Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, ngành logistics Việt Nam cũng đang chuyển mình mạnh mẽ, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội tăng trưởng xanh và bền vững.
Tiềm năng tăng trưởng lớn
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành logistics.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam lọt vào top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, xếp thứ 4 về tiêu chí cơ hội logistics quốc tế. Đáng chú ý, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) khai mạc ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, Việt Nam vẫn đang là thị trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến mở rộng kinh doanh và đa dạng hóa chuỗi sản xuất, cung ứng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển bền vững, logistics mang lại lợi ích kép về môi trường và kinh tế cho các doanh nghiệp (DN), đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng và chính sách quốc gia về bảo vệ môi trường.
Ông Edwin Chee - Giám đốc vận hành SLP Việt Nam nhận định rằng, ngành logistics Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhờ lợi thế về vị trí địa lý và sự phát triển năng động của nền kinh tế. Nhu cầu về dịch vụ logistics tại Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất và xuất nhập khẩu. Không chỉ các DN trong nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh đầu tư và mở rộng hoạt động logistics tại Việt Nam.
Hướng tới logistics xanh
Song song với đà tăng trưởng nhanh chóng, ngành logistics Việt Nam cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển xanh và bền vững. Ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khẳng định, logistics xanh không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc và là tiêu chí quan trọng để các DN logistics đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện, logistics xanh đang là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN như giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Đây cũng là cách để DN logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá tham vọng phát triển logistics xanh, vấn đề then chốt là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng "xanh". Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: "Đào tạo kỹ năng xanh cho nhân lực logistics là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) ngày càng khắt khe. Việc này không chỉ giúp DN tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động”.
Theo ông Hải, nhân lực logistics cần được đào tạo bài bản các kiến thức và kỹ năng về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường. Điều này giúp DN vừa đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, vừa cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động.
Theo ông Nguyễn Thắng Lợi - Trưởng ban Nghiên cứu và Tư vấn tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cần xác định rõ nhu cầu về các kỹ năng xanh cần trang bị cho người lao động, đảm bảo phù hợp với chiến lược, mô hình và định hướng phát triển của DN.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo về văn hóa và tư duy "xanh hóa" cho đội ngũ nhân lực logistics. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa DN với các trường đại học, hiệp hội ngành nghề và tổ chức quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo tích hợp các kỹ năng xanh, đồng thời chú trọng việc áp dụng các phương pháp và tiêu chuẩn đào tạo tiên tiến của quốc tế.
Cũng theo ông Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM, việc thay đổi nhận thức và nâng cao kiến thức về ESG cho cả người lao động và nhà quản lý DN logistics là rất quan trọng. Cần có những tiêu chuẩn và quy định cụ thể về kỹ năng xanh cũng như cơ chế đãi ngộ, khuyến khích người lao động không ngừng học hỏi và áp dụng các kiến thức, kỹ năng này vào thực tiễn công việc.
Giải pháp hiện nay là tận dụng sức mạnh của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain để hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực xanh, cụ thể là xây dựng các chương trình đào tạo tương tác, mô phỏng các tình huống thực tế, giúp người học dễ dàng tiếp cận và làm quen với các kỹ năng xanh. Dùng blockchain để lưu trữ và quản lý dữ liệu đào tạo , đồng thời tạo điều kiện cho việc cấp chứng chỉ và công nhận kỹ năng xanh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.