Với mức tăng trưởng khoảng 17%/năm, thị trường dược phẩm Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 10 tỷ USD vào năm 2020. Dù vậy, khối doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước sẽ khó nắm bắt được cơ hội để lớn mạnh nếu thiếu những chính sách hiệu quả từ phía Chính phủ.
Đó là nội dung chính của hội thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035.
Việt Nam hiện có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược; 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược. Biên lợi nhuận của ngành dược tương đối ổn định và đang được cải thiện trong vài năm nay do tận dụng được việc tối ưu giá vốn đầu vào, chính sách ưu đãi của Chính phủ (thuế TNDN), chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp dược có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất chủ yếu từ chi phí sản xuất giá rẻ. Sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn EU-GMP tại Việt Nam hiện đang có chi phí rẻ hơn 30% so với các doanh nghiệp dược phẩm tại Ấn Độ, 40% so với Nhật Bản, 20% so với Trung Quốc.
Các yếu tố giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp dược Việt Nam thấp bao gồm: chi phí nhân công chất lượng cao rẻ, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí vận hành thấp, chi phí về xử lý môi trường thấp và các quy định về đăng ký lưu hành thuốc không quá gắt gao. Tuy nhiên, quy mô các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cả về tài chính lẫn nhân lực. Các nhà máy trong nước đều sản xuất danh mục sản phẩm tương đối giống nhau. Hệ quả là phần lớn các doanh nghiệp tập trung sản xuất thuốc thông thường, trong khi đó có quá ít cơ sở sản xuất thuốc có dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên khoa đặc trị.
Trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành Công nghiệp Dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đang có kế hoạch đầu tư tới 1,5 tỉ USD cho ngành Dược trong 10 năm tới đây, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu. Chính phủ cũng cam kết tăng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước từ 50% cuối năm 2015 lên 80% năm 2020.
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia đến từ tổ chức Communiqué International cho rằng, để Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất dược phẩm tầm cỡ Đông Nam Á, trước mắt cần có một số thay đổi then chốt. Cụ thể, cần thiết lập một khung pháp lý rõ ràng nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước; khởi động một cơ chế minh bạch, công bằng cho sản xuất gia công và đấu thầu công; đồng thời thúc đẩy cơ chế pháp lý và luật định tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia, công nghiệp dược của Việt Nam đang dừng lại ở gần mức độ 3 theo thang phân loại năm mức phát triển. Thêm nữa, nguồn nguyên liệu cho tổng hợp hóa học còn nghèo nàn do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu chưa phát triển, nên nguyên liệu đều phụ thuộc nhập khẩu (trên 90% sản phẩm hóa dược nhập khẩu).
Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh - Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, Việt Nam có rất nhiều giống dược liệu tốt mang tính đặc thù. Tuy nhiên, phần lớn dược liệu thô hiện tại chưa được khai thác để phục vụ ngành dược trong nước mà chuyển đi xuất khẩu, rồi sau đó chính nguyên liệu bào chế dược lại được nhập trở lại.
“Với hiện trạng ngành dược liệu của Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ trọng tâm phát triển theo những nhóm sản phẩm chiến lược, thay vì phân tán: doanh nghiệp thích trồng cây nào, xây dựng vùng dược liệu nào thì làm cái đó như trước đây”, một chuyên gia nhận xét.