Doanh nghiệp gặp khó vì giá container lạnh đường biển tăng cao

P.V| 07/01/2022 06:00

Trong bối cảnh cửa khẩu sang Trung Quốc ùn ứ, nhiều doanh nghiệp (DN) quyết định chuyển sang vận chuyển bằng đường biển, song lại gặp khó do thiếu container lạnh và giá tăng 3-4 lần.

Thông tin này được Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit Nguyễn Khắc Huy chia sẻ tại diễn đàn kết nối nông sản ngày 6/1/2022. 

[Caption]

Bốc dỡ hàng hoá tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo vị giám đốc, việc ứ đọng hàng hoá ở biên giới và tồn đọng trái cây tại vườn đang khiến người trồng và DN "ngồi trên đống lửa". Để đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều DN đã chuyển sang vận chuyển bằng đường biển, song lại vấp phải nhiều khó khăn. Trong đó, để có container lạnh chuyển hàng, DN phải tốn rất nhiều chi phí.

"Container lạnh đường biển hiện thiếu trầm trọng. Nhiều DN phải mua lại container lạnh từ DN khác nên giá tăng gấp đôi, thậm chí 3-4 lần so với giá thực tế (giá thực tế dao động 4-8 triệu một container 20 feet)", ông Huy nói.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Phạm Ngọc Thành cho biết, việc dồn xuất khẩu hàng hoá từ đường bộ sang đường biển đang gây nên tình trạng "buôn bán chợ đen" container lạnh, khiến giá container lạnh tăng đột biến. Cước vận tải biển cũng tăng cao khiến DN "đau đầu".

Ông Thành dẫn chứng, nếu trước đây giá cước vận chuyển một container lạnh chỉ 30-40 triệu đồng, nay tăng lên 200 triệu đồng, cộng chi phí vỏ container lạnh tăng cao khiến chi phí xuất hàng của DN tăng nhiều lần. Lợi nhuận do đó giảm mạnh.

Thế nên, vị phó giám đốc đề nghị các bộ ngành hỗ trợ kết nối các đơn vị cung ứng container để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái cây Việt Nam trong thời điểm này.

Theo Giám đốc Công ty Rồng Đỏ Mai Xuân Thìn, để phát triển lâu dài, Việt Nam cần mời đội tàu charter lạnh hoặc đông lạnh (tức thuê nguyên chuyến tàu chuyên chở container lạnh hoặc đông lạnh). Mục đích là vừa phục vụ xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, DN xuất khẩu cần lưu ý không để xuất hiện tình trạng dính SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng nông sản. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây cũng cần kiểm tra kỹ hơn để tránh tình trạng bị trả hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp gặp khó vì giá container lạnh đường biển tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO