Cấp “quota” vaccine cho doanh nghiệp

TS. Ngô Công Trường (*)| 21/06/2021 09:22

Chính phủ cần có những quy định, hướng dẫn cũng như phân luồng rất cụ thể, minh bạch, công khai về điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các doanh nghiệp (DN) được ưu tiên tiếp cận vaccine.

Cấp “quota” vaccine cho doanh nghiệp

TP.HCM bắt đầu triển khai đợt chích vaccine trên diện rộng từ ngày 19/06/2021. Ngoài nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, làm việc trong các đơn vị trọng yếu, đợt tiêm chủng này cũng tập trung vào các tầng lớp lao động và các DN tại KCN. Việc này cho thấy Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang rất ưu tiên và tập trung để có được miễn dịch cộng đồng một cách nhanh chóng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu kép “đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế" ngay trong năm 2021.

Đây là năm thứ 2 chúng ta sống trong bối cảnh VUCA (Volatility - biến động, Uncertainty - không chắc chắn, Complexity - phức tạp, Ambiguity - mơ hồ). Các DN cũng dần quen với điều kiện “bình thường mới", và cũng đã có rất nhiều giải pháp xử lý và dự phòng cho chính DN của mình để có thể “sống chung với lũ'. 

Link bài viết

Chính phủ đã kịp thời ra mắt Quỹ vaccine, và rất nhanh chóng đã có rất nhiều doanh nghiệp chung tay. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều sự đóng góp hơn nữa từ phía doanh nghiệp, vì chỉ có cách này thì mới mang lại hiệu quả cho cả 3 phía - nhà nước, DN và người lao động. Việc cố gắng tìm mọi giải pháp duy trì hoạt động liên tục của DN (Business Continuity Plan - BCP) là quan trọng hơn hết, vì Chính phủ không thể và không đủ lực để cứ mãi “giải cứu" DN được.

Vậy làm thế nào để có thể thu hút thêm sự chung tay của doanh nghiệp cũng như phân phối vaccine công bằng? 

Sau khi trao đổi với rất nhiều DN trong quá trình tư vấn, chúng tôi có một số giải pháp đề xuất và kiến nghị với như sau:

Chính phủ cần có những quy định, hướng dẫn cũng như phân luồng rất cụ thể, minh bạch, công khai về điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các DN được ưu tiên tiếp cận vaccine. Điều này sẽ giúp tất cả mọi DN đều có thông tin để xử lý, vì tất cả doanh nghiệp đều có kế hoạch kinh doanh của chính họ.

Cần làm rõ trong các gói ủng hộ vaccine, bao nhiêu % trong số tiền đóng góp sẽ được sử dụng cho chính các DN đó. Với cách này thì rất nhiều DN sẽ đóng góp, vì họ muốn cứu họ trước tiên. Điều này cũng rất hợp lý theo mô hình win - win (cả đôi bên cùng có lợi).

Ví dụ: DN ủng hộ 50 tỷ, thì sẽ được trích 20% để tiêm cho chính DN đó, tương đương với 10 tỷ. Nếu mỗi liều vaccine trị giá 200 nghìn, thì sẽ được 50 nghìn liều. Mỗi người tiêm 2 mũi, như vậy tương ứng với 25 nghìn nhân viên được tiêm. Ngoài ra, DN cũng chủ động sử dụng nguồn “quota" này để phân phối cho nhân viên và các bên liên quan của họ (khách hàng, đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp,...). 

Như vậy, DN cũng tạo được mối quan hệ tốt với các bên trong đợt đại dịch khó khăn này, khi mà doanh thu ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí không thể giảm hơn được nữa thì sự ưu ái của các bên trong việc được DN hỗ trợ vaccine sẽ được trả lại bằng cách khác. 

Đối với các DN nhỏ thì Bộ tài chính nên cho DN được vay tiền để mua, tiêm vaccine với lãi suất 0%. Ngoài ra, các DN còn mong muốn được vay để trả BHXH, BHYT với lãi suất 0% vì việc giãn, hoãn không còn phù hợp, hiệu quả nữa.

Hiện nay việc ủng hộ Quỹ vaccine đã được khấu trừ vào chi phí đầu vào, do đó các doanh nghiệp hãy mạnh dạn ủng hộ. Ngoài ra, Chính phủ và DN nên linh hoạt trong việc tiếp cận nguồn vốn, có thể chia thành nhiều đợt đóng tiền, hoặc chuyển đổi với DN các nguồn lực khác ưu đãi dành riêng cho các DN chung tay trong đợt ủng hộ quỹ vaccine.

DN nên chia đội ngũ chích vaccine theo sơ đồ tổ chức, và theo từng nhóm khác nhau. Ví dụ: đối tượng trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh, tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ cao sẽ được ưu tiên chích trước. Các đối tượng back office (đội ngũ hỗ trợ) hoặc nhân viên không cần phải xuất hiện trực tiếp nên bố trí làm việc từ xa hoặc tại nhà (work from home, remote). Việc này sẽ giảm gánh nặng cho DN, và giảm chi phí cũng như giảm số lượng người phải chích vaccine cho những đợt đầu tiên. Đến khi số lượng nguồn cung vaccine lớn hơn, sẽ triển khai cho các đối tượng tiếp theo.

Việc chích vaccine không phải dừng ở một năm, mà còn kéo dài nhiều năm sau đó, do đó DN và Chính phủ nên có những cuộc trao đổi trực tiếp và hiệu quả để DN có năng lực và quan hệ có thể tìm nguồn cung vaccine về mặt dài hạn.

Ngoài ra DN nên chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá DN, tinh gọn DN và giảm gánh nặng và áp lực vaccine lên Chính phủ. 

Hiện nay nguồn cung là khan hiếm trên toàn thế giới, do đó chúng ta cần có các giải pháp thông minh và hiệu quả hơn.

Chính phủ cần phân loại rõ các mức độ ưu tiên theo quản lý rủi ro với những vùng có nguy cơ cao và mức độ rủi ro về kinh tế. Trong đó, với các vùng có nguy cơ cao có thể xem xét mức độ ưu tiên theo thứ tự như ưu tiên trước hết cho những vùng có dịch, nơi có khả năng bùng phát dịch lớn và sau đó mới đến những vùng có nguy cơ thấp.

Về mức độ rủi ro về kinh tế, cần ưu tiên trước hết cho các khu công nghiệp lớn, các DN sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, DN lớn có quy mô hơn 500 người lao động, sau đó đến các DN nhỏ và vừa ở các khu công nghiệp nhỏ và cuối cùng là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình.

(*) Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và Giáo dục John&Partners

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cấp “quota” vaccine cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO