Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với con số hơn 9,1 tỷ USD. Trong tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 46,61 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng 9 trước đó. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 24,23 tỷ USD, tăng 3,7% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 22,37 tỷ USD, tăng 2,9%. Kết quả tháng 10/2019 đã nâng tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 lên 428,63 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2019 thặng dư với con số xuất siêu 1,86 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 10 tháng, cả nước xuất siêu 9,01 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả xuất siêu cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Dẫu vậy, theo PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, mục tiêu tăng trưởng 6,8% Quốc hội đề ra là khả thi, tuy nhiên quặng thô đóng góp nhiều vào tăng trưởng đã dẫn đến những quan ngại về phát triển bền vững. Ông Anh nhận định: “Nếu dựa vào khai khoáng, tăng trưởng kinh tế có thể giảm tới 0,4 hoặc 0,5% GDP”.
Cảnh báo của TS. Phạm Thế Anh là có cơ sở nếu nhìn vào những tính toán của Tổng cục Thống kê: Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 9,56% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,68% sau ba năm giảm liên tục do khai thác dầu thô có mức giảm thấp hơn cùng kỳ năm trước và khai thác than, quặng kim loại đều tăng cao, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Tại cuộc họp báo của Chính phủ ngày 2/10/2019 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, việc xuất khẩu khoáng sản thô (quặng sắt) của một số doanh nghiệp (DN) Lào Cai và Thái Nguyên là có thật. Ông Hải gọi đó là “giải pháp tình thế” giúp DN giải quyết quặng tồn kho, duy trì sản xuất và giữ việc làm cho người lao động.
Từ các câu chuyện thực tế trên về hoạt động xuất khẩu, cho thấy chúng ta luôn thận trọng trong công tác điều hành hoạt động xuất khẩu dù các chỉ số kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2019 đang tăng trưởng tốt. Bởi các yếu tố khách quan tác động đến hoạt động xuất khẩu luôn khó lường trước.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, khối FDI vẫn đóng vai trò chi phối và quyết định mức tăng trưởng khi chiếm tới 69% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo số liệu của Công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực này chỉ tăng 5% sau 9 tháng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khối FDI có tăng trưởng thấp. Như vậy, những dấu hiệu khó khăn về thị trường xuất khẩu trong năm 2019 có thể sẽ kéo sang cả năm 2020, làm ảnh hưởng chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7% của Việt Nam.
Việt Nam có thể đạt tăng trưởng xuất khẩu 7% trong năm 2020 với kỳ vọng tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, những lợi ích mà DN Việt Nam có thể có từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) vẫn chưa diễn ra. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu tiếp tục giảm tốc sẽ làm DN Việt Nam gặp khó, dù EU cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất vào khu vực này. Số liệu được cập nhật bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho thấy, tăng trưởng kinh tế của châu Âu đang ở mức tăng trưởng rất thấp trong ba năm trở lại đây.
Một điểm đáng ghi nhận là Việt Nam thực thi khá tốt các cam kết quốc tế, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng để hưởng lợi từ các hiệp định với EU lại là chuyện khác. Ông Lê Kỳ Anh - chuyên gia kinh tế của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, khuyến cáo, DN cần quan tâm hơn đến lợi ích có thể mang lại bằng cách tuân thủ những quy định khi đưa hàng hóa vào EU, như không vượt quy định về tồn dư kháng sinh trong các loại thủy sản; hay với đồ gỗ, các kiểu thiết kế phải an toàn cho người tiêu dùng.
Theo ông Lê Kỳ Anh, DN Việt Nam phải thực hiện các tiêu chuẩn bắt buộc nếu muốn bán được hàng cho người tiêu dùng EU. Tiêu chuẩn bắt buộc không chỉ là quy tắc xuất xứ, mà còn là vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì. Theo ông Anh, những tiêu chuẩn mang tính tự nguyện giúp DN bán hàng tốt hơn, với giá cao hơn, chẳng hạn, như chè hay cà phê organic. Muốn vậy, DN phải ưu tiên cho phát triển cộng đồng, sự công bằng cho lao động nữ, không sử dụng lao động trẻ em và quan tâm hơn đến môi trường.
Trải qua nhiều năm Việt Nam mới mở được cánh cửa vào thị trường EU, nhưng cách thức kinh doanh bài bản và bền vững thì vẫn cần học hỏi từ các DN FDI. Họ có bộ máy chuyên nghiệp nghiên cứu về sự tuân thủ các quy định, kinh nghiệm mở rộng mạng lưới khách hàng nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu.