Nguyễn Thị Minh Ngọc – dì ghẻ tử tế

LÂM HẠNH| 27/03/2012 00:20

Nguyễn Thị Minh Ngọc - người đàn bà đa mang - vừa như muốn giữ cho mình sự đơn độc vừa như muốn được chia sẻ rất nhiều. Về Việt Nam để ra mắt bộ phim Ngọc Viễn Đông, chị đã chia sẻ về bộ phim và những tâm sự về công việc, cuộc sống của mình.

Nguyễn Thị Minh Ngọc – dì ghẻ tử tế

Nguyễn Thị Minh Ngọc - người đàn bà đa mang - vừa như muốn giữ cho mình sự đơn độc vừa như muốn được chia sẻ rất nhiều. Chị lao vào làm bất cứ thứ gì mình thích, viết văn, viết kịch bản, dựng kịch, đi diễn, như là cách chị tự chia sẻ với mình, đến nỗi người ta không biết gọi chị là gì: Nhà văn, đạo diễn, biên kịch hay nhà giáo? Cũng chính vì đa mang nhiều việc mà trông chị lúc nào cũng tất tả. Đợt vừa rồi về Việt Nam để ra mắt bộ phim Ngọc Viễn Đông, chị đã chia sẻ thời gian ở mỗi nơi mỗi chút thế mà vẫn không giải quyết hết lịch hẹn. Cũng nhân dịp này, chị đã có những chia sẻ về bộ phim và những tâm sự về công việc, cuộc sống của mình.

Thưa chị, bộ phim "Ngọc Viễn Ðông" vừa ra mắt ở Việt Nam với những cảnh quay đẹp nhưng quả thật rất khó kể lại như thế nào để những người chưa xem thấy hấp dẫn mà đến rạp ngay vì phim không có một câu chuyện liền mạch, ly kỳ. Là tác giả kịch bản, chị nói gì về điều này? Chị mong khán giả đến với bộ phim vì điều gì?

Ngay từ đầu, một số bạn bè hùn tiền vào làm phim này và tôi đều thấy thách thức lớn khi công chiếu ở Việt Nam là việc “phim không có một câu chuyện liền mạch, ly kỳ”. Khán giả Việt Nam chưa có thói quen bỏ tiền ra rạp xem những phim ngắn ráp lại như thế này.

Ðể viết một đường dây nối các truyện không khó. Các vai có thể đi dọc chiều dài đất nước, có điều kiện nối kết các vai còn lại là vai của chị Kiều Chinh, của tôi, của Trương Ngọc Ánh, của Hồng Ánh. Chúng tôi đã phác ra ý tưởng nối kết nhưng đạo diễn bảo lưu ý tưởng tách rời.

Vì phim là tác phẩm của tác giả nên chúng tôi phải tôn trọng người quyết định cuối cùng. Là tác giả kịch bản của phim, cũng có nghĩa là người giúp việc cho đạo diễn, tôi mong khán giả đến với bộ phim vì có chung lòng yêu mến thiên nhiên và con người Việt Nam với chúng tôi.

Trong vở kịch "Người đàn bà thất lạc" là thân phận của những Hồ Xuân Hương, Nguyệt Cô... còn trong phim "Ngọc Viễn Ðông" là thân phận của Mi, của Kiều, của Dã Quỳ... Hình như đàn bà long đong, mất mát cứ làm chị xót xa và ám ảnh?

Bạn tôi, NSƯT Thành Lộc tuy “khen” diễn xuất của tôi trong Thức của Ngọc Viễn Ðông nhưng cũng có ý tưởng là nếu dựng Thức thành hài thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Tôi đồng ý với Thành Lộc vì còn nhớ khi tôi đắp thêm da thịt cho vai dì ba Duyên là một bà cô gái già ế chồng trong vở Ngôi nhà không có đàn ông của Ngọc Linh thì hiệu quả cao hơn nhiều.

Khi vở Người đàn bà thất lạc của tôi diễn ở New York, chính NSƯT Thành Lộc cũng đã nâng cao giá trị tác phẩm khi cho hồn Nguyệt Cô nhập vào anh chồng. Anh đã tự hỏi: Ai là người khiến vợ anh ra đi? Rồi tự chỉ vào mặt mình: Chính anh, chớ không ai khác, là người đẩy vợ ra đường.

Như thế, tôi ước chi mình không chỉ biết “xót xa và ám ảnh” mà còn biết giúp cho khan giả cười, và sau đó là một nhận thức đắng lòng hơn về thân phận đàn bà.

Nói thật là những tác phẩm của chị, từ văn học, kịch nói hay điện ảnh, đều khó đến được số đông nên khó có doanh thu tốt sau khi ra mắt. Các nhà sản xuất thừa biết điều này nhưng vì đâu mà họ vẫn hợp tác gắn bó với chị, như Phương Nam Book chẳng hạn?


Tác phẩm của tôi vẫn được đón nhận nhiều. Tết vừa rồi, tôi có ba vở cháy vé mãi đến bây giờ. Ðó là 29, anh về viết chung với Hoàng Thái Thanh và Tía ơi, má dìa cùng Tôi là ai cho sân khấu IDECAF. Kể luôn Hãy khóc đi em của sân khấu Hoàng Thái Thanh nữa là bốn.

Bạn tôi ở nước ngoài về phải mua vé chợ đen mới xem được. Với thói quen xem kịch tết để cười vui là chính, không dễ đưa vào vở có những đoạn lay động lòng người.

Theo bạn tôi kể, nhiều khán giả ra đến chỗ giữ xe còn khóc. Tôi biết chắc rằng tôi đã giúp được các sân khấu tôi cộng tác có doanh thu cao. Nếu có cá nhân nào có thu nhập thấp thì chỉ là việc riêng của cá nhân tôi thôi.

Hải Nguyệt là một trong những phim của nhà nước có doanh thu cao trên toàn quốc. Ký sự Người đàn bà bị chồng bỏ nằm ở danh sách “top ten best seller” tại Việt Nam một tháng liền. Bạn tôi phải mua bản in lậu.

Tiền thu được từ sách tôi luôn dùng để làm từ thiện nên bạn bè tôi ủng hộ rất đông. Riêng cuốn Pearl of the Far East, ca sĩ Hà Phương đã mua khoảng 700 cuốn, tôi mua lại 500 cuốn, vài khán giả ái mộ mua mỗi người 50 cuốn...

Chúng tôi dùng tiền thù lao và tiền bán sách nầy giúp các em gái nhỏ bị xâm phạm tình dục và mua nón bảo hiểm tặng một số trẻ em ở các trường.

Phương Nam Book dùng cuốn này như người lính tiên phong trong việc giới thiệu sách Việt Nam với thế giới tại hội chợ sách quốc tế ở Franfurt (Ðức) vào tháng 10 năm nay.

Khó tìm được chút thời gian rảnh trong mỗi lần chị về Việt Nam. Dù sống ở đâu thì chị cũng hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Năng lượng ở đâu mà chị có để nạp vào liên tục như vậy?

Có vẻ mâu thuẫn nhưng năng lượng đó nạp từ hai nguồn chính: Những kẻ yêu mình và những kẻ ghét mình. Có lẽ luôn có lý do nào đó để ông trời sắp đặt chuyện này như thế này, chuyện nọ như thế kia.

Chị không lập gia đình sớm, không bị vướng bận bởi những đứa con, dường như số mệnh của chị sinh ra là để đi, rồi viết, rồi diễn. Không ai có thể hình dung ra một Nguyễn Thị Minh Ngọc ngoan hiền, yên ấm theo kiểu hết giờ làm về sum họp với chồng và những đứa con.

Với má tôi, tôi là đứa con có hiếu. Với anh chị em, tôi là người chị em thảo hiền. Với chồng tôi, tôi là người vợ biết nấu ăn tuy không xuất sắc nhưng vẫn khiến chồng tôi thích ăn cơm nhà hơn cơm tiệm.

Với bạn bè, gần như tôi chưa biết lắc đầu khi có ai nhờ tới. Với ba người con riêng của chồng tôi, tôi là một bà dì ghẻ tử tế. Với những đứa cháu mà tôi nhận làm con nuôi, tôi cũng chưa làm các con thất vọng. Giữ được điều này cho đến lúc xong đời, với tôi là hạnh phúc lắm rồi.

Nghe chị kể về mình với một tính cách thích xê dịch thì có thể hiểu rằng không thể có một Nguyễn Thị Minh Ngọc với một cuộc đời bình lặng được, phải không chị?

Cũng vì hoàn cảnh tôi mới phải bị xê dịch. Xưa, gia đình tôi bắt buộc phải di chuyển qua các nơi như Bà Rá, Tân Uyên, Long Xuyên, Rạch Giá, Bà Rịa, Pleiku, Phan Thiết, Huế, Sài Gòn, Bình Tuy.

Sau 1975, tôi đi nhiều vì nghề nghiệp và nhờ độc thân lâu. Hiện tại, ông xã tôi vừa nghỉ hưu, công việc chánh của chúng tôi là lái xe đi khắp Bắc Mỹ thăm thân nhân và bạn bè. Ba người con của ông xã một ở New York, một ở Trung Quốc và một ở Việt Nam.

Có thể trong một tương lai gần, tôi sẽ về Việt Nam phụ một tay vào việc sản xuất phim với con chồng tôi là Roland Nguyễn Văn Nhân. Kịch bản mang tên Quảng Nôm Hảo Hớn trộn giữa xưa và nay.

Ngoài việc mẹ tôi là người gốc Quảng Nam, tôi còn thích kịch bản này vì khả năng doanh thu cao của một phim đề cao sử Việt cùng khả năng gây niềm yêu mê một nền điện ảnh thuần Việt cho giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguyễn Thị Minh Ngọc – dì ghẻ tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO