Điểm sáng hiện tại - Thách thức tương lai

Hồ Lê| 20/01/2020 07:30

Việt Nam được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là một trong 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất đến tăng trưởng toàn cầu năm 2019, cùng với các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp... Điều gì giúp nền kinh tế Việt Nam trở thành điểm sáng của toàn cầu?

Điểm sáng hiện tại - Thách thức tương lai

Điểm sáng tăng trưởng

Nhìn lại tình hình nhiều nền kinh tế trên thế giới rơi vào tình trạng giảm tốc và có nguy cơ suy thoái, những bất ổn về các mối quan hệ địa chính trị, thương mại, kinh tế và tiền tệ trong năm 2019 giữa các nước lớn, mới thấy những khó khăn và thách thức mà nền kinh tế Việt phải đối mặt là lớn đến nhường nào. Do đó, việc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao đã giúp Việt Nam trở nên thu hút và hấp dẫn hơn rất nhiều đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc được IMF gọi tên trong 20 nền kinh tế tác động lớn nhất đến tăng trưởng toàn cầu năm 2019 là hoàn toàn xứng đáng.

Đáng lưu ý, không chỉ đạt được tăng trưởng về lượng mà kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã có sự cải thiện về chất, với khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ngày càng đóng góp nhiều hơn vào quy mô nền kinh tế. Chẳng những vậy, trong lĩnh vực công nghiệp, nếu như ngành công nghiệp chế biến ngày càng vươn lên đóng góp chính vào sự tăng trưởng, thì ngành công nghiệp khai thác vốn làm tiêu hao tài nguyên quốc gia đã dần bị hạn chế, đánh dấu sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu tăng trưởng.

Một điểm đáng ghi nhận khác, nếu như trước đây, tăng trưởng phụ thuộc lớn vào các hoạt động đầu tư thâm dụng vốn, đặc biệt là vốn nhà nước và có hiệu quả thấp, thì giờ đây các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế có sự đa dạng và hiệu quả hơn. Cụ thể, trong hai năm trở lại đây, dù tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, nhưng tăng trưởng GDP lại cho thấy “phong độ” vẫn được duy trì và còn lên cao hơn.

Link bài viết

Trong khi đó, tuy các dự án đầu tư công trì trệ, vốn đầu tư ngân sách nhà nước giải ngân chậm chạp, nhưng sự thiếu hụt này đã phần nào được bù đắp bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào, cũng như hoạt động năng nổ của các doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây.

Hệ quả là khu vực kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này cũng dễ hiểu. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa các nước lớn trở nên “khó ở”, Việt Nam trở thành điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế để tránh các rủi ro như chiến tranh thương mại. 

Liên tiếp ký kết thành công các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... càng giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Các FTA cũng giúp hoạt động giao thương của Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng vọt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, giúp cán cân thương mại thặng dư liên tiếp trong 4 năm qua.

Dĩ nhiên, cũng phải nhắc đến những cải cách điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, nâng cao môi trường đầu tư đã góp phần vào đà tăng trưởng ổn định và tích cực của nền kinh tế. Những giải pháp số hóa quản lý điều hành của Chính phủ không chỉ nâng cao hiệu suất làm việc của bộ máy hành chính mà còn giảm bớt chi phí, thời gian cho giới doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Việt Nam được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là một trong 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất đến tăng trưởng toàn cầu năm 2019, cùng với các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp.

Việt Nam được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là một trong 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất đến tăng trưởng toàn cầu năm 2019, cùng với các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp.

Kỳ vọng gì cho tương lai?

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm trong ba thập kỷ qua, là một trong những quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất toàn cầu. Để duy trì kết quả trên là một thách thức không nhỏ, dù vậy nhiều tổ chức quốc tế vẫn kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm tới.

Cuối tháng 5/2019, ngân hàng đa quốc gia DBS có trụ sở tại Singapore phát hành bản báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam có tiềm năng giữ mức tăng trưởng hiện tại từ 6-6,5% trong trung hạn, theo đó kinh tế Việt Nam sẽ vượt quy mô kinh tế Singapore trong thập kỷ tới nếu cả hai nước vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện tại. 

Ngân hàng Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng 6,9% đến năm 2021. Còn U.S. News & World Report cho biết, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) dự báo trong hai năm tới, kinh tế thế giới có xu hướng suy thoái, riêng Việt Nam nằm ngoài xu thế đó và vẫn là điểm sáng. Về phần mình, Việt Nam cũng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao 6,8% trong năm 2020.

Link bài viết

Việc Ngân hàng Nhà nước quay trở lại chính sách nới lỏng tiền tệ với việc liên tiếp giảm một loạt lãi suất điều hành rồi lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay dành cho các lĩnh vực ưu tiên trong những tháng cuối năm 2019 được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có thể tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt nhóm ngành dịch vụ du lịch được kỳ vọng sẽ vươn lên mạnh mẽ khi vừa là thế mạnh, vừa được lựa chọn là mũi nhọn cho giai đoạn phát triển kế tiếp.

Ngoài ra, các khoản đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng như xây dựng sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam... cũng sẽ giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, việc tiếp tục cải thiện chất lượng các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) vẫn là mục tiêu cần phải đạt được.

Trước thế trận giằng co, tranh giành vị thế và ảnh hưởng của các nước lớn, Việt Nam không chỉ cần tỉnh táo để tránh rơi vào vòng xoáy bất lợi mà còn phải linh hoạt tận dụng những cơ hội mang lại. Kiên trì theo đuổi các Hiệp định FTA đang đàm phán mang lại lợi ích cho cả các bên, song song với việc tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đẩy mạnh kinh tế tư nhân, tái cơ cấu lại kinh tế nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy cách mạng công nghệ 4.0 để tránh bị tuột lại phía sau là những mục tiêu cấp thiết cho giai đoạn phát triển kế tiếp. 

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa các nước lớn trở nên “khó ở”, Việt Nam trở thành điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế để tránh các rủi ro như chiến tranh thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm sáng hiện tại - Thách thức tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO