Để khai thác lợi thế từ rong nho

HOÀNG MI| 24/08/2016 08:28

Tại Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp xuất khẩu rong nho đi Nhật nhưng hiện tại giá cả đã hạ xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 10 - 15 USD/kg. Trong khi đó tại thị trường Nhật, giá rong nho vẫn ở mức 80 USD/kg.

Để khai thác lợi thế từ rong nho

Khi lần đầu tiên đến thăm Okinawa năm 2000, bà Nguyễn Thu Sắc, Giám đốc công ty TNHH Hải Nam Okinawa, tình cờ thấy sản phẩm rong nho tươi tại phi trường có giá bán lên đến 80 USD/kg. Bà cho rằng, chỉ cần bán bằng 1/4 giá này thì đã rất lời so với các sản phẩm nuôi trồng khác. Do đó, bà quyết định tìm cách nuôi rong nho và trở thành một trong những công ty đầu tiên xuất khẩu sản phẩm này qua Nhật.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, hiện giá công ty bà bán chỉ còn 10 - 15 USD/kg, thấp hơn gần 8 lần so với giá bán tại Nhật, thấp hơn nhiều so với rong nho đến từ Philippines.

Theo PGS-TS. Ngô Đăng Nghĩa - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và môi trường Đại học Nha Trang, rong biển là nguồn chất xơ, giàu chất oxy hóa, vitamin và protein. Ngoài ra, rong biển còn được chứng minh khả năng chống ung thư, kiểm soát bệnh béo phì, ức chế các enzym gây dị ứng.

Rong biển vốn đã được sử dụng phổ biến tại Nhật từ thế kỷ thứ XVIII. Các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines cũng có lịch sử sử dụng rong biển lâu đời. Tuy nhiên, rong biển lại vắng mặt trong bữa cơm của người Việt.

Lý giải cho truyền thống không sử dụng rong biển tại Việt Nam, PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa chia sẻ: "Theo thói quen ẩm thực, người Việt Nam không thích ăn rong nhiều. Trong tiềm thức của người Việt, rong rêu là thứ không quý... Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì lại rất mê ăn rong. Do đó, ngành rong biển ở những quốc gia này rất phát triển".

Trong thập niên gần đây, dưới sự ảnh hưởng của các nền văn hóa từ các nước lân cận, văn hóa Hàn Quốc được các bạn trẻ rất mến mộ. Đi cùng với khuyếch tán văn hóa này, người Việt Nam cũng bắt đầu để ý đến rong biển.

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Bá Sơn, Hà Nội, cho biết: "Trong vòng 5, 6 năm nay tôi cũng mới bắt đầu ăn rong. Khi đi công tác Nha Trang, mọi người cũng thường nhờ tôi mang rong nho ra Hà Nội".

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km với diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2 thích hợp cho phát triển rong biển. Đặc biệt là vùng miền Trung có bờ biển đá và dải biến thiên nhiệt độ hẹp, phù hợp với phát triển rong biển. Diện tích trồng rong có tiềm năng khoảng 900.000ha, tương đương với sản lượng 600.000 - 700.000 tấn khô/năm trong giai đoạn 2010 - 2015.

>>Kiếm triệu đô từ rong nho

Theo chuyên viên Vụ Nuôi trồng Thủy sản, hiện Việt Nam đang trồng 7 loại rong biển, sản lượng khoảng 100.000 tấn. Tuy nhiên, nền công nghiệp trồng rong ở nước ta vẫn còn rất sơ khai. Diện tích trồng rong nhiều năm không có đột phá, chỉ tăng mỗi năm từ 2.000 - 3.000ha, lên 12.600 ha vào năm 2020. Dự kiến, vào năm 2020, sản lượng ước đạt 137.500 tấn.

Chính phủ đã có những quan tâm nhất định với sản phẩm này. Trong đề án "Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" (Quyết định số 1167/QĐ-BNN-TCTS), lần đầu tiên, rong được chú ý và đưa vào chương trình.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu chú ý đến ngành công nghiệp non trẻ này. Một trong những loại rong biển được các công ty Việt Nam nuôi trồng thành công, thậm chí còn có thể xuất ngược lại Nhật là rong nho (Caulerpra lentillifera). Loại rong này được gọi là rong nho vì có dạng như chùm nho, ăn giòn, vị mặn tự nhiên.

Đây là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được ví như trứng cá hồi xanh. Kể từ năm 2004, rong nho biển đã được du nhập vào Việt Nam và trồng thành công tại 2 tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa, tạo nguồn rong xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thu Sắc cho biết, dù việc nuôi trồng rong nho rất khó khăn nhưng đây không phải là trở ngại chính của công ty. Được biết, tại Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp xuất khẩu rong nho đi Nhật nhưng hiện tại giá cả đã hạ xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 10 - 15 USD/kg. Trong khi đó tại thị trường Nhật, giá rong nho vẫn ở mức 80 USD/kg.

Điều đáng lưu ý là Philippines đã trồng rong nho và cung cấp cho thị trường Nhật Bản trước các công ty Việt Nam rất lâu. Rong nho bán tại thị trường Okinawa cũng được nuôi tại Philipines và chỉ được đóng gói tại Nhật nhưng giá bán vẫn giữ 80 USD/kg trong nhiều năm. Chỉ đến khi có sự cạnh tranh từ các công ty Việt Nam, giá xuất khẩu của sản phẩm này mới giảm như vậy.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thu Sắc đề xuất: "Doanh nghiệp trong nước nên gắn kết với nhau. Không nên vì lợi nhuận mà cạnh tranh nhau ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam ra bên ngoài".

>>Lưu ý khi xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để khai thác lợi thế từ rong nho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO