Chính sách mới

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sắp được thụ hưởng loạt ưu đãi chưa từng có

Văn Sơn 08/07/2025 10:30

Kể từ ngày 1/1/2026, khi Luật Công nghiệp Công nghệ số chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam sẽ được thụ hưởng loạt chính sách ưu đãi mang tính đột phá.

Tại buổi họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào chiều ngày 7/7, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết các doanh nghiệp công nghệ số sẽ được thụ hưởng hàng loạt ưu đãi vượt trội chưa từng có trong tiền lệ.

Những chính sách này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc phát triển công nghiệp công nghệ số mà còn tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, ổn định và cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo quy định của Luật, các doanh nghiệp chỉ cần tham gia sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ số sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 2 năm đầu tiên và được giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo.

z6780576341490-ef1c3765f178ebf96.png
Ông Nguyễn khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin chỉ ra những điểm đột phá của Luật Công nghiệp công nghệ số

Đồng thời, các doanh nghiệp này còn được miễn tiền thuê đất trong 3 năm, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh ngay từ giai đoạn khởi đầu.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ ưu tiên như sản phẩm công nghệ số trọng điểm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán hiệu năng cao (HPC) hoặc triển khai dự án tại các khu công nghệ số tập trung, sẽ được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời gian lên tới 15 năm.

Trong đó, 4 năm đầu doanh nghiệp được miễn thuế hoàn toàn và tiếp tục được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Về chi phí thuê đất, các dự án này sẽ được miễn trong vòng 11 năm, và có thể kéo dài đến 15 năm nếu đặt tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, đối với các dự án quy mô lớn với tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thuộc các lĩnh vực công nghệ lõi kể trên, nhà đầu tư sẽ được thụ hưởng cơ chế ưu đãi tương đương với dự án có quy mô lên đến 30.000 tỷ đồng.

Cụ thể, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi chỉ 5% và được áp dụng liên tục trong 37 năm, một con số kỷ lục trong các chính sách ưu đãi hiện hành.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế trong 6 năm đầu và giảm 50% trong 13 năm tiếp theo.

Về chi phí thuê đất và mặt nước, dự án sẽ được miễn hoàn toàn trong vòng 22 năm, và được giảm 75% chi phí cho thời gian còn lại. Đây là các cơ chế ưu đãi mang tính chiến lược, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ số then chốt, có tác động lan tỏa và giá trị gia tăng cao.

Song song với các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp, Nhà nước cũng đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ số.

Sinh viên theo học các ngành nghề thuộc lĩnh vực này sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như ưu đãi tín dụng, mức lãi suất vay học tập phù hợp, học bổng học thuật, trợ cấp xã hội và miễn giảm học phí.

Đồng thời, Nhà nước cũng hỗ trợ chi phí đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ số chất lượng cao, góp phần xây dựng lực lượng lao động tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo công nghệ số, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động đào tạo sinh viên hoặc phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Một điểm nổi bật của Luật là quy định cơ chế đặc biệt để thu hút nhân lực công nghệ chất lượng cao, cả trong nước và quốc tế.

Theo đó, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số, nếu đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn và năng lực, sẽ được cấp thẻ tạm trú có thời hạn lên đến 5 năm (so với mức 2 năm hiện nay). Vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi đi cùng cũng sẽ được cấp thẻ tạm trú với thời hạn tương đương, đồng thời được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm, học tập tại các cơ sở giáo dục - đào tạo trong nước.

Đặc biệt, nhân sự công nghệ cao sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu tiên làm việc tại Việt Nam.

Đối với công dân Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp, nếu đáp ứng tiêu chí nhân lực chất lượng cao, sẽ được tiếp nhận vào làm công chức, viên chức mà không phải qua kỳ thi hay xét tuyển như quy trình thông thường. Họ cũng có thể được xem xét bổ nhiệm vào các vị trí quản lý mà không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về thời gian công tác.

Nhà nước cam kết áp dụng chính sách tiền lương, thưởng với mức cạnh tranh tương đương thị trường quốc tế. Đồng thời, sẽ hỗ trợ về không gian sống, phương tiện làm việc và các điều kiện sinh hoạt phù hợp nhằm giữ chân và phát triển nguồn nhân lực tinh hoa trong ngành công nghệ số.

Bên cạnh đó, Luật cũng cho phép linh hoạt điều động nhân lực giữa khu vực công và tư. Nhân lực công nghệ chất lượng cao tại doanh nghiệp có thể được tiếp nhận làm việc có thời hạn tại các cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, nếu có sự đồng thuận của các bên liên quan.

Ngược lại, công chức, viên chức cũng có thể tham gia làm việc tạm thời tại các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực công nghệ số theo cơ chế tương tự.

Luật Công nghiệp Công nghệ số được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc đồng bộ hóa các chính sách ưu đãi tài chính, thuế, đất đai, nhân lực và đầu tư hạ tầng đào tạo là nền tảng quan trọng để xây dựng hệ sinh thái công nghệ số quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu và từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số của khu vực Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sắp được thụ hưởng loạt ưu đãi chưa từng có
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO