Phải nói là vợ chồng đi lên từ tay trắng, nếm đủ “bài“ của thương trường, không tránh khỏi đôi khi phải khôn, biết lách và... gian, phải đưa tiền cho công việc chạy - lẽ thường của tình trạng kinh doanh mà ai cũng hiểu. Con nhà giàu phải về để tiếp tục sản nghiệp của bố mẹ. Một đống của cải đó ai lo?
Con về sau khi được học lý thuyết quản trị hiện đại, giờ tiếp quản công ty của cha mẹ. Đầu tiên các anh, các chị... đuổi ngay một loạt nhân viên cũ.
Lý lẽ là những lao động giản đơn này đầy đường, lấy lúc nào chả được. Đám mới vào vừa trẻ khỏe, phải ra sức chứng minh mình giỏi nên cố gắng hết sức cho đẹp lòng chủ, mà lương lại thấp. Bài toán so sánh lợi ích rõ rành rành!
Thế mà cha mẹ, nhất là mẹ lại nhảy lên đông đổng. Nào là chú X theo nhà mình từ thời lập nghiệp, cô Y nhà hoàn cảnh khó khăn con đau yếu. Đấy là chưa kể cô M. kế toán tuy trình độ chuyên môn yếu nhưng trung thành nhất trí với các biến báo khi có đoàn kiểm tra. Xứ ta phải thế đó con ơi.
Con bảo, ba mẹ kinh doanh hay làm từ thiện? Cái gì ra cái ấy. Thế là cãi nhau. Chả biết ai đúng.
Rồi còn nhiều chuyện. Có ai hỏi thăm mẹ, nghe nói con đi Mỹ về làm ăn tiếp quản công ty phát triển lớn lắm rồi phải không, thì mẹ thở dài, chả biết sập tiệm lúc nào. Nợ lớn lắm, vì vay nhiều để đầu tư lớn, mà quản lý kiểu Tây Tàu gì, không biết có lãi nổi xu nào không.
Bà con góp ý, cứ để nó làm đã, đừng cản mũi kỳ đà, một ga ba phanh, làm khó nó. Ai làm ăn mà chả nợ. Nước Mỹ còn nợ đìa chị ơi.
Nghe thế, một bà liền kể ngay chuyện nhà mình: Nghe chúng nó lý thuyết vừa thôi. Con Ly nhà tôi kìa, ở nhà đanh đá đáo để cãi văng hết cả. Bố nó chiều con, nghe theo nguyện vọng nó xin vốn tập kinh doanh nhỏ mở hàng quán. Đầu tư bài bản lắm. Nào bàn ghế xịn, pano to tướng, nào là thương hiệu với chả định vị, nói giỏi lắm. Giờ thấy một đống đồ nghề sang chảnh nhét đầy trên sân thượng cho chuột nó chạy. Lỗ vốn chổng vó, lặng lẽ dẹp tiệm, mất toi gần trăm triệu. Bố nó còn suỵt, bà không được kêu, coi như bài học cho con nó trải nghiệm kinh doanh. Còn đọc thơ nữa: Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần.
Đã nói ngay từ đầu rồi không nghe, chỗ ấy không phải địa điểm ăn uống, mà kinh doanh đồ ăn cái quan trọng nhất là món ngon độc chiêu, chả cần sang chảnh. Thiếu gì quán xập xệ mấy cái xuyệc mà ngon là khách vẫn tới hà!
Thế mới biết muôn kiểu... mâu thuẫn khi thế hệ sau nối nghiệp kinh doanh.
Thế nên người ta nói, văn hóa gia đình quyết định việc bớt mâu thuẫn: Kính trên nhường dưới. Phải phát triển hài hòa giữa kinh nghiệm và xây dựng tổ chức bền vững quan trọng hơn là chỉ kế thừa thành viên. Hai nền tảng quan trọng để quản trị doanh nghiệp gia đình, đó là văn hóa công ty và thiết chế quản trị doanh nghiệp.
Khó vậy nên thế giới có con số: chỉ 30% doanh nghiệp gia đình tồn tại được đến thế hệ thứ hai, sang thế hệ thứ ba chỉ còn 12%, tiếp thế hệ thứ tư trở đi chỉ còn 3%.