Doanh nghiệp vay ngoại tệ: Dè chừng rủi ro tỷ giá

LÊ PHAN| 10/05/2017 01:34

Tỷ giá USD/VNĐ đang có dấu hiệu được điều chỉnh tăng nhanh hơn đưa đến những áp lực rủi ro tỷ giá trong tương lai đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ.

Doanh nghiệp vay ngoại tệ: Dè chừng rủi ro tỷ giá

Tỷ giá USD/VNĐ đang có dấu hiệu được điều chỉnh tăng nhanh hơn đưa đến những áp lực rủi ro tỷ giá trong tương lai đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ, nhất là khi ngày càng có nhiều khoản vay USD đáo hạn trong thời gian tới. 

Đọc E-paper

Đón đầu chính sách của FED

Theo tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá trung tâm USD/VNĐ đến ngày 8/5/2017 là 22.358 đồng, tăng 199 đồng, tương đương mức tăng 0,9% so với đầu năm. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng vẫn tương đối ổn định, cụ thể tỷ giá mua vào và bán ra tại Vietcombank ngày 8/5/2017 là 22.710 và 22.790 đồng/USD, tương ứng tỷ giá mua vào giảm 10 đồng và tỷ giá bán ra không thay đổi so với đầu năm, cho thấy mức giảm đã có sự thu hẹp so với 4 tháng đầu năm nay.

Đáng chú ý là tỷ giá trung tâm đang có dấu hiệu được điều chỉnh tăng nhanh hơn. Chỉ riêng trong tháng 4, tỷ giá trung tâm USD/VNĐ đã được điều chỉnh tăng 74 đồng, khá cao so với mức tăng 43 đồng trong tháng 1, 30 đồng trong tháng 2 và 44 đồng trong tháng 3.
Trong khi đó, đồng USD trên thị trường quốc tế vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh.

>>Kéo dài cho vay ngoại tệ để thanh toán đến cuối 2017?

Chỉ số USD Index đã tiếp tục giảm từ mức cao 101 vào đầu tháng 4 về lại vùng 98,5 như hiện nay, đánh dấu mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Như vậy chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh đã rớt về lại vùng giao dịch ngay sau thời điểm ông Donald Trump đắc cứ tổng thống. Rõ ràng những quyết sách trong thời gian qua của Tổng thống Mỹ dường như khiến giới đầu tư ngày càng giảm kỳ vọng vào khả năng "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Diễn biến trái chiều giữa đồng USD trong nước và trên thị trường quốc tế là đáng chú ý. NHNN dường như muốn chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá một cách linh hoạt nhằm tránh phải tăng sốc trong giai đoạn sắp tới, nhất là khi áp lực tỷ giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng tăng lên.

Kết quả cuộc họp hôm 3/5 của FED vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD tại 0,75 - 1%, tuy nhiên cuộc họp vào ngày 15/6 tới dự báo FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất ít nhất thêm 0,25% nữa và đồng USD khi đó có thể chứng kiến tăng mạnh trở lại, gây áp lực lên tỷ giá trong nước.

Không chỉ nỗi lo nhập siêu

Ngoài ra, tỷ giá USD/VNĐ trong nước còn chịu tác động từ những yếu tố nội tại khác. Tháng 4 tiếp tục chứng kiến mức nhập siêu 800 triệu USD, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp nhập siêu sau khi tháng 2 nhập siêu hơn 2 tỷ USD, tháng 3 là 1,1 tỷ USD.

Với rủi ro tỷ giá có thể ngày càng tăng lên trong thời gian tới, các doanh nghiệp vay USD cần cẩn trọng. Tuy chêch lệch lãi suất vay USD và VNĐ vẫn đang ở mức khá lớn (3 - 4%), nhưng việc xây dựng, sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn là nên cân nhắc.

Lũy kế 4 tháng nhập siêu đã tăng lên mức 2,73 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, cao hơn nhiều so với mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở 3,5% đặt ra cho năm 2017. Với nhập siêu ngày càng tăng lên cho thấy cầu ngoại tệ để nhập khẩu gây áp lực lên tỷ giá là tất yếu.

Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 4,68% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2016. Diễn biến các tháng đầu năm nay cho thấy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ luôn vượt trội hơn so với tăng trưởng tín dụng VNĐ.

Do đó cầu ngoại tệ để cho vay cũng tăng lên. Với nhập khẩu tăng trưởng mạnh thì dĩ nhiên nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu cũng tăng lên. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tranh thủ vay ngoại tệ ngay từ đầu năm vì theo quy định đến cuối năm nay là đã hết hạn vay ngoại tệ.

Theo Tổng cục thống kê, nguồn vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm nay mặc dù tăng 5,3% về số dự án nhưng giảm 4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn vốn FDI giải ngân 4 tháng đạt 4,8 tỷ USD, chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trước tín hiệu tỷ giá chịu nhiều áp lực, các ngân hàng thương mại thời gian gần đây cũng đã chủ động mua thêm ngoại tệ và tăng trạng thái dương ngoại tệ, điều này càng làm tăng cầu USD.

>>Triển vọng của đồng USD

Việc NHNN chủ động tăng tỷ giá trung tâm cũng có thể giúp tổ chức này mua thêm USD từ các ngân hàng thương mại và tăng cung tiền VNĐ. Với tăng trưởng GDP quý 1 đạt mức thấp và lãi suất chịu nhiều áp lực tăng trong những tháng đầu năm nay, thì việc tăng cung tiền VNĐ có thể vừa giữ ổn định lãi suất, kích thích hoạt động tín dụng từ đó tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế cho thời gian còn lại của năm nay.

Tỷ giá trung tâm đã tăng gần 0,9% kể từ đầu năm đến nay, do đó hạn mức để điều chỉnh tăng cho thời gian còn lại trong năm nay là vẫn còn đáng kể. Thời gian tới tỷ giá có thể sẽ chịu nhiều áp lực trước việc đồng USD phục hồi lại khi FED có thể sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 tới như trên đã nói. Hiện tại cơ quan này vẫn còn đến 2 lần có thể tăng lãi suất trong năm nay theo như kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Các khoản vay ngoại tệ sẽ tiếp tục đáo hạn dần kể từ giờ cho đến cuối năm nay và các doanh nghiệp xuất khẩu không thể vay USD nếu như không có thêm chính sách gia hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA của Việt Nam kể từ tháng 7/2017 sẽ bị hạn chế, khi các khoản vay ưu đãi có thể chấm dứt và Việt Nam phải chuyển sang vay thương mại theo lãi suất thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp vay ngoại tệ: Dè chừng rủi ro tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO