Lên rừng trồng dược liệu

THANH BÌNH| 19/04/2018 03:33

Từ lâu, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã nổi tiếng với sản phẩm hồng đẳng sâm – loại dược liệu được coi là “nhân sâm của người nghèo” nhờ mức giá vừa phải mà lại có giá trị thay thế nhân sâm trong điều trị bệnh.

Lên rừng trồng dược liệu

Trong một khu vườn trồng hồng đẳng sâm

Tuy nhiên thời gian qua, người dân trong huyện khai thác và chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái Trung Quốc với giá thấp. Hơn nữa, vì diện tích rừng đang bị thu hẹp, nguồn dược liệu này dần cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng đó, một nhóm nhà đầu tư từ TP.HCM đã quyết định “bỏ phố lên rừng” đầu tư cho việc bảo tồn, phát triển và chế biến loại dược liệu này.

Tiếp đó, nhóm tiếp tục phát triển nhiều dược liệu quý khác ở vùng Tây Nguyên như: đông trùng hạ thảo, yến sào, sâm Hàn Quốc, nấm lim xanh… vì cho rằng đây mới là hướng phát triển kinh tế bền vững, đồng thời phát huy được tiềm năng dược liệu của đất nước.

Phát triển sản xuất chế biến để nâng cao giá trị dược liệu

Hiện nay trên thị trường, giá hồng đẳng sâm tươi trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, loại khô trung bình 400.000 đồng/kg. Đồng bào người dân tộc Xê Đăng đang trồng loại sâm này khá nhiều nhưng chưa có phương pháp chế biến hiệu quả, chủ yếu là bán thô hoặc ngâm rượu, sấy khô đóng gói.

Trong khi đó, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm trở lại đây. Không ít người nghĩ rằng thực phẩm chức năng là cuộc chơi của những nước giàu. Việt Nam chỉ nên xuất khẩu nguyên liệu thô qua cho nước ngoài làm, rồi nhập lại thành phẩm. Nhưng nhóm nhà đầu tư của ông Đỗ Hoàng Hải - người sáng lập kiêm Chủ tịch Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Saigon (thường được gọi là ông Năm Khoa) không nghĩ như vậy.

Link bài viết

Từng giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Thành ủy TP.HCM và là Đại biểu Quốc hội khóa IX, ông Năm Khoa cho rằng Việt Nam có lợi thế rất lớn về hồng đẳng sâm nói riêng và dược liệu nói chung, bên cạnh đó cũng có nhiều nhà khoa học được đào tạo bài bản, có năng lực nghiên cứu về dược liệu cũng như bào chế hay công nghiệp dược nên không thể để doanh nghiệp ngoại chiếm giữ thị trường dược phẩm.

Vì vậy, sau nhiều năm khảo sát khu vực Tây Nguyên, ông Năm Khoa và nhóm nhà đầu tư đã quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sài Gòn (SMI), hình thành Trung tâm giống dược liệu ở huyện Kon Plong (Kon Tum) và Trung tâm giống ở huyện Kbang (Gia Lai), đồng thời xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu để giữ nguồn gen quý hiếm.

“Kon Tum, Gia Lai là những tỉnh hiếm hoi trên cả nước có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm và còn có những vùng đất đỏ bazan diện tích lớn. Người ta thường gọi những vùng này là “Đà Lạt thứ hai” nhưng chúng tôi thì gọi là “Đà Lạt của trăm năm trước”, thời kỳ thành phố khi chưa bị đô thị hóa. Đây là nơi vô cùng lý tưởng để phát triển những rừng dược liệu quy mô lớn”, ông Năm Khoa nói. “Chúng tôi thành lập những trung tâm chọn lọc các loại đặc chủng dược liệu quý từ các vườn quốc gia, các khu bảo tồn để đội ngũ khoa học từ các phòng thí nghiệm của viện sẽ khảo nghiệm hiệu quả và phát triển thành ngân hàng mô, ngân hàng giống, cung cấp và hướng dẫn gieo trồng cho các nông trường và đồng bào dân tộc Tây Nguyên”.

nganh duoc lieu doanhnhansaigon

Củ hồng đẳng sâm tươi

Cuối tháng 5/2017, Viện SMI đã hướng dẫn một số chủ nông trại tiêu biểu của Măng Đen tới Tu Mơ Rông để học cách trồng và chăm sóc hồng đẳng sâm. Đến nay, những khu vườn hồng đẳng sâm của viện đã phát triển tốt tươi. Sau đó, Phân viện Tây Nguyên của SMI đã thu mua các sản phẩm nuôi trồng của nông dân rồi chiết tách các hoạt chất để làm thực phẩm chức năng, nguyên liệu bào chế các loại thuốc mới, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, sắc đẹp. Tiếp theo, những lô sâm Mỹ từ Bắc Carolina, sâm Hàn Quốc cũng đã về Việt Nam để nhân giống và trồng trong các trang trại.

Gần đây, khi nấm lim xanh tại Tiên Phước (Quảng Nam) ngày càng khan hiếm và khó tìm kiếm, mức giá dược liệu này bị đẩy lên cao và xuất hiện hàng giả tràn lan trên thị trường. Phân viện liền quyết định đầu tư một chiếc máy xay gỗ lim để tạo môi trường trồng nấm lim xanh ở Tây Nguyên. Đến nay, các chế phẩm từ hồng đẳng sâm, đông trùng hạ thảo, từ sâm Hàn Quốc, yến sào… đã được Việt SMI gia công nâng cao giá trị dinh dưỡng và thương mại.

Hỗ trợ đời sống người dân tộc

Với những sản phẩm dược liệu làm ra tại Viện SMI, ông Năm Khoa luôn là người thử đầu tiên. Ở tuổi gần 80, ông vẫn duy trì được nhịp làm việc tích cực. Ít ai biết ông từng bị ung thư gan. Chính những sản phẩm do ông sản xuất đã giúp ông giữ sức khỏe sau các lần phẫu thuật điều trị ung thư.

Đối với ông Năm Khoa, vùng đất Tây Nguyên như quê hương thứ hai của mình. Cách đây hơn 10 năm, ông đã cùng một số người bạn đầu tư phát triển du lịch Măng Đen. Sau đó, ông có dịp quan sát thấy một số chương trình hỗ trợ đời sống người dân tộc diễn ra không hiệu quả. Hiện có khoảng 20.000 người dân tộc sống rải rác trên vùng đất này, đa số là người M’nông. Họ có cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, tuy có trồng lúa nước, nuôi heo gà, săn bắt thú rừng… nhưng điều kiện sống vẫn nhiều bấp bênh. Ông quyết định phát triển các vườn dược liệu để tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho những người này.

Ngoài ra, Viện SMI cũng muốn tạo môi trường nghiên cứu, đào tạo cho các nhà khoa học trẻ. “Phân viện Tây Nguyên sẽ là nơi tiếp nhận nghiên cứu sinh sau đại học và sinh viên thực tập hoặc làm luận án tốt nghiệp. Chúng tôi sẽ đài thọ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho sinh viên nghèo các tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM”, ông Năm Khoa cho biết.

Hiệu quả từ chiến lược phát triển nguồn dược liệu lâu dài ở khu vực Tây Nguyên còn phải chờ thời gian trả lời, song nỗ lực của những người như ông Năm Khoa rất đáng trân trọng và cần sự chung tay nhiều hơn từ cộng đồng. “Một vùng đất khô cằn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi như Israel vẫn có thể trở nên giàu mạnh nhờ tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều nhà khoa học, hẳn sẽ có được những bước phát triển vững chắc cho ngành dược liệu trong tương lai”, ông tin tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lên rừng trồng dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO