Doanh nhân Trần Quý Cáp: Người vận động cải cách canh tân đất nước
Nhắc đến phong trào Duy Tân diễn ra vào đầu thế kỷ XX ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, không thể không nhắc đến doanh nhân Trần Quý Cáp. Ông được xem là người có công rất lớn trong vận động kinh tế cho người Việt ở Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung.
Trần Quý Cáp lúc nhỏ có tên là Nghị, tự là Dã Hàng, Thích Phu, hiệu là Thai Xuyên, ông sinh năm 1870 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thai La, xã Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nên ông không may mắn có nhiều điều kiện ăn học như các con nhà phú túc trong vùng, khi lớn lên, ông vừa giúp gia đình lo chuyện đồng áng, vừa dùi mài kinh sử. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền mua sách vở, Trần Quý Cáp phải học nhờ sách của con nhà khá giả trong vùng. Nhưng nhờ bản tính thông minh, chịu khó học tập nên Trần Quý Cáp được thầy dạy khen “đọc sách gì cũng hiểu ngay, thầy dạy lấy làm lạ”. Đến năm 20 tuổi, ông được Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong chu cấp ăn học và cho đổi tên thành Quý Cáp.
Sau này khi lên trường tỉnh học, Trần Quý Cáp là một trong sáu người học giỏi nhất ở trường tỉnh lúc bấy giờ.
Là một sĩ phu cấp tiến, chịu ảnh hưởng của những tư tưởng cải cách của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, Trần Quý Cáp với tấm lòng yêu nước nồng nàn đã cực lực đả kích lối khoa cử xưa, đề nghị một lối học mới có tinh thần cứu quốc. Năm 1905, ông cùng Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng quyết định vào Nam, hô hào công cuộc Duy Tân.
Đi qua nhiều tỉnh, thành miền Trung, cả ba người rất tích cực tuyên truyền, vận động tư tưởng Duy Tân nhằm thay đổi lối sống và phong tục đã lỗi thời của người Việt, đề cao tầm quan trọng của việc kinh doanh, khuyến khích mở các thương hội để khôi phục nền kinh tế nước nhà, mở các trường theo lối tân học để đào tạo nhân tài cho phong trào… đi đến đâu cũng được nhiều người hưởng ứng.
Vào Bình Định gặp lúc quan tỉnh mở kỳ thi khảo hạch, ra đầu bài thơ là Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn Lương Ngọc, cả ba ông nhân dịp cổ động việc nước, liền nộp quyển làm bài. Những bài của ba ông khiến quan tỉnh điên đầu, báo cáo về triều đình Huế để quyết định. Vào đến Khánh Hòa, nhân có chiến hạm Nga vào tránh bão ở vịnh Cam Ranh, ba ông liền giả làm thương nhân thuê thuyền ra quan sát.
Vào tới Bình Thuận, ba ông lại kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Trương Gia Mô, Nguyễn Hiệt Chi và các con trai của nhân sĩ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh họp bàn việc nước, mưu lập công ty kinh doanh, mở trường dạy học để khai mở dân trí, chấn hưng kinh tế nhằm mưu đường canh tân.
Năm 1906, sau cuộc Nam du, Trần Quý Cáp trở về Quảng Nam theo yêu cầu của Tổng đốc Nam Ngãi Hồ Đệ bổ nhiệm ông làm Giáo thụ phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Theo Châu bản đời vua Thành Thái (5/7/1906) của Bộ Lại cho biết: “Ngày 21 tháng 5 năm nay, nhận được tờ tư của Tổng đốc Nam Ngãi Hồ Đệ trình rằng: Chức Giáo thụ phủ Thăng Bình thuộc hạt hiện khuyết. Xét có đồng Tiến sĩ Trần Quý Cáp xin về dạy học để tiện chăm sóc cha mẹ là người cần mẫn, văn học đáng khen, được sĩ tử lấy làm tấm gương, xin đưa viên ấy bổ làm Giáo thụ phủ ấy”.
Tuy nhiên, Trần Quý Cáp lại có ý định không nhậm chức mà chọn việc nhóm họp mọi người để diễn thuyết, truyền bá những tư tưởng canh tân, đổi mới cho người dân Quảng Nam nhưng được lời khuyên của gia đình và bằng hữu, ông miễn cưỡng nhận chức Giáo thụ phủ Thăng Bình. Theo lời kể của Trần Huỳnh Sách, học trò của ông thì: “Tiên sinh không muốn đi, nhưng thân bằng lấy sự nhà nghèo và mẹ già khuyến khích mãi, tiên sinh mới đi”.
Trong thời gian nhận chức Giáo thụ, Trần Quý Cáp đã biến phủ Thăng Bình làm nơi duy tân hóa giáo dục, hợp pháp hóa việc dạy chữ Quốc ngữ và truyền bá tân học. Ông thay đổi lối học khoa cử trước giờ của trường thành ngôi trường Duy Tân theo lối học mới, tiến bộ hơn bằng việc giảng dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, dạy các môn khoa học tự nhiên và xã hội, dạy thủ công, thể dục, võ thuật, chú trọng vào tính hướng nghiệp và sự thực dụng.
Đồng thời, ông còn tổ chức diễn thuyết cổ động tân học cho rất nhiều người trong tỉnh Quảng Nam, nhiều nhân sĩ đã tự nguyện góp công, góp của dựng lên nhiều ngôi trường theo lối duy tân tại nhiều làng, xã trong tỉnh Quảng Nam. Từ đó tư tưởng đổi mới mà ông cùng Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng đã dành nhiều tâm huyết tuyên truyền lan rộng ra khắp các trường khác trong tỉnh Quảng Nam, làm thay đổi nhận thức trong lối sống, cách sinh hoạt và nhận thức của người Việt trong nhiều vấn đề như thương mại, nông nghiệp, lối học tập, lối sống… Chưa đầy một năm, trong tỉnh Quảng Nam đã có đến 40 trường tân học ra đời, với những cái tên tiêu biểu và có ảnh hưởng lớn như Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại…
Tư tưởng của ông đã hoàn toàn đổi mới và điều quan trọng là ông đã hoạt động không biết mệt mỏi để thực hiện lý tưởng cứu nước trong nhiều địa hạt. Khi phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh phát động ngày càng diễn ra sôi nổi, ông lại tham gia Duy Tân hội của Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành. Ông đề cao biện pháp để mở mang dân trí, nâng cao tinh thần của quần chúng không gì hơn diễn thuyết, mở trường dạy học…
Hình ảnh một vị tiến sĩ cựu học đến với quần chúng để diễn thuyết, bài xích khoa cử, đề cao tân học, cổ động việc lập trường, mở hội nông thương… là một hình ảnh rất mới mẻ và lạ lùng vào đầu thế kỷ XX.