Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Gặp khó vì USD

DUY KHUÊ| 10/03/2016 08:36

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lo ngại chính sách hạn chế "đô la hóa"qua Thông tư 24/2015/TT-NHNN vì sẽ khó cạnh hơn trong xuất khẩu.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Gặp khó vì USD

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lo ngại chính sách hạn chế "đô la hóa"qua Thông tư 24/2015/TT-NHNN vì sẽ khó cạnh hơn trong xuất khẩu.  

Đọc E-paper

Với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ xuống 15% vào năm 2015 và chấm dứt tình trạng "đô la hóa" trước năm 2020, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thi hành hàng loạt chính sách mạnh mẽ và đồng bộ.

Trong đó, Thông tư 24/2015/TT-NHNN, dự kiến có hiệu lực từ tháng 3/2016, sẽ siết chặt quy định vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua biên giới.

Đại diện cho DN xuất khẩu cá tra Việt Nam, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, lo ngại xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi Thông tư 24 có hiệu lực vào cuối tháng 3/2016.

Cụ thể, việc NHNN buộc các DN phải vay bằng tiền đồng, kể cả DN xuất khẩu là cần phải xem lại, vì nếu thực hiện không khéo chính sách này sẽ "gây hại" cho DN Việt Nam. Theo giải thích của ông Minh, ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang không cạnh tranh được với các nước khác.

Toàn ngành nông lâm thủy sản năm 2015 xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, nếu so với năm 2014, thì kim ngạch giảm. Theo đó, nếu Việt Nam tiếp tục chống "đô la hóa", hạn chế DN xuất khẩu vay ngoại tệ thì vô hình trung đẩy giá thành hàng hóa nông sản lên cao hơn.

"Các nước đang phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Nếu đẩy vốn vay lên, liệu xuất khẩu thủy sản, hay kể cả nông, lâm nghiệp có cạnh tranh được không?", ông Minh lo ngại.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho hay, đây là vấn đề liên quan đến chính sách chống "đô la hóa" của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, do lãi suất USD và tiền đồng lệch nhau theo hướng lãi suất cho vay USD thấp hơn, nên các DN cho rằng, nếu vay bằng tiền đồng sẽ là bất lợi.

"Tuy nhiên, đây chỉ mới phân tích một mặt, bởi một khi tỷ giá USD tăng cao thì chiều hướng sẽ diễn ra ngược lại, cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Chúng ta có để nông dân chịu thiệt không?", ông Lịch đặt vấn đề. "Do vậy, tôi vẫn ủng hộ chính sách chống đô la hóa tại Việt Nam", ông Lịch khẳng định.

Nhiều DN đồng ý quan điểm chống "đô la hóa" để hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu về sử dụng không đúng mục đích, hay trong kinh doanh các mặt hàng xa xỉ phẩm như xe ô tô hay điện thoại...

Tuy nhiên, DN cũng băn khoăn, chính sách này đánh vào những DN xuất khẩu nông sản, thủy sản, vô tình góp phần đẩy giá thành khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh. Nói thêm về điều này, đại diện một DN xuất khẩu trái cây cho hay: "Một khi DN cạnh tranh bằng việc giảm giá bán thì người chịu thiệt cuối cùng vẫn là nông dân".

Theo ông Dương Ngọc Minh, năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản... vừa giảm nhu cầu nhập khẩu vừa tăng cường nhiều rào cản kỹ thuật.

Nhưng đáng chú ý hơn, nhiều đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á đang bị phá giá lên tới 10%, trung bình các đồng tiền châu Âu mất giá trên 20% so với trước, đồng tiền Trung Đông mất giá 30%, đồng tiền Nam Mỹ mất giá từ 30 - 40%.

Do đó, các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cùng loại của Việt Nam tại các thị trường này sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, năm 2015, do gặp khó khăn, nông dân bỏ nuôi cá tra để chọn nuôi loại khác, nên năm 2016, sản lượng cá tra của Việt Nam chỉ bằng 60% so với năm 2015.

"Ai cũng nói qua TPP, FTA, thủy sản Việt Nam được hưởng lợi nhưng chưa thấy hết những mặt trái của khó khăn. Mới đây, qua khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy, DN Malaysia khi đầu tư hay kinh doanh tại Việt Nam được chính phủ hỗ trợ lãi suất bằng 0%. Họ đang nhắm vào Việt Nam để mở rộng thị trường.

Do vậy, chúng ta đừng mơ rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các FTA hay TPP", ông Minh nhấn mạnh. Thực thi TPP, Việt Nam được ưu tiên 7 năm để chuẩn bị cho ngành nông nghiệp song cho đến thời điểm này, nhiều DN vẫn đang ở thế "không có gì”. Vì vậy, DN xuất khẩu cho rằng, NHNN cần có sự sự tính toán lại về vấn đề hạn chế cho vay USD.

>Hành trình "xuất ngoại" của đồng USD

>FED không tăng lãi suất, NĐT Việt có nên trữ đồng USD?

> Kinh tế Mỹ tăng trưởng, đồng USD vững giá so với đồng yen

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Gặp khó vì USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO