"Số hóa" để chống tham nhũng

BÍCH HỒNG| 16/11/2012 05:23

Quan tham có thể biến hóa khôn lường, giấu giếm tài sản, nhưng nếu mọi thông tin lúc còn là cán bộ cấp thấp được "số hóa" liên thông giữa các cơ quan...

Một hôm vào Bệnh viện Hoàn Mỹ khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế, ngạc nhiên vì mình khám tim nhưng bác sĩ lại biết hết những căn bệnh lặt vặt đã điều trị trước đó. Mới hay, Hoàn Mỹ đã "số hóa" toàn bộ hồ sơ của bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Đọc E-paper

Một hôm vào Bệnh viện Hoàn Mỹ khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế, ngạc nhiên vì mình khám tim nhưng bác sĩ lại biết hết những căn bệnh lặt vặt đã điều trị trước đó. Mới hay, Hoàn Mỹ đã "số hóa" toàn bộ hồ sơ của bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Những chi tiết đáng chú ý như bệnh nhân dị ứng với loại thuốc nào, các thông tin xét nghiệm trước đây còn lưu đầy đủ trên hồ sơ (điện tử) bệnh nhân của bệnh viện.

Mới nghĩ, cách quản lý hiện đại này giúp bác sĩ chẩn đoán tổng thể sức khỏe cho mình, lại ngăn ngừa bệnh nhân kêu ca, kê khai bệnh tưởng!

Nghe ngóng diễn đàn Quốc hội những ngày qua, thấy vấn đề nào cũng nóng, cũng cấp bách, nói về tham nhũng như quốc nạn, mới hiểu đến ngay lãnh đạo cao cấp nhất cũng thấy rõ tham nhũng đang đưa đất nước vào tình thế hiểm nguy!

Nghe đại biểu Nguyễn Thị Nga phân tích về vị trí pháp lý "chơi vơi" của Tổng kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu ra, nhưng sau một năm làm việc, có kết quả kiểm toán tài chính lại không được phép trình bày công khai trước Quốc hội, khi cần thiết mới gửi cho đại biểu nghiên cứu.

Đại biểu này còn vạch rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống pháp luật còn nhiều bất hợp lý, tạo kẽ hở cho tham nhũng thoát hiểm. Đấy là những chuyện vĩ mô bàn về thể chế, về Hiến pháp đang cần chỉnh sửa.

Người dân chỉ biết hỏi nhau, chuyện tham nhũng nhỏ nhỏ thì thời nào cũng có, còn hiện tượng cán bộ có chức quyền có cuộc sống xa hoa, cách biệt với người dân thì cũng đã rõ ràng, công khai cách nay chục năm chứ không còn là chuyện lạ, vậy sao bây giờ cơ quan dân cử cấp cao vẫn còn tiếp tục nói về những "kẽ hở" của thể chế, của luật làm tham nhũng nở rộ?

Chuyện đâu có gì khó khăn. Chính phủ đã đặt ra vấn đề kê khai tài sản cán bộ, công chức, nhưng tại sao có những gia đình bố là cán bộ lãnh đạo đi xe hơi (biển trắng) trị giá hơn 1 tỷ đồng, con trai làm cùng ngành, là công chức cấp thấp đi xe 2 tỷ đồng đến cơ quan làm việc.

Đảng ủy, tổ chức quản lý cán bộ, chi bộ đường phố hay người dân quanh gia đình này đều thấy, đều biết về những chiếc xe đó, nhưng hình như tất cả đều không thấy lạ, không thấy cần đặt vấn đề về hiện tượng bất thường đó.

Của chìm như cổ phần ngân hàng, cổ phần trong các công ty "sân sau" mới khó kiểm tra, chứ của nổi khoe khoang địa vị là những chiếc xe bạc tỷ, là vài ngôi nhà cao tầng mặt phố chẳng lẽ những bộ phận quản lý đảng viên, cán bộ không biết. Phong trào cán bộ, công chức chơi golf rầm rộ, lẽ nào không ai hay?

Dinh thự hàng trăm tỷ đồng của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã "tắt" trên báo chí, nhưng người dân rất muốn biết cơ quan quản lý nhân sự cao cấp có quan điểm thế nào về khối tài sản chỉ nhìn bằng mắt thường đã là khổng lồ đối với một đại gia kinh doanh thành đạt, còn đối với một công chức sở hữu khối tài sản đó là điều không tưởng.

Ngay sau khi những hình ảnh về dinh thự hàng trăm tỷ đó được đăng lên báo, trong quá trình kiểm điểm cán bộ lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 không hề có thông tin nào cho thấy câu trả lời chính thức của vị lãnh đạo tỉnh Hải Dương đối với tài sản gia đình để cho quần chúng biết.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây kêu gọi và đặt lên vai người dân trách nhiệm cùng Đảng chống tham nhũng. Trách nhiệm ấy người dân có làm tròn được không khi chính xã hội đã tha hóa trong cái sự vị nể địa vị và đồng tiền.

Người dân đã quen với chuyện quyền lực bị tha hóa, chấp nhận nó từ chuyện cán bộ đi xe bạc tỷ là chuyện bình thường đến việc nể vì cán bộ, công chức nhà cửa xênh xang, đi nghỉ dưỡng ở những nơi sang trọng.

Đến cửa công, tâm lý kẹp phong bì vào hồ sơ là chuyện đương nhiên, thậm chí không đưa phong bì còn thấy... áy náy! Dân Việt Nam đã quen và tỏ ra có sức chịu đựng bền bỉ với nạn tham nhũng, nhận hối lộ!

Bây giờ xã hội đã hiểu người ta chạy chức, chạy quyền thì phải tốn kém. Một giáo viên "chạy" trường ở khu vực trung tâm có thể mất một, hai trăm triệu đồng cho đường dây "cò mồi", lọt được vào trường, giáo viên ấy phải khởi động mạnh mẽ guồng máy dạy thêm nhằm thu hồi vốn.

Một cán bộ cấp thấp chạy chức lên một vị trí tốt hơn, sau đó phải ra sức tìm mọi kẽ hở để tham nhũng, nhận hối lộ nhằm lấy lại món tiền đầu tư và sinh lãi. Không lẽ cán bộ bỏ tiền chạy chức là để được công tác, cống hiến tốt hơn?

Chuyện mua quan bán chức thời nào cũng có, thể chế chính trị nào cũng có, vì vậy "công nghệ” chống tham nhũng đâu cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sửa chữa như các vị đại biểu Quốc hội phát biểu, nó đã có sẵn ở khắp các mô hình chống tham nhũng trên thế giới.

Từ chuyện "số hóa" hồ sơ bệnh nhân của Bệnh viện Hoàn Mỹ, bỗng nghĩ đến chuyện quản lý hồ sơ về một cán bộ và các quan hệ gia đình, về kê khai tài sản, kiểm tra hồ sơ nhà đất, cổ phần đầu tư và tích hợp vào hồ sơ cá nhân đâu phải khó.

Những biến động bất thường về tài sản, về mức thu nhập, chi tiêu đâu phải không làm được nếu có cơ quan chống tham nhũng độc lập đủ quyền hạn điều tra.

Quan tham có thể biến hóa khôn lường, giấu giếm tài sản, nhưng nếu mọi thông tin lúc còn là cán bộ cấp thấp được "số hóa" liên thông giữa các cơ quan tổ chức cán bộ, quản lý đất đai, ngân hàng, mọi nguồn tài chính để mua bán, gom góp tài sản không quá phụ thuộc vào "văn minh tiền mặt" như hiện nay, hẳn tham nhũng cũng không dám công khai giương oai diễu võ.

Tuy nhiên, việc điều tra một cán bộ từ những biểu hiện có lối sống xa hoa, cách biệt so với thu nhập chính dường như chưa bao giờ xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Số hóa" để chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO