Đầu tư của Trung Quốc ở châu Á tăng giảm lẫn lộn trong năm 2023
Một báo cáo mới đây cho thấy, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trong năm 2023, đi ngược các xu hướng toàn cầu ngay cả khi nền kinh tế số 2 thế giới ảm đạm.
Báo cáo của Đại học Griffith ở Brisbane và Đại học Fudan ở Thượng Hải chỉ ra, tổng đầu tư của Trung Quốc đạt gần 20 tỷ USD trên khắp châu Á-Thái Bình Dương năm 2023, tăng 37%. Trong số này, riêng các hợp đồng xây dựng đã chiếm khoảng 17 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2022.
Theo báo cáo, con số trên trái ngược với mức giảm 12% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nền kinh tế mới nổi của châu Á Thái Bình Dương năm 2023. Dữ liệu được đưa ra không lâu, sau khi Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% năm 2024, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, điều này rất khó, do nhu cầu trong nước thấp, xuất khẩu yếu và bất động sản ảm đạm.
Trong báo cáo, phần lớn đầu tư của Trung Quốc là ở những nước tham gia sáng kiến “Vành đai – Con đường” (BRI). Ngược lại, đầu tư vào các nước không tham gia BRI chỉ còn 120 triệu USD, giảm 90% so với năm 2022.
Về điểm đến, tổng đầu tư của Trung Quốc vào châu Á Thái Bình Dương năm 2023, thì 50% là tới Đông Nam Á. Số vốn tăng 27% so với 2022. Indonesia là nước nhận nhiều nhất, với khoảng 7,3 tỷ USD.
Một dự án nổi bật trong số này, là TikTok mua lại 75% cổ phần công ty thương mại điện tử Tokopedia thuộc tập đoàn công nghệ GoTo, với giá 840 triệu USD. Đây là nỗ lực của gã khổng lồ internet Trung Quốc, nhằm quay lại thị trường thương mại điện tử Indonesia, sau khi cơ quan quản lý buộc TikTok tách tính năng mua sắm khỏi ứng dụng vào tháng 10/2023.
Ngược lại, sáu quốc gia là Philippines, Mông Cổ, Myanmar, Papua New Guinea, Tajikistan và Thổ Nhĩ Kỳ – chứng kiến vốn Trung Quốc giảm 100% so với năm 2022, nghĩa là không có dự án nào cả.
Theo giới phân tích, có nhiều lý do khác nhau, nhưng thường bởi sự kết hợp của chính trị lẫn kinh tế. Ví dụ, Philippines và Trung Quốc liên tục căng thẳng và đối đầu trên biển Đông.
Tại những nơi khác, vốn của Trung Quốc vào hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), giảm khoảng 74%, trong bối cảnh quốc gia Nam Á bất ổn chính trị và lo ngại về tình trạng phiến quân tấn công người Trung Quốc.
Vốn Trung Quốc vào Úc cũng giảm khoảng 66%.
Năm 2023, Zhejiang Huayou Cobalt, một trong những nhà tinh chế coban lớn nhất thế giới, đóng góp 21,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc. Tiếp theo là tập đoàn thương mại điện tử Alibaba với 11,6%.
Đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực kim loại và khai khoáng, liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh như lithium và niken, phần lớn tập trung ở Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam và Bangladesh. Vốn trong lĩnh vực này đạt 5,3 tỷ USD, tăng 130%.
Các khoản đầu tư đáng chú ý vào lĩnh vực xe điện, như liên doanh giữa Zhejiang Huayou Cobalt và LG Chem tại Hàn Quốc, cùng với các nhà máy sản xuất ô tô Trung Quốc ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Báo cáo dự đoán đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trong khu vực sẽ tiếp tục phục hồi năm 2024, do quá trình chuyển đổi xanh ngày càng mạnh mẽ, cũng như nhu cầu trong nước suy yếu, thúc đẩy các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Dẫu vậy, không ít tiếng nói vẫn lo ngại, dự án của Trung Quốc có nguy cơ đẩy đối tác vào bẫy nợ, hoặc gây hại cho môi trường tại địa phương. Ví dụ tiêu biểu nhất, là một số dự án khai khoáng ở Indonesia.