Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa
Ngày 6/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tập trung nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và tổ chức sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động theo dõi sát tình hình kinh tế trong nước và thế giới để kịp thời điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, cần chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Tín dụng cần được ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh then chốt, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 đạt khoảng 16% so với năm 2024; tiến tới điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường và xóa bỏ hạn ngạch từ năm 2026.
Ngoài ra, chính sách tỷ giá phải được điều hành theo hướng linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá, gắn với việc nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách kịp thời trước các biến động kinh tế, đặc biệt là từ các điều chỉnh chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần khẩn trương rà soát, đánh giá tác động và lộ trình chuyển đổi cơ chế điều hành tăng trưởng tín dụng, từ việc phân bổ chỉ tiêu hành chính sang mô hình đánh giá rủi ro và năng lực thị trường của từng tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng ưu tiên cần được triển khai mạnh mẽ, gồm tín dụng hỗ trợ người dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tín dụng hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, đảm bảo ổn định và hiệu quả; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025.
Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa theo hướng mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ với chính sách tiền tệ và vĩ mô khác.
Mục tiêu là phấn đấu thu ngân sách năm 2025 tăng ít nhất 20% so với dự toán, đồng thời thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là giảm thêm 10% dự toán chi thường xuyên trong 7 tháng cuối năm để tăng nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội.
Bộ Tài chính cần bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí chi trả chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP, đồng thời đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Song song, cần ban hành ngay văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách gắn với mô hình tổ chức mới.
Bên cạnh đó, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cần được triển khai hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân duy trì sản xuất, tạo việc làm và ổn định đời sống.
Đồng thời, Bộ Tài chính phải xây dựng cơ chế thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; rút ngắn quy trình xử lý thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Cùng với việc tham mưu cho các Tổ công tác của Thủ tướng trong công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ cần rà soát, tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Đặc biệt, cần triển khai đầy đủ các biện pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, trong đó ưu tiên tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và thể chế.
Trước ngày 15/7/2025, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ các dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành các luật, nghị quyết liên quan đến lĩnh vực tài chính đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, khóa XV, bảo đảm hiệu lực đồng bộ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm triển khai thị trường tài sản mã hóa.
Cuối cùng, Bộ cần rà soát, đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng từ Mỹ đối với Việt Nam và xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/7/2025.