3 nhiệm vụ, 7 giải pháp để phát triển ngành logistics
Tham dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 diễn ra vào sáng ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 3 mục tiêu và 7 giải pháp lớn mang tính đột phá để phát triển ngành logistics Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số kết quả, thành tựu phát triển ngành logistics Việt Nam thời gian qua.
Cụ thể, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách đang tiếp tục được hoàn thiện. Đáng chú ý, hạ tầng logistics phát triển nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, thúc đẩy cơ cấu hợp lý, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, giảm chi phí. Trong đó, hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá, hệ thống đường cao tốc đã đạt trên 2.000 km. Việt Nam cũng đang quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối đường sắt với Lào, Trung Quốc.
Hệ thống sân bay phát triển tương đối tốt. Năng lực đường thủy nội địa được nâng cao với 298 cảng nội địa; hình thành các cảng biển cửa ngõ, bến chuyên dùng gắn với khu công nghiệp trung tâm công nghiệp (có 286 bến cảng, 95 km cầu cảng, 25 tuyến quốc tế…); hoàn thiện khu xử lý hàng hóa riêng biệt tại các cảng hàng không; đẩy mạnh đầu tư các trung tâm logistics (hiện có 69 trung tâm lớn và vừa), chuyển mạnh sang trung tâm thế hệ mới ứng dụng công nghệ 4.0…
Mặt khác, số doanh nghiệp logistics tiếp tục gia tăng, khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Năm 2023, có 7.919 doanh nghiệp logistics thành lập mới, Việt Nam đứng đầu ASEAN về số doanh nghiệp được cấp phép vận chuyển đường biển đi và đến Mỹ.
Cùng với đó, phát triển logistics có xu hướng tích cực hơn, phát huy đa dạng các phương thức vận tải, giảm dần phụ thuộc vào vận tải bằng đường bộ. Phát triển nhân lực logistics được đẩy mạnh; hiện nay đã tập trung phát triển 3 cấp độ đào tạo (đại học và trên đại học; cao đẳng, trung cấp; đào tạo ngắn hạn) và 49 trường đại học có ngành học logistics.
Nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về logistics của Việt Nam được cải thiện. Năm 2023, Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam xếp 43/139 (xếp hạng của WB), các chỉ số thành phần về hiệu quả vận chuyển quốc tế, hạ tầng và hiệu quả hải quan được cải thiện; Việt Nam đã được xếp hạng thuộc nhóm 5 thị trường dẫn đầu ASEAN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận thấy vẫn còn những hạn chế, tồn tại liên quan tới nhận thức về ngành logistics và tiềm năng, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, với xu thế hội nhập, thương mại quốc tế sẽ ngày càng phát triển; mặt khác thế giới phải đối mặt nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được.
Trong bối cảnh đó, dịch vụ logistics càng có vai trò quan trọng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển của đất nước và hội nhập, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; trên tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp", "sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển".
Trên cơ sở đó, Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu phát triển ngành logistics, góp phần phục vụ mục tiêu lớn phát triển đất nước.
Đầu tiên, giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025, nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%.
Tiếp theo là nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%.
Cuối cùng là nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.
Thủ tướng nêu 7 giải pháp phát triển ngành logistics cũng đồng thời là 7 đột phá để thực hiện 3 mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới.
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới.
Thứ hai, tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm, với quan điểm "thể chế là nút thắt của nút thắt", là "đột phá của đột phá".
Thứ ba, xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.
Thứ tư, xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.
Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Thứ bảy, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ khẩn trương tập trung xây dựng quốc gia thương mại tự do. Qua đó, hoàn thiện chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và xây dựng các khu thương mại tự do quốc tế.
Tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN.
Trong 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 6.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 36.550 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 28.900 lao động, tăng 13,5% về số doanh nghiệp, tăng 18,3% về số lao động, nhưng lại giảm 11,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.