Ngày càng không như kỳ vọng

SONG NGUYỄN| 06/09/2010 05:08

Đã có một thời, các đạo diễn Việt kiều được kỳ vọng sẽ là cầu nối đưa điện ảnh Việt Nam hòa nhập với dòng chảy của thế giới đương đại. Ngày 17/9 tới đây, bộ phim Giao lộ định mệnh của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ sẽ ra rạp. Tuy nhiên, thành công của bộ phim đang là dấu chấm hỏi.

Ngày càng không như kỳ vọng

Đã có một thời, các đạo diễn Việt kiều được kỳ vọng sẽ là cầu nối đưa điện ảnh Việt Nam hòa nhập với dòng chảy của thế giới đương đại. Ngày 17/9 tới đây, bộ phim Giao lộ định mệnh của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ sẽ ra rạp. Tuy nhiên, thành công của bộ phim đang là dấu chấm hỏi.

Nếu như trước đây, nhắc đến các đạo diễn Việt kiều, khán giả chỉ biết đến Trần Anh Hùng, Lưu Huỳnh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, thì bây giờ đã có một thế hệ trẻ hơn, gồm những Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, Ringo Le, Nguyễn Trọng Khoa…

Người trẻ luôn hứa hẹn sẽ tạo ra một làn gió mới cho điện ảnh nước nhà, nhưng những hy vọng được đặt cho họ có khi bị biến thành thất vọng, bởi tác phẩm của họ đôi lúc biểu hiện cách làm phim ngô nghê kiểu xa rời đời sống thực tế và chất lượng nghệ thuật cũng chỉ… “tầm tầm như ai”.

Các diễn viên trong phim Để Mai tính

Ví dụ mới nhất là Để Mai tính của Charlie Nguyễn. Phim chỉ được dàn diễn viên tốt, nổi tiếng cùng hình ảnh đẹp, câu thoại vui, nhạc hay nên khán giả cũng…có cái để coi! Để bộ phim cốt truyện đơn giản ấy giữ chân được người xem, đạo diễn đã thêm nhiều mắm muối vào vai diễn của Thái Hòa. Nhân vật đồng tính này tạo không khí cười đau ruột cho cả rạp, nhưng cách đạo diễn khai thác nhân vật kiểu dẹo dẹo này quá nhàm và quá nhảm, làm cho một bộ phận khán giả bị phản cảm.

Trước thời điểm công chiếu Giao lộ định mệnh, Victor Vũ khoe là lần đầu tiên khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức một bộ phim lấy cảm hứng từ phong cách ly kỳ bí hiểm đặc trưng của đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock. Bộ phim ly kỳ đến đâu thì khán giả còn phải đợi, nhưng nếu nhớ lại bộ phim trước đây của Victor Vũ là Chuyện tình xa xứ thì càng cần phải… chờ xem! Bộ phim tình cảm ấy được phát hành hồi 2008, tuy bán được vé, làm an lòng nhà sản xuất, nhưng nếu khen đó là phim hay thì hẳn là quá lời.

Thật khó chấp nhận khi cách đối thoại, hành xử giữa các nhân vật người Việt mà lại rất Mỹ: bố con Khang đều sống tại Việt Nam mà Khang dám chửi nhau tay đôi với bố vì bố phản đối mối tình của anh ta. Phim có đôi ba chi tiết gây cười không đáng, rồi cảnh quảng cáo mỹ phẩm rất phô và phản cảm.

Đạo diễn Victor Vũ

Sở dĩ khán giả chờ đợi Victor Vũ sẽ làm nên chuyện vì anh đã làm được hai phim gây tiếng vang trong cộng đồng người Việt tại Mỹ có tên Oan hồnBuổi sáng đầu năm. Victor Vũ cũng từng nhận giải phim xuất sắc tại các liên hoan phim Hamptons Int’l, Newport Beach International, San Diego Asian. Oan hồn còn được tờ Los Angeles Times cho là “một truyện ma tinh tế, một phim độc đáo và có tác động mạnh”.

Bản thân Victor Vũ cũng từng tham gia xử lý hiệu ứng hình ảnh cho những phim Hollywood như X-men, Contact và Starship troopers…Nhưng với Chuyện tình xa xứ, chỉ có thể ghi nhận anh là đạo diễn có công giới thiệu được hai gương mặt mới: Kathy Uyên diễn xuất rất có duyên và Bình Minh tiến bộ rõ trong vai trò diễn viên.

Một ví dụ tiêu biểu khác là phim 14 ngày (Chánh Phương sản xuất) của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa. Anh đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành phim và truyền hình tại Đại học USC (Mỹ), từng làm việc cho hai nhà sản xuất phim lớn ở Hollywood là MTV Productions và Alphaville Productions với những phim nổi tiếng như Michael, The Jackal, The Mummy (Xác ướp Ai cập).

Tại Việt Nam, Nguyễn Trọng Khoa đã làm phim tài liệu Cycling South, đoạt giải ba tại Liên hoan phim thể thao FICTS châu Á năm 2006. Tuy nhiên phim 14 ngày bị thất bại vì môtif quá cũ. Trước đó, Ringo Lê cũng gặp thất bại với phim Chuyện tình Sài Gòn dù anh cũng đã tốt nghiệp ngành điện ảnh và truyền hình tại Đại học Los Angeles, sau đó tiếp tục theo học ngành kịch bản và đạo diễn tại Đại học UCLA.

Bộ phim Sài Gòn nhật thực của đạo diễn Việt kiều Othello Khanh giành được giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim Worldfest Houston - giải thưởng điện ảnh thường niên dành cho phim độc lập và phim ngắn. Đây là một trong ba liên hoan phim quốc tế đầu tiên tại Bắc Mỹ được tổ chức tại Houston (bang Texas, Mỹ) từ năm 1961.

Othello Khanh là Việt kiều Pháp, đã về sống tại Việt Nam hơn 11 năm. Thực hiện phim truyện đầu tay Sài Gòn nhật thực, ông cho biết đã ấp ủ ý tưởng thực hiện bộ phim này hơn năm năm với mục đích là muốn chuyển tải đến bạn bè thế giới hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hiếu thảo, chung thủy, nết na, hết lòng vì gia đình.

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Vậy nhưng khi được trình chiếu ở Việt Nam, Sài Gòn nhật thực đã gặp vô số chỉ trích của báo giới và giới phê bình trong nước, bởi thực tế mà Othello Khanh diễn tả không hề giống với một Sài Gòn thực tại.

Có thể dễ dàng thấy sự xa rời thực tế là yếu tố đầu tiên dẫn đến những thất bại liên tiếp của một số bộ phim do các đạo diễn Việt kiều thực hiện. Công bằng mà nói, ưu thế của đạo diễn Việt kiều là có trình độ kỹ thuật tốt hơn, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, am hiểu về quy trình sản xuất, quảng bá phim hơn hẳn các đạo diễn cùng lứa tại Việt Nam, nhưng khiếm khuyết của họ là để có thể thể hiện cuộc sống và văn hóa đúng như thực tế đang diễn ra tại quê hương, họ phải đi đường vòng khá xa.

Tất nhiên, vẫn có những trường hợp đạo diễn Việt kiều đã đổ nhiều công sức để đem lại những kết quả xứng đáng, thậm chí rất đáng khen ngợi như Con thú tật nguyền của Hồ Quang Minh và Hạt mưa rơi bao lâu của Đoàn Minh Phượng, Mùa len trâu của Nguyễn Võ Quang Minh.

Nhưng những phim hiếm hoi như thế nay gần như đã thuộc về dĩ vãng. Được đào tạo bài bản về điện ảnh ở nước ngoài, nắm vững kỹ thuật tân tiến và nắm bắt xu hướng mới nhất của điện ảnh thế giới, tự viết kịch bản và làm đạo diễn cho đứa con tinh thần, được nhà sản xuất tín nhiệm giao kinh phí làm phim, vì sao các đạo diễn Việt kiều vẫn chưa thể vượt qua chính mình? Từ những thực tế trên, câu trả lời cũng đã lộ diện…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày càng không như kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO