Chuyên đề

Xây dựng văn hóa riêng trong không gian chung: Cần và đủ

Ý Nhi 25/07/2023 7:00

Xây dựng văn hóa riêng (văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân) trong không gian chung (không gian văn hóa Hồ Chí Minh) không còn là khẩu hiệu, mà là trách nhiệm và hành động ngay của doanh nhân TP.HCM.

Cần...

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ khóa XI (2020-2025) xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu, không chỉ là tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, mà qua đó sẽ làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, là việc phải tu dưỡng thường xuyên. Đây cũng chính là trách nhiệm lớn mà đội ngũ doanh nhân phải thực hiện song hành với trọng trách phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước và TP.HCM nói riêng.

Trong một quốc gia, doanh nhân không chỉ là đội ngũ nòng cốt đi đầu, dẫn dắt nền kinh tế mà còn có nhiệm vụ tiên phong, xây dựng nên một đất nước văn minh, có chất lượng sống cao, có văn hóa, giữ gìn được bản sắc dân tộc, giá trị truyền thống, nhân văn, giàu lòng nghĩa tình và nhân ái.

ko-gian-vh-hcm-sawaco.jpg

Hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã thể hiện bản lĩnh, sáng tạo, năng động trong cơ chế thị trường, vươn lên cạnh tranh thị trường trong khu vực và thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam diễn ra mới đây, đại diện lãnh đạo TP.HCM đã tán thành với ý kiến của một doanh nhân cho rằng, doanh nhân thành công là doanh nhân tạo ra nhiều giá trị tốt cho đất nước, cho xã hội và cho cộng đồng. Doanh nhân cần có tâm để đứng vững, không bị cám dỗ để rồi dễ phát sinh hành vi thiếu chuẩn mực; cần có tầm để luôn học hỏi, trau dồi tri thức lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; và có tấm lòng nhân ái với cộng đồng xã hội, biết chia sẻ khó khăn khi cần thiết. Đó là văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp mà qua thời gian chúng ta sẽ còn tiếp tục hoàn thiện thêm nữa.

Tuy nhiên, trong một thế giới kinh doanh rộng mở và thương trường nhiều cạnh tranh khốc liệt, có không ít cám dỗ, việc một doanh nghiệp, doanh nhân giữ được văn hóa, giá trị bản sắc rất riêng, trung thành với chữ tín và đạo đức kinh doanh là điều không phải ai cũng làm được.

Liên tiếp gần đây, nhiều doanh nghiệp bị khởi tố, nhiều lãnh đạo, cán bộ cấp cao, doanh nhân vướng vòng lao lý. Chỉ một phút mờ mắt ngã lòng, vì lợi nhuận và đồng tiền mà họ đã vi phạm, quên đi văn hóa, quên đi đạo đức kinh doanh, có người dù hơn nửa đời trong sạch, chỉ còn vài tháng về hưu cũng bị sa vào cám dỗ.

Điều đó cho thấy đã đến lúc “cần” phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, cần nghiêm túc và khẩn trương hơn nữa để xây dựng giá trị văn hóa, không chỉ mang bản sắc riêng của doanh nghiệp, doanh nhân mà còn phải bền vững, kiên định của đội ngũ lãnh đạo, doanh nhân TP.HCM. Vì thế, xây dựng văn hóa riêng của doanh nghiệp, doanh nhân chỉ có thể hiệu quả và phát huy giá trị nếu được xây dựng trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh - không gian văn hóa chung của TP.HCM, của mỗi doanh nghiệp.

...Và đủ

Lâu nay, xã hội thường hay tôn vinh những giá trị thành quả hơn là tinh thần mang giá trị đạo đức. Ví dụ, một doanh nhân làm ra khối tài sản lớn ra sao, làm được bao nhiêu sản phẩm, dự án sẽ được cộng đồng nhắc đến và xem như thần tượng. Tỷ lệ được cộng đồng ngợi ca, tôn vinh về giá trị vật chất thật luôn cao hơn và nhiều hơn những giá trị, nhân cách - vốn là nét văn hóa riêng (phi vật chất) của doanh nghiệp, doanh nhân.

Thực tế cho thấy, trong thương trường và đời sống kinh doanh nhiều cám dỗ và cạnh tranh, nơi nào có nhiều giá trị văn hóa, đạo đức được lan tỏa, vinh danh hơn thì nơi đó chắc chắn sẽ nhân văn hơn, con người sống đẹp hơn và sẽ có nhiều giá trị mới được khơi nguồn.

Đơn cử trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, đội ngũ doanh nhân TP.HCM đã phát huy giá trị văn hóa của mình thông qua nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng. Ví dụ như văn hóa của PNJ và người đứng đầu con tàu này là bà Cao Thị Ngọc Dung đã được thể hiện rất rõ và được cộng đồng tôn vinh thông qua việc khởi xướng, lan tỏa mô hình siêu thị 0 đồng cho người dân mùa dịch và rất ủng hộ việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM và trong mỗi doanh nghiệp. Bởi bà cho rằng, để xây dựng được giá trị văn hóa này, PNJ đã rất kiên trì với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhiều năm qua. Bản thân bà đã luôn lấy hình ảnh, tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam soi đường.

Bác dạy: “Phải trung với nước, tận tâm với dân”. Thấm nhuần lời dạy đó, mỗi lãnh đạo, nhân viên PNJ đã luôn tự phấn đấu, dấn thân. Hình ảnh những nhân viên PNJ cùng lăn xả vào công tác xã hội giữa mùa dịch bị “ngăn sông cấm chợ” để mang từng món thực phẩm thiết yếu đến cho người dân nghèo, là kết quả của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà đơn vị này luôn quan tâm, là minh chứng cho văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đã lấy tấm gương của Bác để hành động.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit cũng cho rằng, việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết trong thời điểm này - thời điểm mà chúng ta đang hội nhập với doanh nhân thế giới, văn hóa và đạo đức kinh doanh cũng cần chuẩn mực, minh bạch.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang nét đặc trưng của văn hóa doanh nhân TP.HCM cũng có nghĩa là giá trị bản sắc của doanh nhân thành phố phải được khắc họa, sắc nét hơn. Đó là tính sáng tạo, dám thử thách cái mới, nhân ái, nghĩa tình… Đặc biệt, người thành phố cũng nhân hậu, biết chia sẻ với cộng đồng. Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng doanh nhân TP.HCM cũng rất “hào phóng” và trách nhiệm khi vẫn chung tay đóng góp cho cộng đồng xã hội hàng nghìn tỷ đồng. Đó chính là tinh thần, bản sắc của doanh nhân cần được nhân rộng và lan tỏa trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, trong số những doanh nhân là “con sâu làm rầu nồi canh” thì cũng có rất, rất nhiều doanh nhân TP.HCM học tập và thấm nhuần đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” từ tấm gương của Bác Hồ kính yêu. Họ đã có những cách làm, cách điều hành doanh nghiệp hiệu quả mà tiết kiệm, hiệu quả mà vẫn đóng góp được cho xã hội, cộng đồng. Bản thân họ cũng tiết kiệm trong sinh hoạt, trong doanh nghiệp, giản dị trong phong cách sống và đã xây dựng giá trị văn hóa và nhân cách cho chính mình.

Một viên chức từng chia sẻ: “Để phát huy tinh thần “chí công vô tư” mà Bác đã dạy, tôi đã phải đấu tranh tự “quyết tâm” không nhận phong bì lót tay và rất vui khi doanh nghiệp đó đến nay đã thành công và đóng góp cho xã hội rất nhiều trong đợt dịch vừa qua”.

Theo các chuyên gia quản trị, văn hóa doanh nghiệp phải được xây dựng từ văn hóa cá nhân của người đứng đầu. Bởi người đứng đầu của tổ chức, doanh nghiệp được xem là người cầm đuốc đi đầu, mọi hình ảnh, phẩm giá, văn hóa của họ đều được xem là tấm gương, có sức ảnh hưởng rất lớn đến cả đội ngũ và văn hóa doanh nghiệp. Thế nhưng, vẫn còn nhiều doanh nhân, dù ở vị trí rất cao nhưng vẫn chưa xây dựng được văn hóa riêng. Họ vẫn xem nhẹ một vài thói quen tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến văn hóa rất lớn. Ví dụ, với một người nước ngoài, nguyên tắc làm việc “đúng giờ” là thước đo văn hóa của mỗi doanh nhân, nhưng vẫn còn nhiều doanh nhân chưa ý thức và chưa chịu thay đổi.

Hay tại nhiều sự kiện lớn tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, nhiều người cũng thường than rằng: “Có nhiều doanh nhân sau khi được xướng tên lên sân khấu nhận giải thưởng là ra về ngay, bỏ lại những đồng đội sau và cả hội trường trống hoác. Họ chẳng cần chia sẻ với đồng nghiệp, chẳng cần thấy giá trị chung mà chỉ thấy giá trị cho riêng mình”.

Vì thế, cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh để mỗi doanh nhân tự lấy đó soi mình, tu sửa mỗi ngày. Đây chính là một trong những điều kiện đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng văn hóa riêng trong không gian chung: Cần và đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO