Hiệu ứng thắt chặt cho vay

QUỲNH VŨ| 17/04/2012 06:22

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai Thông tư 07 và 03 nhằm lái dòng vốn ngoại tệ để điều hành tỷ giá chặt chẽ hơn. Ngay lập tức, hiệu ứng thắt chặt cho vay đã xảy ra trên thị trường, doanh nghiệp đôn đáo tìm vay ngoại tệ khiến ngoại tệ liên tục tăng giá.

Hiệu ứng thắt chặt cho vay

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hai Thông tư 07 và 03 nhằm lái dòng vốn ngoại tệ để điều hành tỷ giá chặt chẽ hơn. Ngay lập tức, hiệu ứng thắt chặt cho vay đã xảy ra trên thị trường, doanh nghiệp (DN) đôn đáo tìm vay ngoại tệ khiến ngoại tệ liên tục tăng giá.

Ngắn khó nuôi dài

Chỉ hơn 2 tuần nữa (ngày 2/5), Thông tư 07 quy định về việc giảm trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài từ 30% xuống không được quá 20% vốn tự có sẽ có hiệu lực. Cùng thời điểm có thêm Thông tư 03 siết lại đối tượng được vay ngoại tệ của NHNN.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tình hình vay vốn USD sắp tới sẽ không có gì căng thẳng. Các DN không thuộc diện vay vẫn có thể mua USD.

DN có quyền đi vay nếu họ đáp ứng đủ các quy định trong Thông tư 07 (24/3/2011) của NHNN. Ngược lại, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ cho DN vay nếu có đủ điều kiện.

Có thể hiểu mục đích của NHNN là hạn chế khả năng chuyển đổi các nguồn vốn trong hệ thống, thúc đẩy sự chuyển dịch các quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, phục vụ cho việc điều hành tỷ giá.

Lý thuyết là thế nhưng tình hình thực tế lại không đơn giản. Nói như DN nói thì bình thường nguồn USD rộng rãi họ cũng đã chật vật, nay siết lại theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ” thì dù có đủ điều kiện cũng không tới phiên mình.

Từ đó mới có chuyện ngay khi biết thông tin ngày 2/5 NHNN chính thức siết chặt nguồn vốn vay, trong mấy tháng vừa qua, các DN hối hả “chạy vay”. Ngoài lý do chạy đua với quy định siết vay ngoại tệ, nhiều DN muốn vay USD vì lãi suất USD chỉ 5-7% trong khi lãi suất VND là 16-18%.

Thực tế, Thông tư có hiệu lực từ 2/5 tới, nhưng chỉ ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá USD tại NH và USD trên thị trường tự do đã tăng từ 20-30 đồng/USD.

Anh Lê Sơn, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu máy móc cho ngành công nghiệp nặng, nói rằng, vấp phải khó khăn về Thông tư 03, nguồn vốn NH chuyển dần sang phòng thủ bằng hạn chế dần các khoản vay trung và dài hạn, chủ yếu chỉ cho vay ngắn hạn để phòng tránh rủi ro.

Đây được xem là một ứng xử cần thiết và phù hợp với thực tế hoạt động của hệ thống, đặc biệt là gắn với các dòng tiền gửi ngày càng linh hoạt hơn. Nhưng phía sau phản ứng đó là khó khăn ở nhiều DN vay vốn.

“Chẳng hạn, công ty tôi phải nhập khẩu 2 khối máy lớn để phục vụ nhu cầu ngành in trong nước. Sợ đến tháng 5 sẽ khó vay nên hồi tháng 3 chúng tôi đã làm hồ sơ vay nhập khẩu 2 đơn hàng trước. Dù may mắn vẫn được NH cho vay nhưng khoản vay chỉ được vài ba tháng chẳng bõ bèn gì. Vốn ngắn khó lo cho đường dài, nhất là khi con đường không còn bằng phẳng như dự tính”, anh Sơn trần tình.

Thời hạn cho vay USD thường không quá dài, tối đa chỉ 6-9 tháng, do đó những DN muốn phát triển lâu dài phải có tính toán khác.

Đó là chưa kể những thay đổi đó gây khó khăn về nguồn vốn ngoại tệ của DN đang ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Một số DN khi được hỏi đã thừa nhận họ đang đứng trước thực tế phải co cụm trong kinh doanh, và để tiếp tục đứng vững cần được pha loãng áp lực trả nợ.

Theo đó, nếu có được nguồn vốn vay ngoại tệ thoải mái với thời hạn vay trung và dài hạn là một cơ hội cần thiết để giãn nguồn tiền phải trả dồn trong ngắn hạn.

Khó người, khó ta

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cũng nhìn nhận, vài năm gần đây, bối cảnh kinh tế thay đổi dẫn tới tình hình kinh doanh của khách hàng thay đổi theo, không đúng như dự kiến và đa số là theo chiều hướng xấu đi. Có thể nói hầu hết các DN đi vay và không đi vay đều khó hình dung hết những khó khăn như hiện nay.

Thông tư ban hành không chỉ ảnh hưởng đến người vay, mà bản thân NH cũng lo lắng sẽ mất một số khách hàng tiềm năng. Bởi lẽ, sắp tới chỉ riêng những đơn vị nhập khẩu đảm bảo có nguồn thu ngoại tệ (hiện chỉ ưu tiên DN xăng dầu, phân bón), còn DN khác khó có thể đảm bảo nguồn thu ngoại tệ do chủ yếu gia công để làm xuất khẩu.

Khi được hỏi nhóm DN nào sẽ khó khăn nhất thì đa số các vị lãnh đạo đều thống nhất là trong thời gian tới khó khăn nhất sẽ thuộc về nhóm DN chỉ nhập khẩu mà không xuất khẩu. Bởi lẽ, họ thật sự có nhu cầu vay USD để phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng sản phẩm làm ra chỉ bán trong nước nên không chứng minh được là có ngoại tệ để trả.

“Nếu không được vay, rất có thể họ sẽ tìm đến các DN có USD để vay. Việc vay tiền không thông qua tổ chức tài chính sẽ khiến họ gặp nhiều rủi ro. Mặt khác, việc này vô hình trung lại hình thành một thị trường cho vay bên ngoài NH”, Phó tổng giám đốc một NHTM cổ phần nói.

Như vậy, các NH lo rằng không loại trừ vài tuần tới, nhiều DN xuất nhập khẩu sẽ phải tìm cách chuyển qua vay NH nước ngoài. Vì hiện nay, khối NH ngoại có lợi thế vốn ngoại tệ rẻ có thể tài trợ cho khách hàng ngay bên nước ngoài hoặc trong nước qua nhiều phương thức khác nhau.

Theo thông tư 07, tổng trạng thái ngoại tệ âm hoặc dương cuối ngày của các tổ chức tín dụng không vượt qua 20% vốn tự có. Các chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 triệu USD trở xuống được phép áp dụng mức giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc âm cuối ngày quy ra USD không được vượt quá 5 triệu USD.

Việc giảm trạng thái ngoại tệ này, theo NHNN, sẽ góp phần ổn định tỷ giá hơn khi các NHTM mua được ngoại tệ khi chưa có nhu cầu sử dụng sẽ phải bán lại cho NHNN để tiếp tục tăng dự trữ, tăng khả năng kiểm soát, đảm bảo nguồn ngoại hối được chủ động, cân đối, giúp ổn định thị trường ngoại hối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệu ứng thắt chặt cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO