Chạy xe ngày chẵn lẻ

19/04/2011 06:41

Phải lưu ý rằng, ý kiến không đồng tình “xe chạy ngày chẵn lẻ” có phải là số đông chưa? Hay chỉ là một thiểu số? Theo dõi trên báo chí, ta thấy cũng có nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương trên, tại sao báo giới không nhấn mạnh mà chỉ thấy nhấn mạnh những ý kiến trái chiều?

Chạy xe ngày chẵn lẻ

Đã từng có trường hợp báo chí, một số phương tiện truyền thông đại chúng, rồi số đông phản đối việc đội mũ bảo hiểm, nhưng qua thời gian chứng minh, việc đội mũ bảo hiểm là đúng. Xã hội đã đồng tình, dù chẳng thấy ai khen!

Không phải ai cũng có đủ khả năng thấy hết được những rủi ro tiềm ẩn cho mình và cho người khác, thường thì chỉ thấy cái lợi cục bộ trước mắt. Lịch sử đã từng chứng minh, số đông chưa chắc đã đúng.

Nếu thấy quyết định có lợi cho cộng đồng, thì phải quyết đoán và bản lãnh, không để bị tác động bởi một số ý kiến cục bộ, phải chấp nhận thách thức, trở lực, mới tạo được cho xã hội những chuyển biến tích cực và có lợi.

Nhìn ra nước ngoài là để có cái mà so sánh, để mà chiêm nghiệm, chứ không nên coi đó như là một chuẩn mực.

Phải lưu ý rằng, ý kiến không đồng tình “xe chạy ngày chẵn lẻ” có phải là số đông chưa? Hay chỉ là một thiểu số? Theo dõi trên báo chí, ta thấy cũng có nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương trên, tại sao báo giới không nhấn mạnh mà chỉ thấy nhấn mạnh những ý kiến trái chiều?

Trước mắt rất nhiều người đồng tình với qui định này, không chỉ người đi xe hai bánh mà có rất nhiều người đi xe bốn bánh đồng tình, vì thấy được “sự cần thiết”, nên đã hy sinh lợi ích cá nhân để ủng hộ chủ trương này.

Thiết nghĩ đây là những ý kiến đáng trân trọng vì nó phù hợp với những thành phố lớn, đang thường xuyên xảy ra nạn kẹt xe, có tính cấp bách và giải quyết trước mắt những vướng mắc cục bộ về giao thông, đường sá. Chúng ta đừng vì lợi ích cục bộ, những thiệt thòi riêng lẻ mà quên đi lợi ích chung của xã hội.

Nhưng để giảm nạn kẹt xe và tình trạng vi phạm luật giao thông, cũng cần xem lại các vấn đề sau:

1/ Kiểm tra và bổ sung qui trình dạy và cấp bằng lái xe hai bánh và bốn bánh. Hiện nay còn nhiều bất cập và sơ hở. Nên loại bỏ hẳn nơi tổ chức lấy bằng lái xe chỉ vì lợi nhuận, gian lận. Vì lái xe là một hoạt động có tác động trực tiếp đến sự an nguy của bản thân và xã hội.

2/ Phạt nặng lỗi vi phạm giao thông. CSGT nên thường xuyên di chuyển, thấy vi phạm là thổi phạt, không nên lập trạm để phạt. Chỉ lập trạm khi giao thông bị ùn tắt, như thế mới tạo được tính răn đe tâm lý. Ai cũng biết hiện nay không ít người chỉ đi đúng luật khi có trạm.

3/ Ngành CSGT nên triệt để khắc phục nạn nhũng nhiễu, hối lộ, hình thành ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong cộng đồng,loại bỏ tâm lý ỷ lại vào tiền lót tay là được tha. Vòi vĩnh, nhận hối lộ là một vấn nạn có thực đang còn tồn tại rải rác trong lực lượng CSGT, do đó chúng ta không nên chối bỏ và né tránh nó, có như thế mới có thể phân tích, nhận dạng để có phương án hạn chế, loại bỏ, tạo niềm tin cho xã hội.

4/ Tín hiệu giao thông phải đồng nhất và chuẩn mực. Tại các trụ tín hiệu đèn, người điều tiết giao thông chỉ phát tín hiệu còi khi có người phạm luật, hoặc cần can thiệp để điều tiết lưu lượng hoặc khi đèn tín hiệu bị tắt. Không nên phát tín hiệu còi khi tín hiệu đèn giao thông hoạt động tốt. Hơn nữa tín hiệu còi không cần thiết sẽ tạo nên tâm lý ỷ lại, khi không nghe tiếng còi, người tham gia giao thông dễ dàng dừng lấn tuyến hoặc vượt đèn đỏ (vì biết không có CSGT).

5/ Các xe không được thay đổi thiết kế, nhất là kèn xe. Đã có nhiều tai nạn xảy ra do kèn hơi. Ngoài ra, một số xe buýt gắn kèn không phù hợp, dễ gây giật mình, căng thẳng cho người đi đường. Nhất là tiếng kèn để quẹo trái phải và để chạy lùi, tần số và tần suất của tiếng còi này không thân thiện với môi trường, người nghe dễ bị căng thẳng. Mà quẹo hoặc chạy lùi đã có tín hiệu đèn của xe, sao lại phải dùng kèn?

Chúng ta điều biết, ý thức có được nhờ vào quá trình giáo dục và rèn luyện. Hiện nay ý thức chấp hành luật lệ giao thông ở nước ta quá kém, còn cần được giáo dục, nhắc nhở và rèn luyện thường xuyên mới có thể trở thành ý thức tự giác trong mỗi con người, trong đó rất cần sự chuẩn mực của luật lệ và cần lắm sự chuẩn mực của người thi hành nó.Và trong tình trạng giao thông như hiện nay ở các thanh phố lớn, thì việc qui định “chạy xe ngày chẵn lẻ” cũng là một sự cần thiết.

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦY
(GĐ Cty Chế Tạo Máy IDT)


Trên đây là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Đình Đầy, còn ý kiến của các bạn ra sao? Mời các bạn tham gia gửi ý kiến phản hồi ở phần dưới đây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chạy xe ngày chẵn lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO