Chuyên đề

Để TP.HCM sạch, xanh, thân thiện với môi trường

Hồng Nga - Khánh Hưng 14/8/2024 6:00

Xây dựng TP.HCM sạch, xanh và thân thiện với môi trường là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Thành phố hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính và văn hóa hàng đầu khu vực. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của từng cá nhân, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, đặc biệt, cần sự dẫn dắt của chính quyền và sự góp sức từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân.

phu-xanh-cac-khu-vuc-cong-cong.jpg
Phủ xanh các khu vực công cộng

1. Ô nhiễm đã quá giới hạn

Xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành một thành phố sạch, xanh và thân thiện với môi trường cần lộ trình dài hạn, có tính tổng thể nhưng phải “làm ngay, làm cho tới nơi tới chốn” vì đây là yêu cầu cấp thiết để Thành phố phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới.

TP.HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, như sự gia tăng của ô tô, xe máy, hoạt động công nghiệp, nước thải công nghiệp và sinh hoạt, rác thải đổ ra sông rạch khiến không khí và nguồn nước ô nhiễm nặng. Thành phố cũng đối mặt với tình trạng kẹt xe khi có một lượng lớn ô tô, xe máy gây ùn tắc giao thông trong khi hệ thống xe buýt không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, còn tuyến metro xây dựng nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt nhận định, trong bối cảnh này, việc trở thành một thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường là yêu cầu cấp thiết với không chỉ TP.HCM mà còn với nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Bởi sống xanh là xu hướng tất yếu trên thế giới khi trái đất đối diện với những thách thức về biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng giám đốc Meet More Coffee đưa ra một ví dụ điển hình là tỉnh Bình Dương - nơi quy tụ hơn 66.000 DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dù phát triển sau nhưng việc quy hoạch và xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường đã được địa phương này thực hiện từ rất sớm, thậm chí đã vượt TP.HCM. Với vai trò đầu tàu cả nước, mong muốn đi trước, TP.HCM phải càng nỗ lực bảo vệ môi trường “tới nơi tới chốn”.

Bà Phan Yến Ly - Chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch cho rằng, TP.HCM đang là một đại đô thị với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động nên sức ép lên môi trường ngày một lớn. New York, Mỹ được mệnh danh là “thành phố không ngủ”, nhịp sống sôi động bất kể ngày đêm đã không thể thiếu Central Park, là một trong những công viên nổi tiếng nhất trên thế giới với diện tích lên đến 341ha, là “lá phổi xanh”. Đó là điều chúng ta nên học tập trong quá trình phát triển kinh tế đi đôi với gìn giữ môi trường. Nước Mỹ còn là một điển hình với quan điểm xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường một cách “sâu và xa”. Có nghĩa là không chỉ nói đến khắc phục ô nhiễm, phát triển xanh, mà còn phải chú trọng bảo tồn những gì đang có. Nước Mỹ bảo tồn tài nguyên của họ rất nghiêm ngặt, hiện giờ họ chỉ tạo ra thêm chứ tuyệt đối không nghĩ đến việc huỷ hoại đi.

Cũng theo bà Ly, TP.HCM luôn tự hào về việc phát triển sản phẩm du lịch theo đường sông nước, nhưng việc ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một thực trạng đáng báo động. Trước kia, người dân TP.HCM luôn tự hào khi nhắc về Bình Trị giang, tức dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Sau khi dòng kênh được cải tạo (năm 2005), trả lại màu xanh vốn có, sản phẩm du lịch cũng được khai thác trên dòng kênh này. Vậy mà thời gian gần đây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại một lần nữa chìm trong rác và nước thải. Một sản phẩm du lịch đầy tự hào không còn tồn tại chỉ vì rác và nước thải, thật xót xa!

Một báo cáo gần đây cho thấy, TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu do Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn Thành phố là hơn 60 triệu tấn CO2, trong đó, có ba nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là các hoạt động khác.

Nếu vấn đề ô nhiễm môi trường không được giải quyết kịp thời, TP.HCM sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn làm giảm sức hấp dẫn đối với khách du lịch và nhà đầu tư. Việc này đòi hỏi phải xây dựng TP.HCM sạch, xanh và thân thiện với môi trường không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà cần có những hành động cụ thể, mạnh mẽ và lâu dài, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, DN và từng cá nhân…

khoang-_xanh_-khu-vuc-duong-le-duan-dan-vao-dinh-doc-lap.jpg
Khoảng xanh khu vực đường Lê Duẩn dẫn vào Hội trường Thồng Nhất

2. Hiến kế cho Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường

Một trong những mục tiêu quan trọng của TP.HCM là giảm phát thải 10% vào năm 2030 nhằm nỗ lực xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn cho người dân và DN. Để đạt được mục tiêu này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự chung tay của các cấp chính quyền, DN và mỗi người dân.

Rác thải là một vấn đề lớn cần được giải quyết trước tiên bởi nó len lỏi trong từng con đường, góc hẻm, từ trong nhà ra đến ngoài phố. Theo thống kê, tại TP.HCM trong khoảng 11.000 tấn rác phát sinh mỗi ngày có tới 1.800 tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ có 200 tấn được thu gom tái chế, là con số còn quá khiêm tốn.

Theo ông Trương Chí Thiện, thói quen phân loại rác rất quan trọng, là cách mà nhiều thành phố trên thế giới đã làm từ rất lâu. Tại TP.HCM, chưa có nơi nào phân loại rác thành công trong khi việc này đã triển khai từ hàng chục năm trước. Bước vào các siêu thị ở nước ngoài sẽ thấy họ phân thành ba loại rác (rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế), còn ở thành phố ta, phân hai loại rác hữu cơ và vô cơ vẫn còn gặp khó. Sau khi phân loại rác tại nguồn cũng cần tính đến phương án thu gom rác đã phân loại thay vì cho hết vào một xe. Việc này phải làm đồng bộ chứ không chỉ ở một số quận, huyện, phường, xã làm tốt, một số thì không.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Phan Yến Ly cho rằng, ngoài việc quy định, hướng dẫn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, từng tổ chức, từng DN phân loại rác tại nguồn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên cần nhìn ra xung quanh để thấy các nước đã đi trước chúng ta cả về nhận thức đến thực hiện cách xử lý rác thải. Đơn cử, tại Nhật Bản, người dân từ trẻ nhỏ đến người già đều thấm nhuần ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu rác thải. Văn hoá của người Nhật là không mang rác ra đường và nhặt rác ở ngoài đường mang về nhà để bỏ đúng chỗ. Bà Ly cho biết: “Đoàn khách du lịch của chúng tôi tới Nhật Bản, khi đi trên đường phố đã vô tình làm rơi tấm vé tham quan mà không hay biết. Một người đàn ông đi sau lưng đã nhặt và hỏi những tấm vé này có phải của chúng tôi làm rơi, nếu không phải, anh ta sẽ đút vào túi và mang về nhà cho vào thùng rác hữu cơ”.

Ông Nguyễn Ngọc Luận kể: “Úc hay Singapore cũng là những quốc gia giống như Nhật. Đất nước họ rất phát triển nhưng lại không đặt quá nhiều thùng rác ngoài đường. Vì thế, nhiều khi cầm chiếc vỏ kẹo đi trên đường không biết vứt ở đâu đành phải đút vào túi quần mang về. Đó là ý thức cần phải học để hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố chúng ta thành một nơi sạch, xanh, thân thiện với môi trường”.

Cũng theo ông Luận, ở nước ngoài, mà cụ thể như Úc, ý thức phân loại rác đã có ở những trẻ nhỏ. Ai cũng hiểu ba thùng rác đỏ, xanh, vàng, mỗi màu đựng một loại rác. Các loại rác sinh hoạt sẽ được lấy hằng ngày, rác tái chế sẽ lấy theo tuần. Như vậy, phân loại rác tại nguồn sẽ rất thuận lợi cho đơn vị xử lý rác thải. Tại Việt Nam, gần đây cũng tuyên truyền nhiều về việc dùng giấy, bao ni lông tự hủy hay ống hút từ thực vật, tuy nhiên, nếu người dân chỉ sử dụng các sản phẩm này còn rác vẫn quăng đầy đường thì vấn đề sạch, xanh và thân thiện với môi trường cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy, cấp thiết phải tìm cách phân loại rác, bao gồm cả phân loại tại nguồn và phân loại khi thu gom. Tiếp đến là phải đặt thùng rác phân loại tại nơi công cộng, có chế tài, xử phạt ngay khi ai đó vứt bừa bãi. Chúng ta đang hướng đến việc phát triển TP.HCM thành một thành phố sạch, xanh và thân thiện với môi trường thì điều đầu tiên là phải sạch. Phải “sạch” từ trong ý thức của mỗi người, trong từng gia đình, trong từng DN rồi mới tính đến chuyện “xanh”.

Ngoài vấn đề rác thải, chỉnh trang đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện với môi trường. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện cảnh quan mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và môi trường sống.

Theo bà Phan Yến Ly, TP.HCM cần chú trọng chỉnh trang đô thị thông qua việc “phủ xanh”. Cứ mỗi cây xanh bị chặt để phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông thì phải trồng bù không chỉ một cây mà là nhiều cây. Phải có biện pháp trồng bù một cách quyết liệt. Trong trường hợp chưa thể trồng ngay những cây tán rộng, thân lớn, những cây lâu năm thì hãy tham khảo mô hình của Nhật Bản, nơi có những con đường xanh bởi người dân trồng cây ngay bên vách tường, trên vách tường. Như vậy vừa tiết kiệm diện tích, vừa tạo ra khoảng xanh cho đô thị. Tại TP.HCM cũng có một số đường như Bà huyện Thanh Quan, Hai Bà Trưng… làm được tương đối việc này và cần nhân rộng. Các cao ốc văn phòng, toà nhà của cơ quan nhà nước, một số trường học và DN cần tiên phong phủ mảng xanh trên mái, trong không gian. Việc này cần sự chung tay của cộng đồng nhưng chính quyền phải tiên phong.

can-gio-la-phoi-xanh-cua-thanh-pho.jpg
Cần Giờ - Lá phổi xanh của Thành phố

Đã có rất nhiều tổ chức, DN trồng cây gây rừng vào dịp lễ, Tết nhưng không trồng tại TP.HCM mà đến các địa phương khác. Bà Ly chia sẻ một chuyện tại công ty của bà: “Chúng tôi có tour du lịch trồng cây gây rừng, thu hút không chỉ khách trong nước mà cả nước ngoài khi đến TP.HCM. Trước đó, chúng tôi chọn Cần Giờ là nơi tổ chức hoạt động này, nhưng hiện tại, nơi chúng tôi hợp tác đã từ chối vì hết đất trồng cây(?). Nên chăng, Thành phố dành ra những “quỹ đất xanh” để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng cây tại đó. Như vậy vừa có được quy hoạch tổng thể một cách hợp lý vừa huy động được sức mạnh của DN, tổ chức, cá nhân trong việc phủ xanh không gian Thành phố”.

Vấn đề chỉnh trang đô thị còn liên quan đến việc sử dụng lòng đường, vỉa hè mà thời gian vừa qua, TP.HCM đang thí điểm cho thuê vỉa hè tại một vài quận. Bà Phan Yến Ly cho rằng: “Hầu hết dân chúng ước mong vỉa hè là của người đi bộ, là cây xanh và bóng mát. Tuy nhiên, do phải phát triển kinh tế nên bất đắc dĩ phải cho thuê bớt một phần. Nhiều thành phố tại các quốc gia phát triển vẫn cho kinh doanh trên vỉa hè, nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan. Đơn cử như Hồng Kông hay Băngkok, mặc dù vỉa hè nhỏ nhưng họ chia đôi bằng hàng rào cứng, một bên cho thuê bán hàng, một bên dành cho người đi bộ, người bán hàng phải chịu trách nhiệm giữ gìn sạch đẹp không gian họ thuê. Tất nhiên, nếu làm rào cứng, yếu tố thẩm mỹ sẽ không cao, nhưng còn hơn là như hiện nay, ở TP.HCM buôn bán tràn lan, rác thải ngập đường”.

Cùng với việc chính quyền chỉnh trang đô thị, thì các tuyến phố, con hẻm cũng nên giao cho các tổ chức đoàn thể góp phần trách nhiệm. Những tuyến phố có bích họa cần được nhân rộng.

Ở một góc độ khác, ông Phan Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty Năng lượng ALENA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Năng lượng mới TP.HCM, đánh giá: “Hiện nay có rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường liên quan đến giao thông cần chú trọng giải quyết. Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, một xe máy di chuyển 10.000km/năm sẽ phát thải 625kg CO2. Nếu chuyển đổi sang 10.000 xe điện, sẽ giảm 6.250 tấn CO2, nếu chuyển đổi sang 100.000 xe máy điện/năm, sẽ giảm 62 triệu tấn CO2. Tính trên con số hàng triệu xe ở TP.HCM, con số giảm phát thải carbon là cực kỳ lớn. Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM nên mở trạm sạc pin xe điện và xe máy có thể đổi pin mà không cần phải sạc. Các trạm sạc sử dụng điện mặt trời để sạc pin, đảm bảo nguồn điện gốc sử dụng điện sạch và như vậy sẽ giảm được phát thải khí nhà kính ra môi trường”.

Cũng theo ông Ánh, muốn người dân đi xe điện để bảo vệ môi trường, TP.HCM có thể kết hợp sử dụng mặt bằng của hàng nghìn khu vực nhà vệ sinh công cộng đã làm thời gian qua để phát triển song song các trạm sạc cho xe điện dùng điện mặt trời. DN sẵn sàng đầu tư về trang thiết bị trạm sạc, trạm đổi pin nhưng cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt bằng. Các vị trí đó có thể cho thuê xe máy điện. Bên cạnh đó, phải có chính sách ưu đãi sản xuất pin, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về khí thải với phương tiện giao thông.

Cũng có những đề xuất về vấn đề cải thiện tình trạng giao thông đô thị, cụ thể là giao thông phục vụ thương mại, du lịch. Theo bà Ly, ai cũng muốn Thành phố nâng cấp, mở rộng hệ thống đường sá, nhưng khi khả năng chưa cho phép thì metro sẽ là giải pháp công cộng giải quyết việc ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường vì vậy cần sớm đưa vào sử dụng. Các phương tiện chở du khách như xe hai tầng phát triển gần đây chỉ là giải pháp tạm thời, là cách để các công ty du lịch đổi mới sản phẩm chứ không giải quyết vấn đề cốt lõi của giao thông Thành phố.

3. Doanh nghiệp sẵn sàng chung tay

Trong xu hướng chung của thế giới, TP.HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển, là ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội cũng như hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược này luôn có sự góp mặt của đội ngũ DN Thành phố.

Theo nhiều doanh nhân, nghĩa vụ của DN là phải đóng góp vào việc xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường, vì điều này ảnh hưởng đến hoạt động, hay nói rộng hơn là sự “sống còn” của chính DN.

Doanh nhân Trương Chí Thiện chia sẻ, DN rất hiểu xu hướng và chính DN cũng đang chịu áp lực từ khách hàng trong vấn đề sạch, xanh, thân thiện với môi trường. Với DN xuất khẩu, trước khi đặt hàng, đối tác từ nước ngoài đến từng nhà xưởng đánh giá tiêu chí về môi trường, về công nghệ có thân thiện với môi trường hay không. Hiện tại, nhiều DN đã áp dụng tiêu chí xanh, sạch. Chẳng hạn như với bao bì thì hạn chế bao bì nhựa và sử dụng bao bì tái chế.

tp.hcm-dang-xay-dung-nha-may-nhieu-loc-thi-nghe-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-quy-mo-lon-nhat-nuoc-va-dong-nam-a-.jpg
TP.HCM đang xây dựng nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn nhất Đông Nam Á

“DN nào cũng muốn TP.HCM ngày càng thân thiện với môi trường, nhưng chi phí đầu tư cho công nghệ mới khiến giá sản phẩm tăng và đó là lý do DN thận trọng khi xanh hóa sản xuất. Vấn đề cần thiết nhất với DN lúc này là Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất để DN thay đổi máy móc, thiết bị”, ông Thiện đề xuất.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Luận kiến nghị, ngoài việc xanh hóa trong sản xuất, góp phần vào xanh hoá môi trường Thành phố, nhiều DN đang thực hiện tốt việc phân loại rác thải và dùng nguyên liệu tái chế. Hiện nay, nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng mới xây dựng đã phải thiết kế trước hệ thống phân loại rác thải công nghiệp, xử lý nước thải rồi tái chế, tái sử dụng trong một vòng tròn khép kín. Hạn chế được rác thải, nước thải tại nguồn thì sẽ giảm bớt gánh nặng đối với Thành phố trong quá trình xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, DN vừa và nhỏ chậm hơn trong hoạt động này vì chưa đủ nguồn lực để đầu tư cùng một lúc. Do đó, Thành phố cần có cơ chế riêng cho những DN thiên về công nghệ hoặc sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nhất là hỗ trợ vốn vay. Và các DN này sẽ là những đơn vị tiên phong để đưa công nghệ xanh vào thị trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ thuế cho DN xuất khẩu hoặc DN sản xuất những mặt hàng có yếu tố bảo vệ môi trường, và chính sách tài chính để hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Không chỉ DN sản xuất, DN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng đang đóng góp trực tiếp vào mục tiêu xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường thông qua hoạt động cụ thể. Nhiều DN lữ hành tại TP.HCM đang bán những tour du lịch “độc và lạ” như tour dọn dẹp vệ sinh, vớt rác trên kênh rạch; tour Net Zero - nơi du khách được kiểm kê phát thải khí nhà kính qua từng hoạt động, tự mình “trung hòa” carbon thông qua hỗ trợ cộng đồng và bảo tồn văn hoá tại địa phương. Các vườn quốc gia trên cả nước đang có phong trào “Passport xanh”, khuyến khích khách du lịch hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Đây là sáng kiến rất hay, TP.HCM cũng có thể xây dựng các điểm đến mà tại đó mang đến cho du khách những trải nghiệm về thành phố sạch, xanh, thân thiện với môi trường. Sau đó, “đóng dấu passport” chứng nhận họ đã tham gia, và như vậy cách làm đó sẽ rất nhanh được lan truyền, thu hút các bạn trẻ.

Hiện nay, DN kinh doanh nhà hàng, khách sạn đang hướng tới tuân thủ bộ tiêu chí xanh. Đây sẽ là một bước tiến đột phá trong nỗ lực khẳng định DN đang chung tay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, có tính hệ thống công việc này, rất cần có quy định, quy chế của cơ quan quản lý ngành.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của DN trong việc thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường nhờ nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Nghị quyết 98 của Quốc hội mở ra cho Thành phố nhiều cơ hội về chính sách để kêu gọi sự góp sức về mặt tài lực, vật lực từ DN trong việc triển khai công trình xanh, từ việc đầu tư vào công nghệ sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, đến việc tổ chức chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Hơn nữa, DN có thể đóng góp thông qua tài trợ trồng cây, cải tạo kênh rạch, hay phát triển năng lượng tái tạo. Vai trò này không chỉ giúp DN xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt công chúng mà còn góp phần tạo ra môi trường sống bền vững, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM.

“Trăm tay thì vỗ nên kêu”, xây dựng TP.HCM thành thành phố sạch, xanh, thân thiện với môi trường đòi hỏi sự chung sức của mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để TP.HCM sạch, xanh, thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO