Doanh nghiệp TP.HCM "săn" vaccine: Dễ hay khó?

Phan Nhung - Mỹ Huyền| 21/06/2021 06:00

Để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng phòng Covid-19 và thực hiện mục tiêu miễn dịch trong cộng đồng, Bộ Y tế đã cho phép các doanh nghiệp (DN) tự chủ nguồn vaccine chống Covid-19 trên nguyên tắc vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép.

Doanh nghiệp TP.HCM

Tuy nhiên, việc tự chủ này của các DN đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc, từ tìm nguồn cung, khả năng lưu trữ cho đến nỗi lo vaccine giả, kém chất lượng.

Nhiều nỗi lo dù DN vô cùng "khát" vaccine

Trong công văn số 53/HHG-VP, ngày 16/06/2021 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) gởi đến các Hiệp hội như HAWA, BIFA, DOWA,... các chi hội và DN ngành gỗ, cho thấy đơn vị này đang trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp để mua vaccine Moderna với giá gốc 761.000VNĐ/lọ, thông qua Công ty CP GONSA. Đây chỉ là một điển hình của việc các Hiệp hội, DN chủ động tìm nguồn vaccine.

Chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn, ông Bùi Hữu Thêm, Chánh văn phòng HAWA (Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM) cho biết, VIFOREST hiện chỉ đang trong giai đoạn tìm hiểu khả năng cung cấp của nhà phân phối.

"Nếu nhà phân phối có khả năng cung cấp thì việc mua vaccine cũng phải thông qua Bộ Y tế và 36 đơn vị nhà nước chỉ định. Như vậy, DN sẽ cần nhờ đến cơ quan y tế để nhập vaccine về. Và cho dù nhập về được, DN cũng không thể tự tổ chức tiêm và lưu trữ vaccine được mà phải nhờ các nơi có chuyên môn và kho lưu trữ" - ông Thêm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây đã xuất hiện một vài thông tin về việc lừa đảo liên quan đến việc mua và tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo: Các địa phương, tổ chức, DN có nhu cầu nhập khẩu vaccine  phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Khi nhắc đến việc này, ông Bùi Hữu Thêm cho hay, theo kế hoạch, DN sẽ đặt cọc mua vaccine theo đúng danh sách đã đăng ký. Hơn nữa, nhà cung cấp yêu cầu đơn hàng phải đặt số lượng lớn nên các DN phải ghép đơn với nhau mới đủ số lượng. Bên cạnh nỗi lo không đạt đủ số lượng đơn hàng yêu cầu, các DN còn phải đảm bảo tìm được nhà cung cấp chính hãng theo hướng dẫn của Nhà nước. Ông Thêm cho biết sẽ tránh qua khâu trung gian vì khả năng hàng giả là có. 

Trả lời về nỗi lo vaccine giả và khả năng các DN vướng phải các tổ chức lừa đảo khi mua vaccine, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC nói: "Chúng tôi yêu cầu các DN đang có nhu cầu mua vaccine cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn vaccine, đồng thời tuân thủ đúng theo quy trình của Bộ Y tế và Nhà nước để tránh những trường hợp không rõ nguồn gốc và tránh những hậu quả không hay xảy ra, vì có nhiều hệ quả không thể lường trước được".

"DN tự mua vaccine phải chính xác, đúng quy định và đảm bảo an toàn" 

Phát biểu về việc DN tự mua vaccine tại cuộc họp UBND ngày 19/6, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết: "Vaccine hiện nay đang là nhu cầu rất lớn của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, vì vậy Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đều muốn làm sao người dân được tiếp cận nguồn vaccine một cách nhanh nhất, cho nên yêu cầu mua vaccine của các DN là nhu cầu hết sức chính đáng.

Tuy nhiên, DN phải đảm bảo quá trình mua vaccine chính xác và an toàn nhất. Chúng ta phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, của Nhà nước về vấn đề nhập khẩu ược phẩm nói chung, vaccine nói riêng". 

12345-11103468-3054-1624200100.jpg

Ông Nguyễn Trí Dũng phát biểu tại cuộc họp UBND TP vào chiều ngày 19/6

"Bên cạnh đó, nếu tìm được nguồn vaccine, các DN có chức năng sẽ làm thủ tục nhập khẩu và lô vaccine đó phải được nhà sản xuất "bảo lãnh lô" để tránh trường hợp mua phải hàng trôi nổi, hàng gần hết hạn. Về mặt thủ tục nhập khẩu, Bộ Y tế cam kết sẽ xem xét hồ sơ trong 5 ngày nếu lô vaccine đó đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định" - ông Dũng nhấn mạnh.

Tránh cạnh tranh giữa luồng phân phối vaccine tư nhân và nhà nước

Tại tọa đàm trực tuyến Mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin và trách nhiệm của Nhà nước do Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) tổ chức ngày 19/6, các chuyên gia của trường đã chỉ ra một số vấn đề khi cho tư nhân tham gia huy động vaccine.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: "Với nguồn cung cấp từ tư nhân, chúng ta phải chấp nhận có sự bất bình đẳng khi những doanh nghiệp này sẽ ưu tiên cho chính doanh nghiệp của họ. Để tránh gây tranh cãi sau này, nguồn đấy không được cạnh tranh với nguồn chính thức".

Ông Thành cũng nhấn mạnh, không lấy vaccine ưu tiên cho các đối tượng chính thức theo nguồn nhà nước để chuyển sang tư nhân. Vaccine do tư nhân cung cấp bản chất là nguồn bổ sung thêm, nếu không có cũng không ảnh hưởng. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng, đúng theo trình tự ưu tiên trong tiêm vaccine của toàn xã hội.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Fulbright cho rằng, sự không tranh giành giữa luồng vaccine chính thức và luồng do doanh nghiệp tư nhân huy động là rất quan trọng.

"Nếu đảm bảo được điều này thì việc doanh nghiệp lo cho người lao động của mình sẽ giúp Chính phủ 'rảnh tay' hơn, có thêm nguồn lực dành cho các đối tượng ưu tiên theo chính sách", ông nói. Theo đó, hai nguồn này không loại trừ mà bổ sung cho nhau, với điều kiện có sự tách biệt.

"Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào tìm kiếm nguồn cung vaccine là điều cần thiết trong bối cảnh hiện tại khi Việt Nam đứng trước tình huống khẩn cấp cần số lượng lớn vaccine tiêm chủng trên diện rộng trong thời gian ngắn. Khả năng tiếp cận vaccine của Việt Nam bị hạn chế khi là nước thu nhập trung bình thấp, không có quyền mua trước như các nước giàu. Chúng ta muốn tiếp cận qua Covax nhưng kênh này cũng không đáng tin cậy", TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết.

Bài 2: Cấp "quota" vaccine cho doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp TP.HCM "săn" vaccine: Dễ hay khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO