Kỹ nghệ pháp lam - vàng son một thuở

BÍCH HỒNG| 20/08/2017 08:46

Trên di sản hoàng cung và đền đài, lăng tẩm Huế, ngoài những sơn son thếp vàng, du khách còn thấy những kiểu trang trí lạ, nhìn có vẻ hiện đại hơn...

Kỹ nghệ pháp lam - vàng son một thuở

Trên di sản hoàng cung và đền đài, lăng tẩm Huế, ngoài những sơn son thếp vàng, du khách còn thấy những kiểu trang trí lạ, nhìn có vẻ hiện đại hơn mà sau này các nhà nghiên cứu đã chỉ đích danh đó là loại hình mỹ nghệ pháp lam đã thất truyền hơn 100 năm trước. Giờ đây pháp lam đang sống lại, dù không phải dễ dàng bởi đòi hỏi phải khôi phục kỹ nghệ tinh vi đã mất.

Đọc E-paper

Tôi nhiều lần trở lại Huế và gặp Đỗ Hữu Triết. Mười hai năm trước, Triết còn trai tráng, là chuyên viên của Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Huế. Hồi đó anh đã bị "ma pháp lam nhập". Chúng tôi đùa thế vì một người trẻ tuổi như anh mà suốt ngày tỷ mẩn tìm cách khôi phục kỹ nghệ pháp lam. Chúng tôi cùng vào Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế để xem những đồ dùng pháp lam bày ở đây.

Triết nói: "Tôi đã nhìn nó một nghìn lần mà chưa bao giờ thấy chán. Nó sang trọng và bí ẩn đến mê hoặc". Chúng tôi cùng lên một vài cung điện để xem các chuyên viên cố gắng phục chế những mảng pháp lam trang trí nứt vỡ theo bao mùa mưa nắng trên đất thần kinh. Và ở trên một độ cao như thế, tôi nhìn ra nỗi khát khao cháy bỏng của những người trẻ xứ Huế muốn khôi phục một kỹ nghệ cung đình đã thất thuyền theo sự suy vi của các triều đại phong kiến, nhưng lại là vốn quý văn hóa, dường như không thể chấp nhận nó là những mảng vỡ của di sản kiến trúc.

Từ sự khai mở chủ yếu là tình yêu pháp lam của Đỗ Hữu Triết, những đồ pháp lam còn lại ở bảo tàng hoặc trong một vài bộ sưu tập của những người chơi cổ vật tên tuổi ở xứ Huế mà tôi thoát ra khỏi sự nhầm lẫn giống nhiều người khác. Kỹ nghệ pháp lam Việt Nam có xuất xứ từ những tài nhân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chứ không phải là mỹ nghệ của người Pháp như lúc đầu nhiều người lầm tưởng.

Kỹ nghệ pháp lam xuất hiện từ thế kỷ XII - XIII tại Trung Quốc và xuất khẩu cả hiện vật lần kỹ thuật sang Nhật Bản, sau đó mới đến Việt Nam, tạo thành nhiều dòng pháp lam tùy theo thị hiếu và nhu cầu sử dụng. Nhưng phần bản chất của kỹ nghệ đặc biệt này là phần cốt làm bằng đồng, bạc, vàng, bên ngoài tráng men màu, nhìn vô cùng sang trọng.

Người Nhật học được cách làm pháp lam của người Trung Quốc và phát triển thành phong cách riêng. Và họ nói thế này về thành tựu của mình: "Đó là thất bửu thiêu", tức bảy thứ quý thiêu đốt mà thành!

Đến Việt Nam, tất nhiên kỹ nghệ này đi thẳng vào cung đình. Bây giờ, du khách đến Huế, thấy ở đỉnh nóc, bờ quyết các cung điện triều Nguyễn có những đồ án nhật nguyệt, những con rồng, con phượng cưỡi mây ngũ sắc, thấy ở các hàng cổ diêm ẩn hiện dưới những mái ngói hay trên các nghi môn trước các lăng tẩm nhiều ô hộc trang trí chim hoa, muông thú cùng các bài thơ chữ Hán màu sắc tươi sáng, lộng lẫy, dường như đối lập với nét trầm mặc, cổ kính của cố đô xưa, đó chính là pháp lam được các nghệ nhân Việt Nam làm ra trong thời Minh Mạng hoặc sau này. Chính nhu cầu phải phục chế di sản kiến trúc cung đình Huế mà nghề làm pháp lam sống lại ở Huế.

Lư trầm - cổ vật pháp lam tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế

Ở Huế có một vài nhóm đam mê chinh phục kỹ nghệ pháp lam và đã thành công. Tiến sĩ Nguyễn Nhân Đức và nhóm của ông đã sản xuất được pháp lam để trùng tu phần hư hỏng tại các di tích cửa phường môn (cầu Trung Đạo, sau cửa Ngọ Môn), cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh (sau điện Thái Hòa), tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) và điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị).

Nhưng tôi có ấn tượng mạnh với một người trẻ là Đỗ Hữu Triết như đã nhắc ở trên. Triết không chỉ là nhà nghiên cứu và thực nghiệm, với đầu óc của một doanh nhân và cả nghệ sĩ, anh không chỉ tham gia hoàn thiện việc trùng tu di sản kiến trúc cung đình Huế mà còn muốn đưa những sản phẩm nguồn gốc cung đình này trở lại cuộc sống hiện đại, bởi vẻ tinh xảo và sang trọng của nó chắc chắn được ưa chuộng trên thị trường.

Trong 12 năm quen biết, mỗi năm tôi đều thấy Đỗ Hữu Triết làm được một điều gì đó cho pháp lam. Từ một cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm, Triết đã mở xưởng đào tạo thợ trẻ và biến luôn xưởng làm nghề thành nơi thực nghiệm làm pháp lam cho du khách, chủ yếu giúp họ hiểu về giá trị văn hóa và nghệ thuật pháp lam của Việt Nam. Tuy đây là mô hình trải nghiệm nghề không mới lạ trong các tour du lịch, nhưng sự cọ xát này khiến Triết cảm nhận rõ nét thị hiếu của du khách thập phương, từ đó sáng tạo để sản phẩm pháp lam trở nên thông dụng hơn, gắn bó với những vật dụng hằng ngày.

Khởi đi từ truyền thống xưa cũ, dòng tranh phong cảnh pháp lam, những vật dụng trong khuê phòng của các cô gái đài các đã ra thị trường với thương hiệu Thái Hưng. Một trong những sản phẩm thành công và tôn vinh được kỹ thuật pháp lam là dòng tranh sen của Đỗ Hữu Triết.

Nghệ thuật đặc trưng của pháp lam đưa vào dòng tranh này đã tạo nên dấu ấn của văn hóa Á Đông. Khi ngắm nhìn những bức tranh hoa sen, hoa cúc ấy, cảm giác về một nghệ thuật được Việt hóa thật thú vị, bởi những người thợ đã vượt qua sự gò bó của kỹ nghệ để thổi hồn vào sản phẩm làm cho nó mang phong cách Việt, rất sang trọng từ một đề tài dân dã. Sự sáng tạo của Triết luôn đặt trên nền tảng văn hóa cung đình, nơi anh sinh ra, thấm đẫm văn hóa Huế.

Phong cách kháp ty pháp lam

Một thời gian sau, đến cơ sở sản xuất của Công ty Thái Hưng lại thấy những dòng sản phẩm mới. Pháp lam có thể trở thành một ngành trang trí nội thất rất phù hợp, từ bàn ghế, tranh tường đến cửa sổ, cột nhà, lò sưởi cùng những vật dụng hằng ngày như hộp, chén, dĩa.

Thái Hưng mới đây giới thiệu dòng trang sức phụ nữ, trung hòa giữa sang trọng với nhu cầu thể hiện cá tính. Tôi rất thích nhìn những du khách trẻ bỏ ra vài ba chục đô Mỹ để học hỏi về kỹ nghệ pháp lam và tham gia một vài công đoạn để hoàn thiện một món đồ trang sức. Khi tự làm ra nó và học hỏi được đôi điều về kỹ nghệ pháp lam Việt, chắc chắn du khách sẽ không dễ lãng quên nó như những món đồ lưu niệm bình thường.

Gần đây, tại một ngôi chùa lớn ở Đà Nẵng có trang trí pháp lam trên những cây cột. Hỏi ra mới biết công trình này do Công ty Thái Hưng thực hiện. Điều này đã chứng minh pháp lam là một nghệ thuật khá đặc biệt, vàng son một thuở, nhưng có sức sống mãnh liệt nhờ vẻ sang trọng và tay nghề điêu luyện  của những người thợ thủ công xứ Huế.

Pháp lam đang sống lại. Nhưng pháp lam cũng cần sáng tạo để phù hợp với đời sống hiện tại, thị hiếu hiện đại, điều mà tôi đã thấy lóe lên trong các thiết kế trang sức mới đây. Vàng son dẫu lừng danh một thuở vẫn cần điều mới mẻ...

>Chàng trai Huế với pháp lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỹ nghệ pháp lam - vàng son một thuở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO