Các thùng đựng hàng hóa vương vãi trên vỉa hè New York. Ảnh: BBC |
Khối lượng bưu kiện toàn cầu đã tăng gần 50% trong giai đoạn 2014 - 2016, theo ước tính của Pitney Bowes. Đến năm 2022, khối lượng này sẽ tăng 17 - 28% hàng năm. Tốc độ phát triển của ngành chuyển phát nhanh đang gia tăng sức ép lên tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm đô thị tại các thành phố lớn trên toàn cầu.
Đô thị ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn
Thomas Chu là tài xế xe tải của hãng chuyển phát nhanh UPS tại New York, Mỹ. Trung bình mỗi giờ, ông phải giao hàng ở 16 điểm khác nhau để đáp ứng nhu cầu nhận hàng tức thì của khách hàng mua sắm trực tuyến. Chia sẻ với BBC, ông Chu cho biết thành tựu lớn nhất trong ngày của ông chính là giành được một chỗ đỗ xe vào lúc 10 giờ sáng tại khu vực Manhattan.
Theo tìm hiểu của BBC, trung bình mỗi tài xế xe tải tại Manhattan có thể phải đánh xe vòng quanh bãi đỗ khoảng 60 phút để tìm được chỗ đỗ. Đôi lúc, các tài xế buộc phải bỏ cuộc chờ đợi và chấp nhận bị phạt vì đỗ xe không đúng nơi quy định.
Tại một số đô thị lớn của châu Âu và châu Á, chính quyền đã bắt đầu thực hiện các biện pháp xử lý vấn đề giao thông và ô nhiễm như cấm xe tải chạy vào nội thành trong những khung giờ nhất định, xây dựng các nhà kho để đơn vị phân phối cất giữ hàng hóa, đầu tư hàng triệu USD để hỗ trợ các công ty chuyển phát sử dụng phương tiện vận chuyển yên tĩnh và thân thiện hơn với môi trường.
Link bài viết
Chính quyền tại các thành phố lớn của Mỹ cũng bắt đầu thảo luận về biện pháp xử lý tình trạng gia tăng của những phương tiện giao hàng cho dịch vụ mua sắm trực tuyến, theo Giáo sư Anne Goodchild - Giám đốc Trung tâm Logistics và Chuỗi Cung ứng Vận tải tại Đại học Washington.
Mảng kinh doanh trực tuyến tại Mỹ hiện chiếm 10% tổng doanh thu của ngành bán lẻ. Con số này thấp hơn mức 15% của ngành bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc, 17% tại Anh và 18% tại Hàn Quốc. Song, các chuyên gia tài chính nhận định thị trường bán lẻ trực tuyến của Mỹ sẽ tăng tỷ trọng doanh số lên 16% trong năm 2018.
Thương mại điện tử phát triển thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào hệ thống giao hàng tận nơi nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hàng tỷ USD đã được các công ty lớn như Amazon đầu tư xây dựng cho cơ sở vật chất mới, dùng máy bay để vận chuyển hàng hóa, tăng giờ làm việc cuối tuần của nhân viên cũng như áp dụng công nghệ cao vào quy trình giao hàng.
Đặt hy vọng vào cách mạng công nghiệp 4.0
Vào mùa thu năm 2017, trước sự gia tăng của tình trạng tắc nghẽn, Thị trưởng New York Bill de Blasio tuyên bố thử nghiệm quy định cấm dịch vụ chuyển phát nhanh hoạt động trong các khung giờ cao điểm tại những con đường đông đúc nhất thành phố. Theo BBC, Sở Giao thông của New York muốn 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát hàng hóa chuyển sang hoạt động vào khung giờ thấp điểm. Hiện đã có 400 doanh nghiệp đồng ý tham gia kế hoạch này.
"Thử thách thực sự của chúng tôi là tìm ra cách để vận hành hệ thống giao thông được hiệu quả hơn", Diniece Peters, nhân viên của Sở Giao thông New York cho biết. Trong khi đó, các thành phố tại châu Âu cũng đang nỗ lực tìm ra nhiều cách khác nhau để xử lý tình trạng kẹt xe đô thị. Cụ thể, Paris đã tài trợ để xây dựng các trạm trung chuyển logistics nội thành. Trong khi đó, một trong những nhà điều hành xe bus tại London đang thử nghiệm dùng xe bus để vận chuyển hàng hóa.
Link bài viết
Trong khi chính quyền nỗ lực ngăn chặn tình trạng dòng xe chuyển phát nhanh hoạt động ở nội thành vào khung giờ cao điểm thì các doanh nghiệp lại tiếp cận vấn đề theo hướng cắt giảm các đơn hàng thất bại. Cụ thể, Amazon gần đây đã bắt đầu bán các ổ khóa thông minh, cho phép người giao hàng có thể mang các kiện hàng vào tận nhà của người đặt, nhằm giảm thiểu tỷ lệ các đơn hàng chuyển đi không có người nhận.
Những đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực phương tiện giao thông tự lái, robot... đang đem lại kỳ vọng công nghệ sẽ giúp giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Thực tế, lãnh đạo thành phố New York đang phát triển các giải pháp xử lý tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm đô thị theo viễn cảnh các công ty sẽ sử dụng robot để chuyển phát những đơn hàng tại nhà, các máy bay trực thăng không người lái được điều khiển từ xa để giao hàng trên không, và những chiếc xe hơi điện tự lái không phát ra tiếng động để giao hàng vào ban đêm.
Liệu những ưu việt của công nghệ mới có giúp các thành phố xử lý tình trạng giao thông tắc nghẽn và ô nhiễm đô thị như hiện tại không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.