Các chuyên gia kinh tế lượng quốc tế "hiến kế" để TP.HCM phát triển bền vững
Tại Hội nghị châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á (AMES 2024) diễn ra từ ngày 2 - 4/8, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã có nhiều ý kiến đóng góp với lãnh đạo TP.HCM để giúp Thành phố phát triển bền vững.
Chiều tối 2/8, sau ngày làm việc đầu tiên trong lịch trình 3 ngày của AMES 2024 (2/8-4/8), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng giám đốc nhiều sở, ngành của Thành phố đã có buổi làm việc, trao đổi trực tiếp với các học giả kinh tế hàng đầu đến tham dự Hội nghị.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia chia sẻ ngắn gọn về những chủ đề được quan tâm như già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp; tác động của biến đổi khí hậu; phát triển xanh; đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, những chia sẻ của các chuyên gia đều cần thiết cho kinh tế TP.HCM. Như vấn đề nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, đây là bài học cho TP.HCM, bởi trong 1 thập kỷ qua, kinh tế Thành phố luôn tăng trưởng ở mức 2 con số nhưng gần đây đã giảm còn 6%, 7%. Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm này là từ đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, trong định hướng đến năm 2050, TP.HCM xác định sẽ là thành phố trẻ, năng động, hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế, vẫn theo hướng dịch vụ chiếm 65%, công nghiệp chiếm 22% như hiện tại nhưng cơ cấu nội ngành thay đổi với chất lượng dịch vụ hướng theo giá trị gia tăng, công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, để hoàn thành những mục tiêu trên, có 3 trọng tâm được TP.HCM tập trung đến năm 2030 để tạo nền tảng cho sau đó, là hạ tầng kết nối, thể chế quản lý một đô thị trên 10 triệu dân và nguồn tài nguyên. Để hiện thực hoá chiến lược phát triển này, bên cạnh tiềm lực nội tại, TP.HCM rất cần sự hợp tác quốc tế, kết nối với các tổ chức và chuyên gia.
Tại buổi làm việc, PGS. Trần Chung (Đại học Quốc gia Úc) cho rằng, với kế hoạch chiến lược của TP.HCM, khi hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… phát triển sẽ thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, Thành phố cũng cần lập kế hoạch, dựa trên việc nắm xu thế và đọc được chu kỳ của thế giới. Ví dụ như chu kỳ "tiền đắt", "tiền rẻ" và những tác động đến lạm phát, thu hút vốn vào Việt Nam. Đây là nhiệm vụ của bộ phận chiến lược của Thành phố và hoàn toàn có thể liên kết với các chuyên gia nước ngoài.
Cũng tham dự buổi làm việc, GS-TS. Nguyễn Đức Khương - Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tổ hợp Đại học De Vinci Higher Education và Chủ tịch AVSE Global, đồng chủ trì AMES 2024 cho biết, chuyển đổi xanh là bài toán lớn, phức tạp. Khó nhất là mỗi quốc gia đối diện thách thức khác nhau. Đồng thời, định nghĩa nội hàm chuyển đổi xanh ở các quốc gia cũng không giống nhau. Giữa các quốc gia nghèo và đã phát triển thì sự khác nhau là ở tài chính xanh. Khi chưa có tiền thì khó chuyển đổi xanh một cách dễ dàng.
Trước tiên, phải thay đổi tư duy, những lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp tương lai phải định hình được chuyển đổi xanh, từ đó việc đưa ra chính sách và thực thi sẽ dễ dàng hơn. Tiếp đến, TP.HCM đang là nơi được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư có trách nhiệm, quan tâm, hướng đến các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tác động tích cực đến môi trường và phát triển bền vững. Do đó, Thành phố cần tổ chức định kỳ các diễn đàn về chuyển đổi xanh, huy động sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu.
"Thành phố có thể tổ chức thảo luận trực tuyến hằng tháng, huy động chuyên gia tư vấn khắp thế giới. AVSE Global sẵn sàng hỗ trợ Thành phố kết nối với các chuyên gia", GS-TS. Nguyễn Đức Khương chia sẻ.
Cũng theo các chuyên gia, kinh tế lượng là vô cùng cần thiết với một quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, có vai trò hỗ trợ Chính phủ, các cơ quan điều phối và doanh nghiệp có thể ra quyết định dựa trên những tính toán khoa học và dữ liệu thực tiễn.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng kinh tế lượng cũng sẽ giúp Việt Nam và TP.HCM nắm bắt xu hướng toàn cầu, tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hội nghị châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á (AMES 2024) do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp cùng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) và Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School, Pháp) tổ chức. Đây là diễn đàn quốc tế, có tính chuyên môn cao về kinh tế lượng cũng như những vấn đề trong nghiên cứu, áp dụng kinh tế lượng trong mô hình hóa nền kinh tế thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng.
Năm nay, AMES lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia, có 60 phiên thảo luận, 3 phiên chính và 57 phiên song song, cùng 230 bài báo cáo khoa học với các chủ đề như kinh tế lượng và ứng dụng kinh tế lượng, kinh tế vĩ mô, vi mô, tài chính, tiền tệ và ngân hàng.