Lại đua nhau giảm lãi suất tiền gửi
Chỉ tính riêng trong tháng 8, Ngân hàng OCB đã có đến hai lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, với tổng mức giảm lên đến 4% đối với kỳ hạn 1-5 tháng, 0,2-0,3% ở kỳ hạn 6-11 tháng và giảm 0,1- 0,25% ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Hiện tại, lãi suất gửi tiền kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này chỉ còn quanh 3,35%, kỳ hạn 2-5 tháng từ 3,45-3,5%, cách khá xa so với mức trần 4% theo quy định hiện nay.
Khung lãi suất của TPBank trong tháng 8 cũng giảm mạnh 0,3% kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3,2%, các kỳ hạn khác cũng đều giảm 0,1%, trong khi VietBank cũng giảm mạnh 0,3% ở các kỳ hạn 1-5 tháng, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng giảm đều từ 0,1-0,2%. Ngay cả Ngân hàng Eximbank vốn ít khi thay đổi khung lãi suất tiền gửi, mới đây cũng quyết định giảm mạnh 0,4% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, giảm 0,35% kỳ hạn 2 tháng, giảm 0,3% kỳ hạn 3 tháng và các kỳ hạn còn lại cũng giảm từ 0,1-0,2%.
Trong nhóm ngân hàng có quy mô lớn, Sacombank giảm 0,2-0,3% kỳ hạn 1-5 tháng, giảm mạnh 0,4% kỳ hạn 6-11 tháng, các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên cũng giảm 0,2-0,3%. HDBank cũng giảm 0,1% kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,2% kỳ hạn 6-11 tháng trong khi các kỳ hạn trên 13 tháng giảm đến 0,3%. Tương tự, SHB cũng giảm từ 0,1-0,2% ở các kỳ hạn 1-9 tháng.
Xu hướng lãi suất giảm trở lại không chỉ chứng kiến trên thị trường tiền gửi dân cư, mà ngay cả lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng cũng ghi nhận đà sụt giảm đáng kể trong thời gian qua. Cụ thể, lãi suất qua đêm đến cuối tháng 8 chỉ còn 0,63%, giảm 0,34% so với thời điểm cuối tháng 7; kỳ hạn 1 tuần giảm 0,45% trong khi kỳ hạn 2 tuần giảm 0,31%. So với giai đoạn cao điểm cuối tháng 5, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở các kỳ hạn này cũng đã giảm đáng kể từ 0,75-0,9%.
Việc trái phiếu chính phủ đáo hạn và được mua lại trước hạn giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn |
Điều kiện cần thiết để giảm lãi suất cho vay
Diễn biến lãi suất giảm mạnh trở lại trên thị trường cho thấy thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại. Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho các nhà băng, như việc một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra từ các hợp đồng bán ngoại tệ đầu năm đã đáo hạn trong hai tháng vừa qua.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi cơ chế mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng sang hình thức mua giao ngay cũng phát tín hiệu nhà điều hành có thể can thiệp ngay vào thị trường ngoại hối như tiếp tục mua ngoại tệ và cung ứng thêm tiền đồng ngay khi cần thiết.
Ở góc độ các ngân hàng, nguồn vốn kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể nhờ vào việc tăng mạnh vốn điều lệ cũng như liên tiếp phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ đầu năm đến nay. Trong 8 tháng qua, nhóm ngân hàng đã phát hành xấp xỉ 111.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm gần 39% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành, tiếp tục là nhóm có lượng phát hành lớn nhất.
Riêng trong tháng 8, nhóm này đã phát hành hơn 7.100 tỷ đồng, chiếm hơn 52% tổng giá trị TPDN đã phát hành, trong đó Ngân hàng OCB có lượng phát hành lớn nhất là 2.000 tỷ đồng, nâng tổng lượng phát hành lên đến 7.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Điều này cũng lý giải vì sao ngân hàng này đã liên tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi đến như vậy.
Một lượng vốn lớn từ các trái phiếu chính phủ (TPCP) đáo hạn hàng loạt trong tháng 6 và tháng 7 cũng giúp làm tăng mức độ dồi dào thanh khoản. Thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, lượng TPCP đáo hạn lên tới hơn 1,7 triệu tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ và cũng cao hơn rất nhiều so với lượng TPCP phát hành mới trong 8 tháng chỉ hơn 210.000 tỷ đồng.
Ở góc độ các ngân hàng, nguồn vốn kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể nhờ vào việc tăng mạnh vốn điều lệ cũng như liên tiếp phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ đầu năm đến nay. Trong 8 tháng qua, nhóm ngân hàng đã phát hành xấp xỉ 111.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm gần 39% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, tiếp tục là nhóm có lượng phát hành lớn nhất.
Ngoài ra, thời gian gần đây Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng bắt đầu triển khai nghiệp vụ sử dụng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của KBNN mua lại có kỳ hạn TPCP, đồng nghĩa với việc một lượng thanh khoản tiền đồng sẽ tiếp tục quay lại hệ thống ngân hàng.
Theo thông báo của KBNN, trong tuần từ ngày 6-10/9/2021, đầu mối này sẽ tổ chức mua lại có kỳ hạn TPCP với tất cả ngày làm việc trong tuần. Được biết trong quý III này, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP là 54.760 tỷ đồng.
Ở đầu vốn ra, dịch bệnh bùng phát và chính sách giãn cách xã hội đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trì trệ và làm giảm nhu cầu vay vốn, trong khi sức vay từ nhóm khách hàng cá nhân phục vụ cho tiêu dùng hoặc đầu tư cũng bị giảm sút đáng kể, khiến thanh khoản của hệ thống càng trở nên dư thừa.
Trong báo cáo mới đây, dựa trên số liệu tín dụng từ Tổng cục Thống kê Hà Nội và TP.HCM, SSI Research đã đánh giá tăng trưởng tín dụng tháng 8 không quá tích cực. Trước những yếu tố hỗ trợ trên, dễ hiểu vì sao các tổ chức tiếp tục đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục ổn định ở mức thấp từ nay đến cuối năm.