Tuồng cổ ở Thổ Hà

KIM SA| 29/06/2013 06:46

Làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng bởi lối chơi quan họ độc đáo bên bờ Bắc sông Cầu, mà còn là nơi duy nhất ở Bắc Giang giữ được nghệ thuật tuồng cổ.

Tuồng cổ ở Thổ Hà

Làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng bởi lối chơi quan họ độc đáo bên bờ Bắc sông Cầu, mà còn là nơi duy nhất ở Bắc Giang giữ được nghệ thuật tuồng cổ. Tuy vậy, trước sự lấn át của các loại hình nghệ thuật mới, những người yêu tuồng nơi đây không khỏi trăn trở về số phận của môn nghệ thuật truyền đời này.

Đọc E-paper

Quân lính dẫn đường trong lễ rước

Trứ danh một thời

"Phi tuồng bất thành hội" là câu nói cửa miệng xưa nay của người dân trong ngôi làng nhỏ Thổ Hà. Có lẽ vì vậy mà năm nào làng mở hội (vào ngày 20, 21 tháng Giêng) cũng đều tổ chức diễn kịch tuồng.

Chẳng ai còn nhớ nghệ thuật tuồng có ở đây từ khi nào, chỉ biết rằng hết đời này qua đời khác, người dân nơi đây vẫn trao truyền cho nhau từng tích truyện, kịch bản, trang phục, vai diễn cho đến cách hóa trang, điệu bộ của tuồng...

Dẫn tôi đi một vòng quanh mấy con ngõ chật hẹp phơi kín những dàn bánh đa nem đang khô đến độ, ông Trịnh Quang Liêm, phó thôn phụ trách văn hóa, cho biết: "Xưa kia ở làng này ai cũng biết một chút về tuồng. Buổi tối mọi người thường tụ tập ở sân đình uống trà rồi diễn tuồng cho bà con thưởng thức đến tận khuya. Dù không được học bài bản nhưng vì nghe nhiều, xem nhiều nên không ít người thuộc lòng từng vở diễn, điệu bộ, làn điệu và cách thể hiện trong các vở tuồng đã làm nên tên tuổi ở Thổ Hà như: "Triệu Đình Long cứu chúa", "Đào Tam Xuân", "Ngự đệ Kim Hùng", "Bá đao Diệm Thiên Hùng"... Những cụ diễn tuồng có tiếng ở đây là các kép Nguyễn Đức Dĩ, Trịnh Xuân Tiện, Nguyễn Đình Xuyến... Các cụ đều đã "quy tiên", nhưng mọi bí quyết về tuồng đã kịp trao gửi cho hậu thế. Năm 1987, các cụ ấy đã vận động lớp trẻ thành lập Câu lạc bộ Tuồng Thổ Hà do chính các cụ dìu dắt và truyền dạy".

Diễn viên tuồng ở Thổ Hà

Con ngõ chỉ vừa đủ cho hai người tránh nhau đưa tôi và phó thôn Trịnh Quang Liêm đến nhà ông Nguyễn Công Sơn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng Thổ Hà. "Ông Sơn là người đã hết lòng vun đắp cho nghệ thuật tuồng của quê hương suốt mấy chục năm qua", phó thôn Liêm cho biết.

Bước qua mấy bậc thềm cao tới gần nửa mét của ngôi nhà bày biện đủ thứ đồ lỉnh kỉnh, chúng tôi đã nghe tiếng hát tuồng nỉ non trên sân thượng. Biết có người muốn nói chuyện về tuồng, ông Sơn để mẻ bánh đang phơi dở dang, thay bộ quần áo chỉn chu rồi pha trà tiếp khách.

Ông nói: "Mấy hôm nữa đội tuồng chúng tôi đi biểu diễn tại một lễ hội gần đền Gióng (Hà Nội). Thù lao trả cho mỗi buổi diễn thấp hơn nhiều so với ngày công làm bánh tráng, nhưng đã đam mê thì chẳng toan tính, thậm chí phải bỏ tiền túi ra nhưng anh em trong Câu lạc bộ vẫn vui vẻ”.

"Ông nhà tôi yêu tuồng đến mức cứ về đến nhà là mở đĩa xem hát tuồng. Ông còn hát và diễn theo nữa", bà Cáp Thị Thao, vợ ông Sơn, tiếp lời.

Những người già ở Thổ Hà đều cho rằng, nghệ thuật tuồng tại đây còn giữ được nhiều yếu tố truyền thống do không bị "đứt quãng". Lớp trước dạy lớp sau nên hầu hết lối diễn cổ chưa bị mai một.

Không chỉ xuất hiện trên sân khấu, các nhân vật tuồng còn là "điểm nhấn" trong nghi lễ rước của lễ hội Thổ Hà hằng năm.

Diễn viên tuồng trong đoàn rước tại lễ hội Thổ Hà

Nói về nghệ thuật tuồng, ông Sơn cho biết thêm: Nếu không có sức khỏe thì không thể diễn được tuồng, và ngược lại nếu diễn thường xuyên thì rất có lợi cho sức khỏe. Từng điệu bộ tuồng đều rất khó thể hiện, như động tác vuốt râu, trèo cây, chèo đò, cưỡi ngựa, múa kiếm... sao cho thật giống để người xem liên tưởng như là thật ngoài đời.

Ví dụ như trong vở "Đào Tam Xuân", khi Đào Tam Xuân nghe tin con trai tử thương nơi chiến trận, diễn viên tạo ra được kịch điểm của mâu thuẫn, phải bứt lên thành cao trào của nỗi niềm đau khổ, uất hận, khiến người nghe như đang ở trong cảnh ngộ ấy.

Về phần nội dung, tuồng thường lột tả những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn, xung đột và bi ai, các nhân vật chính diện luôn phải vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh.

Họ hành động một cách dũng cảm và trở thành một hình mẫu, một bài học cho người đời. Vì vậy, diễn viên phải lột tả hết thần thái, tính cách nhân vật, và để làm được điều đó không có con đường nào khác là phải khổ luyện.

Trăn trở giữ nghề

Một thực tế đáng suy nghĩ là làng Thổ Hà còn hàng chục người biết diễn tuồng nhưng thực chất chỉ còn chưa đến 10 người thường xuyên tham gia Câu lạc bộ. Bởi ngoài việc phải tự túc kinh phí hoạt động, theo "nghiệp tuồng" họ còn tốn khá nhiều thời gian nên không ít người phải đành lòng xa rời nó.

Có một lý do nữa khiến những vai diễn tuồng từng đạt tới "độ chín" ngại "động chạm" bởi vấn đề tâm linh. Theo ông Trịnh Quang Liêm, vài năm trước, làng có bốn kép đen khá giỏi đã qua đời một cách bí ẩn. Người ta đồn đoán rằng, các diễn viễn này thường đóng vai những ông tướng lừng danh trong lịch sử nên đã phạm húy(?).

Mặc dù vậy, vẫn còn một số người không nỡ để nghệ thuật truyền thống của làng bị chìm vào quên lãng nên vững lòng bám trụ, trong đó ngoài ông Nguyễn Công Sơn còn có các ông Phạm Tiến Tuấn, Trịnh Đăng Thời, Trịnh Đăng Đàm...

Hơn 20 năm diễn tuồng, được mời công diễn ở nhiều nơi như Bắc Ninh, Hà Nội..., đã giúp ông Sơn nhận ra tuồng là môn nghệ thuật "không hề đơn giản" bởi nó không chỉ kén người diễn mà còn kén cả người xem.

Trong tuồng, nam diễn viên gọi là "kép", gồm có: kép văn, kép võ, kép rừng, kép đen, kép trắng, kép anh, kép em, kép trạng nguyên, kép nghèo (hàn sĩ, hàn nho...). Nói về độ khó của tuồng, ông Sơn cho hay: "Hầu hết các tích tuồng đều xoay quanh các đề tài, nhân vật trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc.

Ngõ nhỏ ở Thổ Hà

Ngôn ngữ hát tuồng đa phần là Hán - Việt hoặc những từ ngữ triết lý, bác học, văn chương theo lối ẩn dụ. Các điệu cơ bản của tuồng như ngâm, vịnh, thán oán, nam thương, xuân nữ, bạch, xướng, nam bình, khách... đều dùng thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát và phú khá chặt chẽ.

Ví như thay vì nói "vui lắm" sẽ nói "mừng thay"; "rất ái ngại" - "chẳng hân hoan"; "xin ông nghĩ lại - "cho mụ thưa qua"..., do vậy đòi hỏi cả diễn viên lẫn khán giả phải có những kiến thức nhất định về ngôn ngữ cũng như lịch sử mới có thể hiểu được.

Điểm khó nữa của tuồng, theo ông Sơn, là cách hóa trang với những quy ước chặt chẽ theo một số mẫu chung, vai "trung" mặt đỏ, râu dài; vai nịnh mặt rằn, râu ngắn; mặt trắng là người có diện mạo đẹp, tính cách trầm tĩnh; mặt đỏ là người trí dũng, chững chạc; mặt tròng xéo đen là tướng phản; hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy; mặt lưỡi cày là người đoản hậu, nhát gan...

Từ những cái khó trên, người yêu tuồng ở Thổ Hà không khỏi trăn trở về số phận của môn nghệ thuật truyền thống này khi chưa tìm được lớp kế nghiệp. Điều mà họ mong muốn hiện nay là các cấp chính quyền địa phương sớm có cơ chế đầu tư để khôi phục, mở rộng mô hình câu lạc bộ hát tuồng, trong đó chú trọng việc truyền dạy cho lớp trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuồng cổ ở Thổ Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO