của chuỗi cung ứng, và xa hơn là niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Chính sách tốt không nên chỉ có một đáp án đúng duy nhất càng không nên đóng mọi cánh cửa chỉ vì vài con số trần.

Mềm để linh hoạt, chặt để đi xa

CAFC, viết tắt của Corporate Average Fuel Consumption (Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của DN), là mô hình quản lý phổ biến tại hơn 90% các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển. Khác với MEPS, CAFC không đánh giá từng mẫu xe riêng lẻ mà tính trung bình lượng nhiên liệu tiêu thụ của toàn bộ danh mục sản phẩm mà một doanh nghiệp bán ra trong năm.

xe.jpg
Kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu của ô tô, xe máy là điều tất yếu trong lộ trình cắt giảm phát thải và hướng tới tăng trưởng xanh

Nói cách khác, nếu một hãng có dòng xe tiêu thụ nhiên liệu cao, họ hoàn toàn có thể “cân đối” bằng cách gia tăng tỷ trọng xe tiết kiệm nhiên liệu hoặc xe điện. Việc quản lý trở nên thực chất hơn, nhưng không triệt tiêu khả năng sáng tạo hay định vị thương hiệu riêng biệt.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “CAFC tạo ra áp lực chuyển đổi đúng chỗ. DN có thể tiếp tục bán xe dung tích lớn, nhưng buộc phải bù bằng những mẫu xanh hơn. Chính điều đó thúc đẩy đổi mới công nghệ, thay vì dồn DN vào ngõ cụt như MEPS”.

MEPS từng được Trung Quốc áp dụng giai đoạn đầu để loại bỏ các dòng xe công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, ngay sau đó nước này đã chuyển sang kết hợp CAFC để gia tăng hiệu quả và khuyến khích đổi mới công nghệ.

Tại Việt Nam, Cục Đăng kiểm - cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu đã lắng nghe ý kiến phản biện từ chuyên gia, viện nghiên cứu và cộng đồng DN, để rồi quyết định loại bỏ MEPS khỏi dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, giữ lại duy nhất phương án CAFC. Hệ thống giám sát doanh số và mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế của DN cũng đã được hoàn thiện, cho phép quản lý minh bạch và có thể xử lý vi phạm nếu có sai lệch khai báo.

Theo ông Nguyễn Đông Phong - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC): “CAFC không phải là ‘nới tay’. Nó là cách để kiểm soát mà không bóp nghẹt. Dựa vào dữ liệu DN tự khai báo, đối chiếu với thực tế, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể đảm bảo tính chính xác”.

Dự thảo tiêu chuẩn mới đặt ra lộ trình phù hợp với năng lực công nghệ hiện tại: mức tiêu thụ trung bình tối đa sẽ là 6,7 lít/100km vào năm 2027, giảm dần còn 6,0 lít vào năm 2030. Thay vì tạo cú sốc, CAFC giúp thị trường thích nghi từ từ, đồng thời mở ra cơ hội hình thành thị trường tín chỉ carbon và khuyến khích phát triển xe điện thông qua các hệ số “ưu tiên” tích hợp trong tính toán.

xe 1
Áp dụng CAFC, các hãng xe vẫn có thể kinh doanh những mẫu xe dung tích động cơ lớn nhưng phải bù lại bằng xe tiết kiệm nhiên liệu

Trong bối cảnh thị trường ô tô, xe máy Việt Nam đang chịu sức ép kép từ xu hướng toàn cầu hóa lẫn nhu cầu nội địa ngày càng đa dạng, việc có một chính sách quản lý linh hoạt như CAFC không chỉ là lựa chọn kỹ thuật, mà còn là bước đi chiến lược. Nó cho phép DN không bị bó buộc bởi những ngưỡng cứng, từ đó tập trung nguồn lực vào những mảng ưu tiên như công nghệ sạch, hệ truyền động tiết kiệm nhiên liệu, hoặc điện khí hóa phù hợp với lộ trình phát triển riêng.

Không những vậy, CAFC còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái thị trường lành mạnh: từ hãng xe, đại lý phân phối, nhà đầu tư công nghệ cho đến người tiêu dùng đều có thể thấy được vai trò và lợi ích của mình trong một chính sách rõ ràng, minh bạch và khả thi. Đó là nền tảng để DN yên tâm cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam - một yếu tố sống còn trong thu hút đầu tư FDI cũng như nâng cao năng lực nội địa hóa ngành công nghiệp xe.

Lựa chọn đúng không phải là cứng rắn nhất, mà là phù hợp nhất. Theo các chuyên gia, chính sách không nên đặt DN vào thế bị động. Trong giai đoạn Việt Nam đang bước vào chuyển đổi xanh, ngành ô tô, xe máy cần một mô hình quản lý giúp họ thay đổi tư duy sản phẩm, đầu tư vào công nghệ sạch, nhưng vẫn giữ được năng lực cạnh tranh và dòng tiền vận hành.

CAFC là cơ chế như vậy, vừa kiểm soát được tiêu thụ nhiên liệu, vừa cho DN quyền tự thiết kế danh mục, tối ưu chiến lược và tham gia vào thị trường phát thải một cách chủ động. Đây là quản lý có trách nhiệm, có tầm nhìn và biết đồng hành cùng khu vực sản xuất - kinh doanh.

a2 (3)
CAFC vừa kiểm soát được tiêu thụ nhiên liệu, vừa cho DN quyền tự thiết kế danh mục, tối ưu chiến lược và tham gia vào thị trường phát thải một cách chủ động

Giữa MEPS - một mô hình áp đặt cứng nhắc và CAFC - một cơ chế quản lý bằng dữ liệu và chiến lược, lựa chọn dường như đã rõ. Điều còn lại là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, truyền thông rõ ràng để DN kịp chuẩn bị và quan trọng hơn là tạo niềm tin rằng chính sách không làm khó mà đang cùng DN đi xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp quản lý nhiên liệu nào cho ngành ô tô, xe máy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO