Doanh nhân hiến kế xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Tại cuộc hội thảo “Giải pháp xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh” vừa diễn ra ngày 25/7/2023, nhiều doanh nhân đã đưa ra những ý kiến đề xuất đáng suy ngẫm.
Môi trường kinh doanh lành mạnh là tiền đề để xây dựng văn hóa doanh nghiệp
TS. Nguyễn Vinh Huy - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 3, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí cho biết, những năm gần đây, TP.HCM ngày càng đạt được những thành tựu trong việc góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Mặc dù vậy, hiện nay nhiều cá nhân vẫn còn tư tưởng kinh doanh bất chấp đạo đức, pháp luật, ảnh hưởng đến tâm lý, môi trường kinh doanh của thành phố. Vì vậy, muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân thì điều tiên quyết là phải xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Ông Nguyễn Vinh Huy cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu chung của doanh nghiệp là hướng đến lợi nhuận. Vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà các doanh nghiệp có thể kinh doanh với bất cứ giá nào, có thể gây tổn hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân khác hay thậm chí xâm phạm đến lợi ích của quốc gia .
Theo ông Huy, việc xây dựng môi trường kinh doanh trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh là ứng dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu vào văn hóa doanh nghiệp, tư tưởng kinh doanh của doanh nhân nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại thành phố mang tên Bác. Việc xây dựng môi trường kinh doanh cần chú trọng đến xây dựng văn hóa đạo đức, với các giá trị cốt lõi là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ của giới doanh nhân.
Vì thế, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp: cải cách thủ tục hành chính và số hóa thủ tục hành chính; lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân, cải thiện văn hóa doanh nghiệp; tạo sự công bằng trong việc tiếp cận chính sách của các doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách thuế, ngân hàng, ưu đãi về đất đai; tổ chức các cuộc thi và vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân ứng dụng tốt văn hóa Hồ Chí Minh vào việc cải thiện văn hóa doanh nghiệp, môi trường kinh doanh.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà kinh doanh bất chấp, gây tổn hại niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, dẫn đến môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi. TP.HCM với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, nếu được tạo thuận lợi để phát triển và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ góp phần phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí
Xem trọng yếu tố con người
Theo ông Nguyễn Văn Đắng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), hiện nay việc phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân không thể không gắn với quá trình chuyển đổi số, trong đó phải đặc biệt xem trọng yếu tố con người.
Ở SAWACO, có hơn 5.000 cán bộ công nhân viên. Để toàn bộ 5.000 nhân viên có thể tiếp cận những bài học, lời dạy, hình ảnh và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì SAWACO đã tăng thêm phần số hóa không gian thành phòng trưng bày trên mạng, một thủy đài thực tế ảo, nơi không gian văn hóa Hồ Chí Minh có thể được chạm tới dễ dàng dù bằng bất cứ phương tiện số nào như máy tính, điện thoại.
Trong không gian 3D có tính trực quan sinh động, người tham quan đi qua từng “phòng”, chiêm ngưỡng các bức ảnh, đọc các lời trích dẫn quan trọng mà chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong suốt sự nghiệp của Người. Qua đó, những cán bộ công nhân viên ở xa cũng dễ dàng có thể đi dạo quanh thủy đài, học tập những bài học văn hóa, triết học, lối sống quan trọng mà Hồ Chủ tịch để lại.
Đồng quan điểm, ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cho rằng, TP.HCM là nơi có lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, là một trong những chủ thể quan trọng trong việc thực hiện cùng góp phần hình thành nội dung về không gian văn hóa Hồ Chí Minh lồng ghép vào công tác xây dựng các tiêu chí đánh giá của văn hóa doanh nghiệp tại doanh nghiệp. Trong đó, lực lượng lao động là đối tượng quan trọng sẽ thực tiễn hóa các nội dung vào đời sống để thể hiện qua hoạt động lao động sản xuất hằng ngày.
Theo ông Triết, sự khác biệt của các doanh nghiệp tại TP.HCM là rất quan tâm đến nội dung đạo đức, thái độ làm việc của người lao động. Khảo sát mới đây của FALMI cho thấy, các doanh nghiệp ở TP.HCM có mức độ yêu cầu đối với tiêu chí “đạo đức, thái độ làm việc” rất cao, chiếm 59,85%; kế tiếp là mức “quan trọng” (chiếm 33,35%); còn lại 3 mức “bình thường”, “không quan trọng”, “hoàn toàn không quan trọng” chiếm tỷ lệ khá thấp, lần lượt là 6,35%, 0,3% và 0,15%.
Vì thế, muốn xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì cần quan tâm đến sự năng nổ, sáng tạo của đội ngũ nhân viên, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho từng doanh nghiệp, hướng đến hình thành bản sắc doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nên tạo phiếu lấy ý kiến của đội ngũ nhân viên dựa theo bộ tiêu chí, trên cơ sở đó xác định được những khía cạnh văn hóa được thể hiện rõ ràng và có độ tin cậy trong doanh nghiệp. Tập trung phát triển những khía cạnh văn hóa của doanh nghiệp được đông đảo đội ngũ nhân viên tin tưởng, thì tư tưởng, hình ảnh, hành động, thành tựu vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng hoàn mỹ để lồng ghép phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần hình thành và phát huy văn hóa doanh nghiệp phải dựa vào con người. vì thế cần thiết tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chí nhận diện văn hóa doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh tiêu chí đào tạo và phát triển về kỹ năng cho người lao động.
Để làm rõ đặc trưng văn hóa của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh tại TP.HCM, chúng ta cần nhìn vào cách các doanh nghiệp phản ứng với quá trình chuyển đổi số. Dù là nhóm doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, các công ty tại TP.HCM đã nhanh chóng theo đuổi các công nghệ mới để cải tổ hoạt động. Đặc biệt, doanh nghiệp hết sức chú ý đến phần đào tạo nhân lực để có thể thích nghi và theo ngay dòng chảy mới.
Ông Nguyễn Văn Đắng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn
Kết hợp xây dựng không gian văn hóa tại doanh nghiệp với không gian mạng xã hội
Theo ThS. Lê Thanh Tú - Chánh văn phòng Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), trong xã hội hiện đại, công nghệ 4.0 hiện nay, không thể tách rời việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các đơn vị với trên mạng xã hội.
Tại Saigon Co.op, việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với việc xây dựng, củng cố các giá trị văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc, truyền thống đạo đức, tính cách con người Saigon Co.op theo 3 mảng gồm không gian văn hóa vật thể, không gian văn hóa phi vật thể, không gian văn hóa mạng xã hội.
Với không gian văn hóa vật thể, Saigon Co.op thành lập phòng truyền thống đa chức năng tại văn phòng cơ quan. Ngoài việc thực hiện trưng bày các vật thể liên quan đến không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đây còn là nơi để giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa của Saigon Co.op và là nơi để các chi bộ sử dụng cho việc sinh hoạt, hội họp, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức lễ kết nạp đảng, trao thẻ đảng...
Với không gian văn hóa phi vật thể, Saigon Co.op phát động cuộc vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động toàn đơn vị thi đua cải tiến, nâng cao năng suất lao động, chất lượng phục vụ khách hàng, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử nơi làm việc… gắn với văn hóa giao tiếp khách hàng, tiêu chí, tiêu chuẩn của cán bộ, nhân viên Saigon Co.op, theo nền tảng cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Với không gian văn hóa mạng xã hội, Saigon Co.op tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm bộ quy tắc ứng xử khi sử dụng Internet, mạng xã hội do Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành và được Ban Tổng giám đốc Saigon Co.op cụ thể hóa vào nội quy lao động của đơn vị, gắn với các giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.