Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009 thay thế cho Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2005. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Trong quá trình thực hiện, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện như đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế, chưa bao quát hết được các mặt hàng phải hạn chế tiêu dùng, các mặt hàng cần định hướng sản xuất; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực hiện...
Theo đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính nhận định dịch vụ game online là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động.
Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.
Không chỉ vậy, tại Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ về lĩnh vực kinh doanh game online. Ngoài việc sử dụng phần mềm trò chơi do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam) thì người chơi còn có thể chơi các trò chơi do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam và thanh toán tiền thông qua các hình thức như thanh toán thông qua cổng thanh toán của Google, Facebook; thanh toán bằng thẻ cào điện thoại; thanh toán trực tiếp qua ngân hàng; thanh toán bằng thẻ tín dụng; thanh toán bằng SMS; thanh toán bằng các cổng thanh toán như ngân lượng...
Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã có những đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.
Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, đến cuối năm 2022, khoảng 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5/10 game studio hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Úc là của Việt Nam; 1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam.
Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD và dự báo khả quan trong năm 2022. Tuy nhiên, số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu ở Singapore. Nghịch lý này rất cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải quyết dứt điểm sớm để không tiếp tục thất thoát thuế.