Chàng trai Mỹ muốn cải thiện môi trường Việt

CẨM THÚY thực hiện| 01/08/2011 04:58

Ấn tượng đầu tiên của tôi về thành phố này là nó rất sinh động, nhộn nhịp, có một nguồn sinh lực dường như không bao giờ cạn. Tôi cũng như nhiều người nước ngoài khác rất ấn tượng với sự thân thiện và tử tế của người Việt, những người luôn tươi cười để giúp đỡ hoặc chỉ là để chào hỏi những du khách đến thăm đất nước của họ. Một ấn tượng khó quên khác chính là tiếng Việt”, Jake Weger – người Mỹ, giáo viên tiếng Anh tại SEAMEO và môn khoa học tại trường tiểu học và trung học Thái Bình Dương (TP.HCM) chia sẻ với PV DNSG

Chàng trai Mỹ muốn cải thiện môi trường Việt

“Ấn tượng đầu tiên của tôi về thành phố này là nó rất sinh động, nhộn nhịp, có một nguồn sinh lực dường như không bao giờ cạn. Tôi cũng như nhiều người nước ngoài khác rất ấn tượng với sự thân thiện và tử tế của người Việt, những người luôn tươi cười để giúp đỡ hoặc chỉ là để chào hỏi những du khách đến thăm đất nước của họ. Một ấn tượng khó quên khác chính là tiếng Việt”, Jake Weger – người Mỹ, giáo viên tiếng Anh tại SEAMEO và môn khoa học tại trường tiểu học và trung học Thái Bình Dương (TP.HCM) chia sẻ với PV DNSG

Kinh nghiệm học ngoại ngữ

Jake đến Việt Nam lần đầu vào tháng 1/2009, hết sức bỡ ngỡ trước cuộc sống của người dân nơi đây, nhất là những phong tục dân tộc thể hiện trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Nhưng một năm sau, anh đã như rất quen thuộc đất nước này.

Chẳng thế mà sau khi về Mỹ vài tháng, anh đã quay trở lại Việt Nam ngay,phần là để tiếp tục thực hiện các dự án của mình ở đây , phần vì “TP. Hồ Chí Minh là nơi tôi có bạn bè, công việc và một cuộc sống thú vị”.

Công việc chính của Jake ở Việt Nam là dạy tiếng Anh. Đánh giá việc học tiếng Anh của sinh viên Việt Nam, anh nói: “Nhìn chung, có khá nhiều lỗi phát âm mà học viên người Việt hay mắc phải. Một trong những lỗi lớn nhất là bỏ phụ âm cuối của các từ, đặc biệt là “s”, “t”, “d”...

Một điểm nữa là nhịp điệu và ngữ điệu. Học viên cần thay đổi tốc độ nói và lưu ý trọng âm trong các từ, để có thể giao tiếp lưu loát và sáng tạo hơn. Chúng tôi sử dụng thanh điệu trong tiếng Anh với nhiều mục đích khác nhau: để bày tỏ thái độ, cảm xúc, ý kiến...

Ngoài ra, giống như khi học bất kỳ ngôn ngữ nào, việc trau dồi tiếng Anh ở bên ngoài lớp học, đặc biệt là thông qua nguồn tài liệu đáng tin cậy như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, sách, hoặc nói chuyện với người bản xứ, sẽ mang lại lợi ích thiết thực và rõ ràng”.

Nói về thực trạng nhiều người Việt, từ sinh viên cho đến nhân viên văn phòng không thể nói tiếng Anh giỏi và ngại giao tiếp với người nước ngoài, mặc dù có thể đọc, viết khá tốt và đã học tiếng Anh một thời gian dài, Jake phân tích:

“Tôi hoàn toàn hiểu được điều này, cũng như tôi thường hay mắc cỡ khi nói tiếng Việt với mọi người. Tôi nghĩ đó là từ tâm lý, lo ngại mình sẽ sai, hoặc sợ bị hiểu lầm.

Nhưng tất cả mọi người đều mắc lỗi khi học một ngôn ngữ mới, tôi thậm chí còn mắc lỗi thường xuyên trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình! Đó không phải là vấn đề lớn, mà là một phần cần thiết của quá trình học tập. Chỉ cần cố gắng, và học hỏi từ những sai lầm của chính bạn”.

Jake thực sự yêu nghề giáo, đã có nhiều năm giảng dạy tiếng Anh cho cả trẻ em và người lớn. Mỗi đối tượng học viên cho anh cảm giác khác nhau trong giảng dạy: “Tôi có thể có cuộc trò chuyện thú vị hơn với người lớn, và cũng học được rất nhiều từ họ. Trẻ em lại cho tôi cảm giác mới lạ, chúng đưa tôi trở lại thời thơ ấu của mình. Tôi nhận được nhiều niềm vui hơn từ chúng”.

Nhằm giúp người Việt có cơ hội thực hành tiếng Anh ngoài lớp học, Jake từng hợp tác với quán cà phê Nino Cafe (trên đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) mở câu lạc bộ tiếng Anh. Anh cho biết, mục tiêu của câu lạc bộ này là “để cho mọi người nói chuyện tự nhiên, vui vẻ và học hỏi lẫn nhau”.

Là một giáo viên tiếng Anh, nhưng rào cản ngôn ngữ cũng chính là một trong những thách thức đối với Jake tại Việt Nam, bên cạnh sự khác biệt văn hóa, và các thủ tục phức tạp để có được giấy phép lao động. Anh chia sẻ kinh nghiệm khi học ngoại ngữ: “Trong quá trình học tập, bạn phải linh hoạt và cởi mở, luôn có những người xung quanh hỗ trợ môi trường tốt để thực hành”.

Jake đánh giá cao tầm quan trọng của gia đình cũng như các mối quan hệ cá nhân trong cuộc sống người Việt. Anh thích có những người bạn biết dành chút thời gian để ngồi lại bên nhau, chia sẻ và trò chuyện về mọi việc trong cuộc sống.

Cải thiện môi trường sống

Jake đến Việt Nam vì nhiều lý do: tìm kinh nghiệm sống trong một nền văn hóa khác, yêu thích thời tiết ấm áp và những điều tuyệt vời mà anh đã nghe nói về đất nước và con người Việt Nam, nhưng trên hết là vì sự nghiệp của minh, “vì Việt Nam đang phát triển và thay đổi rất nhanh chóng, có vẻ như đây là thời điểm quan trọng và hấp dẫn để ở lại đây”.

Cách đây 2 năm, anh tự nguyện làm cố vấn cho trang web toiyeumoitruong.com. “Đó là một tổ chức phi lợi nhuận của sinh viên, hoạt động với mục đích nâng cao nhận thức về môi trường, tổ chức những hoạt động bảo vệ môi trường trong giới trẻ tại Việt Nam”.

Bí quyết học tiếng Anh thành công

Đọc thật nhiều! Đọc tin tức hay những cuốn sách tiếng Anh, đọc thông tin tiếng Anh trên internet. Khi bạn xem phim, không nên chọn phim có phụ đề tiếng Việt, mà phải là phụ đề tiếng Anh. Điều này sẽ rất hữu ích trong việc hiểu ngôn ngữ trong ngữ cảnh, học các cụm từ phổ biến và câu nói thông dụng, đồng thời cảm nhận được nhịp điệu của ngôn ngữ. Luyện viết cũng rất cần thiết. Hãy tìm một tạp chí tiếng Anh, bài thơ hay câu chuyện, viết email bằng tiếng Anh. Đây là một phương pháp tốt để thực hành việc diễn đạt những ý tưởng và suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh. Về kỹ năng nói, cần nhớ những điểm quan trọng trong phát âm như phụ âm cuối, từ có dấu nhấn. Sau đó chỉ cần thực hành, thực hành và thực hành!

Mỗi tuần, Jake gặp gỡ các sinh viên tại Trường RMIT để thảo luận về các vấn đề môi trường bằng tiếng Anh. Anh bày tỏ:

“Tôi không biết nhiều về chuyên ngành môi trường tại các trường đại học ở đây, nhưng tôi tin rằng đó là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nghiên cứu, và tôi hy vọng thế hệ trẻ thực sự nhận thức rằng họ là lá cờ đầu trong sự phát triển của đất nước.

Tôi hy vọng các nước như Việt Nam rút ra được những bài học từ sự ngạo mạn và sai lầm của các nước phát triển ở phương Tây, và nhận ra rằng họ cần phải tôn trọng, quan tâm và bảo vệ môi trường tự nhiên. Đó là ngôi nhà của chúng ta và cho chúng ta rất nhiều nguồn tài nguyên quan trọng”.

Sắp tới, anh muốn học cao học về khoa học xã hội - nhân chủng học / xã hội học - chuyên sâu về môi trường, và sau đó trở lại Việt Nam làm nghiên cứu và thực hành.

Jake đã có một số gợi ý để giữ cho môi trường tại Việt Nam sạch và xanh hơn: “Tôi nghĩ mọi người cần phải cố gắng giảm thiểu rác thải. Về vấn đề rác thải, người Mỹ có phương châm “giảm, tái sử dụng, tái chế”.

Trước tiên hãy cố giảm lượng rác thải. Sau đó tái sử dụng càng nhiều càng tốt. Kế đến, nếu phải vứt bỏ, hãy tái chế nếu có thể. Hơn nữa, việc xả rác bừa bãi phải trở thành điều cấm kỵ ở đây. Tuy có nhiều người quét rác trên đường phố, nhưng hiện có rất nhiều rác bị vứt vào nước, gây nhiễm độc nguồn nước và đe dọa các loài sinh vật sống dựa vào nước (bao gồm chính chúng ta).

Người Việt Nam nên tự hào khi được sống trong một đất nước có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời. Nhưng rất nhiều rác vứt vào môi trường sẽ làm tổn hại vẻ đẹp đó”.

Jack ủng hộ xu hướng cắt giảm việc sử dụng túi nilon: “Hãy tái sử dụng những túi đó. Hoặc bắt đầu tính phí cho mỗi túi mà người tiêu dùng lấy ở siêu thị. Tôi nghe nói cách đây không lâu, hầu hết mọi người mang theo giỏ của mình khi đi chợ. Đó là một việc làm hay!”.
Theo anh, có một số nguồn năng lượng còn bị sử dụng lãng phí.

Jake nói: “Tôi cố gắng chỉ sử dụng máy lạnh khi thực sự cần, đồng thời chú ý làm những việc nhỏ như tắt đèn khi rời khỏi phòng và tắt các thiết bị như truyền hình, máy tính, lò vi sóng... khi không sử dụng chúng, bởi vì hầu hết điện đến từ các nhà máy điện chạy bằng than, mà những nơi này thải ra một lượng rất lớn CO2 vào khí quyển”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chàng trai Mỹ muốn cải thiện môi trường Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO