Với tôi, hai tập sách Phép màu để trở thành chính mình, Phép màu để vượt lên chính mình của nữ doanh nhân Nhan Húc Quân là một thí dụ cho sự đồng cảm. Hai tập sách này tái bản nhiều lần và đã có cả phiên bản tiếng Hoa, tiếng Anh, đã xuất hiện trên kênh phân phối toàn cầu amazon.com và tháng 1 năm nay tác giả đã đầu tư chuyển thể 24 câu chuyện sang loại hình video book. Thiết nghĩ, đọc sách và trò chuyện với ai đó, chính cũng là lúc ta có thể tìm thấy từ nơi họ những kinh nghiệm, bản lĩnh lẫn triết lý sống.
Vậy, với nữ doanh nhân Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc New Toyo, Phó chủ tịch Hội đồng phát triển sách doanh nhân (Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) đã được chọn vào "Top 10 lãnh đạo nữ xuất sắc nhất năm 2014" do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư bình chọn. Vậy triết lý sống của nữ doanh nhân Nhan Húc Quân là gì?
Sở dĩ đặt ra câu hỏi này, vì tôi luôn nghĩ sự thành công của người này bao giờ cũng là cảm hứng để mình hướng tới, bởi thế, mới có câu nói cực kỳ tích cực "Bạn làm được, tôi cũng làm được". Tin như thế, để tự ý thức rằng, không hề có cánh cửa nào khép với một ai, nếu ta biết khơi dậy động lực, niềm vui sống từ chính mình và từ bài học cùa những người khác nữa.
Từ giá trị cũ vẫn còn thời sự...
Vốn không rành rẽ về kinh doanh, do đó khi nhìn về doanh nhân, nhiều người, trong đó có tôi, thường nghĩ rằng, trong thời đại này, triết lý kinh doanh đã khác trước, đã có thêm nhiều yếu tố mới mà không phải bất kỳ ai cũng nắm bắt được. Các yếu tố mới mẻ này có thể là phép ứng xử trong quan hệ đối tác, trong buôn bán, mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, cân đối dòng tiền... Tìm hiểu những vấn đề này, quả thật không dễ.
Thú thật, ban đầu tôi đã nghĩ thế, và có lẽ nhiều người vẫn nghĩ thế. Nhưng rồi, sau khi đọc những gì doanh nhân Nhan Húc Quân đã chia sẻ, tôi nhận ra rằng, cho đến nay, có những triết lý kinh doanh vẫn không hề thay đổi, có nghĩa là sự xác lập nềntảng của thành công trên thương trường không hề thay đổi.
Xin nêu thí dụ, từ đầu thế kỷ XX, khi nước nhà chưa hình thành lớp doanh nhân, chỉ mới manh nha hạng người ý thức làm giàu từ buôn bán, tức là ở nước Nam ta mọi người vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm về lãnh vực này thì bậc ái quốc Lương Văn Can đã nhấn mạnh về chữ "tín".
Chữ "tín", thời này đã khác chăng?
Không khác. Vẫn là "tín" nhưng nó còn bổ sung thêm những yếu tố khác nữa. Nữ doanh nhân Nhan Húc Quân cho rằng, mục tiêu cuối cùng của "tín" không ngoài tạo ra sự tin cậy lẫn nhau, giữa mình với đồng nghiệp, với những người đi theo mình, giữa mình với đối tác cũng là nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng là tạo ta "chất keo" gắn kết. Theo chị, cần có ba yếu tố: "Tự giác: Luôn làm chủ bản thân để hoàn thành tốt công việc được giao. Ý thức sâu sắc trong sự thành công của mình luôn có và cần sự giúp đỡ của người khác. Tự nguyện: Sẵn sàng dấn thân để tạo ra những giá trị mới từ sự tiết kiệm và cách tân. Tự thân vận động thúc đẩy sự hòa hợp: Luôn điềm tĩnh, nhường nhịn, thấu hiểu và thể hiện sự cảm thông.
Thì ra, "tín" ở đây không chỉ mình khắc nhớ với người khác mà còn là "tín" với chính mình nữa. Lại hiểu thêm rằng, khi đề cập đến vấn đề này, ta lại nhớ về lời dạy của Lương Văn Can: "Bí quyết thành công đối với nhà doanh nhân là ở sự trung thực. Xét kỹ ra người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy".
Khi nghĩ về doanh nhân, không ít người cho rằng do có quá nhiều tiền nên họ có quyền tiêu pha. Có phải hễ giàu có, thành đạt thì có quyền "ném tiền qua cửa sổ”? Điều này có thể chấp nhận được không? Xin không bàn đến. Tôi chỉ biết rằng, ông bà ta đã dạy từ ngàn xưa: "Tiết kiệm sẵn có đồng tiền/ Phong khi túng lỡ không phiền lụy ai", hoặc "Năng nhặt chặt bị”, hoặc "Kiến tha lâu đầy tổ”, hoặc "Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng"... Những lời răn ấy toát lên ý nghĩa sâu sắc vẫn là sự tiết kiệm.
Trao đổi về ý nghĩa này, doanh nhân Nhan Húc Quân cho biết, chị rất tâm đắc những câu ca dao, tục ngữ trên và bổ sung thêm một tục ngữ Anh: "Chúng ta không thể thay đổi hướng gió nhưng có thể điều khiển cánh buồm". Vậy, giữa lúc doanh nghiệp toàn cầu gặp khó khăn, như kinh tế ảm đạm do đại dịch Covid-19 hiện nay chẳng hạn, thì tiết kiệm như thế nào?
Theo chị, đó là, Reduce - Cắt giảm: Cắt giảm tiêu hao năng lượng không mang lại lợi ích kinh tế, chi phí, nhiên liệu, phế phẩm, hóa chất có hại cho sức khỏe, thao tác làm việc chưa đúng chuẩn. Reuse - Tái sử dụng: Tái sử dụng phế phẩm từ bán thành phẩm thông qua việc đầu tư trang thiết bị và công cụ tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng. Recycle - Tái chế: Phân loại rác thải sinh hoạt để tái chế.
Ý nghĩa của sự tiết kiệm không thay đổi, ở đây đã mở rộng ra với việc làm cụ thể. Một khi cùng ý thức tiết kiệm, chính là đã làm theo lời nhắn nhủ tâm huyết của Lương Văn Can đã chỉ ra: "Cái nguyên nhân lớn, quốc dân sở dĩ suy yếu là tự xa xỉ mà đến; phàm cái gì cũng phải liệu số thu vào rồi hẵng tiêu ra; chớ có tranh thể diện hão mà thành hư phí đi mất nhiều".
Vâng, tiết kiệm là đúng nhưng vẫn chưa đủ. Doanh nhân Nhan Húc Quân còn nhấn mạnh, phải tự chủ, chủ động nữa: "Sự tự chủ trong công việc lẫn trong cuộc sống đồng nghĩa với khả năng tự chủ về mặt tài chính. Muốn phát huy khả năng tự chủ của bản thân, mỗi chúng ta phải biết cách đặt ra mục tiêu, lập kế hoạch triển khai các mục tiêu thật cụ thể, đi kèm những phương án đề phòng rủi ro, quản lý thời gian, và điều không kém phần quan trọng đó là không ngừng tự học hỏi để củng cố kiến thức về quản lý tài chính làm nền tàng vững chắc cho những quyết định đầu tư, có kỷ luật bản thân và thúc đẩy mình sống và làm việc tuân theo những quy luật, chuẩn mực nhất định. Có như vậy mới tránh rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".
... Đến cải tiến, bổ sung giá trị mới
Giới doanh nhân không phải là hạng người hoài cổ, nệ cổ. Bản lĩnh tồn tại và thành công của họ ngoài tiếp thu vốn cũ còn là tiên phong đón nhận cái mới. Tất nhiên rồi, ông bà ta bảo "ăn theo thuở ở theo thời". Thương trường trong thời đại thế giới phẳng đã mở ra nhiều xu thế mới, hướng đi mới buộc doanh nhân phải kịp thời nắm bắt, nếu không muốn làm người đi sau, tụt hậu. Phải thay đổi.
Hầu như ai cũng nhớ đến câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", doanh nhân Nhan Húc Quân bổ sung thêm "Tốt gỗ còn phải tốt nước sơn". Tức là không chỉ chất lượng về nội dung mà còn phải đạt tiêu chuẩn cả hình thức nữa: "Một sản phẩm cho dù chất lượng có tốt cách mấy nhưng hình thức bao bì không được chăm chút cũng khó thuyết phục người mua, bởi người tiêu dùng biết đến sản phẩm đầu tiên là qua hình thức bên ngoài".
Sự thay đổi nhằm cải tiến vận hành công việc tại sao không thể chần chừ? Chẳng hạn, cải tiến cách thức và phương pháp xây dựng KPI, theo doanh nhân Nhan Húc Quân: "Việc xác lập các mục tiêu theo cấu trúc mô hình BSC - Balanced Score Card (thẻ điểm cân bằng) bao gồm 4 yếu tố về tài chính, khách hàng, quy trình và học tập phát triển - là thước đo hiệu quả hoạt động giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng kế hoạch cụ thể. Nó giúp loại bỏ được những mục tiêu mang tính định tính (không thể đo lường) và tập trung hơn vào những mục tiêu chính mang tính định lượng (có thể đo lường)".
Và đây nữa: "Việc doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ loại bớt những tranh cãi do bất đồng quan điểm, những rủi ro từ sự trì trệ, chểnh mảng giữa vai trò cá nhân khi tương tác với nhau, đảm bảo mọi quyết định được cân nhắc dựa trên số liệu thống kê sát thực và trực quan".
Dù còn nhiều điều cần tâm tình thêm, nhưng với khuôn khổ bài viết, tôi giới hạn tại đây, chỉ xin hỏi thêm rằng, một khi làm giàu, nhiều tiền, trở thành nhà lãnh đạo, là doanh nhân thành đạt thì mục tiêu sáng giá nhất là gì? Với câu hỏi này, thiết nghĩ mỗi chủ doanh nghiệp đều có câu trả lời, với chị Nhan Húc Quân vẫn là: "Tôi đã hiểu ra rằng, để có thể trở thành "người khổng lồ”, ngoài việc phải nhạy bén với nhu cầu của xã hội, doanh nhân phải mang trong mình sứ mệnh chấn hưng nền kinh tế quốc gia".
Vâng, đó chính là ý thức để làm nên bản lĩnh văn hóa của doanh nhân nước Việt.