Hạ tầng logistics thích ứng yêu cầu xanh hóa
Hiện nay, thách thức lớn với doanh nghiệp khi phát triển hạ tầng logistics là không những phải hoàn thiện, đồng bộ, mà còn phải thích ứng với yêu cầu “xanh”...
Yếu tố hạ tầng là một mắt xích quan trọng trong phát triển hệ thống logistics. Hạ tầng không những giúp cải thiện khả năng vận chuyển, tối ưu hóa công sức và chi phí cho lưu trữ và quản lý hàng hoá, giảm chi phí logistics, mà còn giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng kết nối và hợp tác, đảm bảo tính bền vững và giảm thiểu tác động tới môi trường. Từ đó, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của toàn Thành phố, trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hoá “nhộn nhịp” thời gian gần đây.
Xu hướng cải thiện hạ tầng nhằm thích ứng với logistics xanh cũng có nhiều tín hiệu tích cực như việc Tân Cảng Sài Gòn đã xây dựng một cảng xanh hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, trong đó, Tân Cảng - Cát Lái tại TP.HCM là cảng đầu tiên đạt danh hiệu Cảng Xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng tại các quốc gia thuộc APEC. Phần lớn lượng hàng hóa vận chuyển giữa Tân Cảng Sài Gòn thực hiện bằng sà lan thay vì xe tải. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đã hưởng ứng xu hướng này như mô hình "Bưu điện lưu động" cắt giảm quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Một số doanh nghiệp triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời, đèn LED tiết kiệm điện cho hệ thống kho bãi…
Ngoài một số điểm sáng, việc đầu tư hạ tầng hướng tới logistics xanh hiện vẫn gặp khá nhiều khó khăn, bởi một số rào cản lớn như chi phí đầu tư cao, thủ tục hành chính phức tạp, TP.HCM còn phụ thuộc vào các tuyến đường biển quốc tế, thiếu sự đồng bộ và liên kết, phát triển trong vùng. Ngoài ra, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu xanh hóa logistics cũng là một vấn đề lớn.
Logistics là xương sống của thương mại trong bối cảnh TP.HCM là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Nguyễn Thắng Lợi - Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam đề xuất, các doanh nghiệp logistics cần tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng kho bãi và vận chuyển thông qua việc chuyên môn hóa các công đoạn, đầu tư vào hệ thống nhà kho hiện đại, đáp ứng yêu cầu lưu trữ kết hợp với đóng gói hàng hóa thông minh và công nghệ bảo quản tiên tiến.
Có quan điểm tương tự, TS. Nguyễn Tiến Minh - Chuyên gia về logistics khuyến nghị, các doanh nghiệp logistics khi thiết kế, xây dựng và phát triển hạ tầng cần nghĩ đến việc xanh hóa hoạt động kho bãi bằng cách thiết kế đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa như duy trì độ ẩm tốt, chống ăn mòn, chống thấm, chống biến dạng, chống bay hơi, không bị rò rỉ… bên cạnh đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Doanh nghiệp cũng có thể nghĩ đến việc đầu tư vào phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid hoặc phương tiện sử dụng nhiên liệu sinh học để giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon từ quá trình vận chuyển.
Đồng thời, các doanh nghiệp logistics cần phát triển các giải pháp chuẩn hóa quy trình và hệ thống quản lý dữ liệu, tối ưu hóa hành trình và giảm quãng đường vận chuyển để tiết kiệm nhiên liệu. Các giải pháp công nghệ thông tin như IoT, Blockchain, và trí tuệ nhân tạo cũng cần được đầu tư mạnh mẽ để hỗ trợ quá trình này. “Đây cũng chính là giải pháp xanh hoá hệ thống thông tin. Bởi một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho… nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường”, ông Minh cho hay.
Từ phía Thành phố, ông Lợi đề xuất cân nhắc quy hoạch phát triển đồng bộ các trung tâm logistics (công nghiệp logistics, cụm logistics...), khu logistics (logistics park) theo mô hình logistics xanh và phát triển logistics đô thị giúp giải quyết bài toán kết nối các phương thức vận tải hiệu quả. Về mặt pháp lý, cần xây dựng hành lang quy định cho hoạt động logistics, trong đó việc nghiên cứu và ban hành Luật về logistics riêng cho Việt Nam là điều cần thiết để hướng tới phát triển bền vững. Thành phố cần xây dựng chiến lược liên kết vùng để phát triển logistics. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ngoài ra, Thành phố cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp logistics quốc tế, và tăng cường sự gắn kết giữa Thành phố, doanh nghiệp, và các tổ chức nghiên cứu trong các dự án phát triển logistics. Việc nâng cao nhận thức về logistics xanh trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua các chính sách tài chính ưu đãi, cùng với việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp vững mạnh, tiến tới xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp vững mạnh có khả năng vận hành các trung tâm logistics tiên tiến.
Câu chuyện đầu tư và phát triển hạ tầng cho logistics xanh cần sự phối hợp quyết liệt từ cả các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Trong đó, doanh nghiệp cần dành thời gian, đầu tư công sức nghiên cứu và ý chí quyết tâm chuyển đổi. Có như vậy, nỗ lực mới đem lại hiệu quả và hành trình xanh hóa ngành logistics mới nhanh đạt tới đích.