Chân dung KTS Nguyễn Ngọc Dũng |
Thiết nghĩ, một trong những nét văn hóa đặc sắc xưa nay của người Việt vẫn là các làng nghề, bởi sự hình thành đó đã tồn tại hàng trăm năm không chỉ nuôi sống cư dân địa phương mà còn có thể tìm thấy, khám phá ra sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân nữa. Hầu như nơi nào trên đất nước ta cũng có các làng nghề tiêu biểu đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế và đủ sức đồng hành thúc đẩy du lịch của địa phương đó.
Xuân này, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã đến vùng biển Khánh Hòa, anh gọi là "hồn biển" - một cách gọi có sức khái quát chung cho các tỉnh ven biển nước ta.
Từ một vài làng nghề nổi tiếng...
Qua trò chuyện, tôi ngạc nhiên vì lâu nay vẫn nghĩ chỉ ở xứ Quảng mới có làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Không đâu, anh cho biết: "Tại đây cũng có làng chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) với nhiều sản phẩm như cối xay bột, cối giã muối; bây giờ có nhiều sản phẩm cao cấp hơn như đèn đá, đi-văng đá, bia tấm, tượng đá, độc bình... theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng. Nguyên liệu đá khai thác tại Ninh Giang có cấu trúc cứng nên làm ra sản phẩm tròn, bền vững, không bị vỡ, được nhiều khách hàng ưa chuộng".
Lâu nay, tôi vẫn nghĩ chỉ ở xứ Quảng mới có làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Nghe thế, anh cười khà khà: "Tại Khánh Hòa cũng có làng nghề đúc đồng Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, thành phố Nha Trang) chuyên đúc chân đèn, lư hương. Trước đây, mỗi hộ thường làm ra trọn gói sản phẩm, nhưng bây giờ thanh niên đi xa nhiều nên nhân công bị thiếu hụt, từ đó làng chia ra mỗi hộ làm một công đoạn: làm khuôn, nấu đồng, đổ đồng, gia công cắt gọt, chùi và đánh bóng. Các lò đồng vẫn giúp nhau theo lối "vần đổi công", nghĩa là khi nhà này nấu đồng thì nhà kia qua giúp rồi xoay trở lại... Đến với làng đồng Phú Lộc, du khách sẽ được mắt thấy tai nghe về một nghề mà mọi người cố gắng duy trì đến nay không chỉ vì mưu sinh, mà còn vì giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất lâu đời".
Một góc làng nghề đúc đồng Phú Lộc |
Trao đổi thêm với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, tôi được biết thêm hằng năm làng nghề đúc đồng tại Phú Lộc giỗ nghề vào ngày 12 tháng Giêng, là ngày tháng vua triều Nguyễn ban sắc cho làng nghề. Trong khi đó, làng nghề đá mỹ nghệ tại Non Nước (Đà Nẵng) lại là ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Tất nhiên, cả hai nơi này đều tính theo ngày âm lịch.
Với người Việt, nhất là dịp Xuân về Tết đến thì trong nhà không thể thiếu nén nhang, do đó vùng miền nào cũng có làng nghề này. Tại Khánh Hòa ở thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình) có làng nghề làm nhang. KTS Nguyễn Ngọc Dũng nhận xét: "Sản phẩm được khách hàng ưa chuộng vì tăm nhang tốt, cháy đượm, cháy đều. Tăm nhang làm bằng ruột tre chẻ nhỏ, phơi nhiều nắng, để thật khô; nhờ vậy khi đốt nhang sẽ cháy đến tận chân, tàn nhang uốn cong không gãy ngang bất chợt. Cây nhang được làm cũng đơn giản. Tăm nhang được đưa vào máy phóng để phủ bột lên; bột được tạo bởi bột trầm, quế... với hỗn hợp keo, khi bột phủ đều tăm nhang, cây nhang được phơi khô dưới nắng thật đượm".
Thợ làm nhang tại thôn Phong Ấp |
Ngoài các làng nghề kể trên, Khánh Hòa còn có nhiều làng nghề "ăn nên làm ra" như nghề gốm Lư Cẩm ở làng Ngọc Hiệp (Nha Trang) có tuổi đời trên 200 năm chuyên sản xuất bình, lu, vại... Làng trồng hoa cúc Ninh Giang (Ninh Hòa) bên Quốc lộ 1 nổi tiếng với hoa cúc to, lá dày xanh, lâu tàn. Làng dệt chiếu cói Mỹ Trạch (Ninh Hòa) với nguyên liệu cây cói bền đẹp. Tương tự, ở xứ Quảng, có thể kể đến ở Quảng Nam còn có những làng nghề nổi tiếng như làng nghề quán hương, làng nghề khai thác dầu rái ở xã Đại Thạnh, làng nghề làm trống Lâm Yên, làng nghề làm chiếu Bàn Thạch...
Nói chung, bức tranh làng nghề Việt Nam nói chung cực kỳ đa sắc, đa diện, có nhiều nét tương đồng và chính nó đã phản ánh cấu tạo lẫn bản sắc, hồn cốt của làng trên mọi miền đất nước. Về ý nghĩa sâu xa của nó, Từ điển Bách khoa Việt Nam đã phân tích đây là "những làng sống bằng hoặc chủ yếu bằng nghề thủ công ở nông thôn Việt Nam. Cố kết trong phường nghề, làng nghề là thờ cùng tổ nghề, giúp nhau bằng cách cho vay vốn hoặc nguyên liệu, hàng hóa".
Có điểu buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách sâu sắc, vì sao hiện nay, trải theo năm tháng nhiều làng nghề chỉ tồn tại cầm chừng, không thể phát triển như mong muốn. Do đâu? Trộm nghĩ có nhiều lý do kể cả vì nhu cầu người tiêu dùng ngay nay đã khác trước, nhưng có lẽ hạn chế lớn nhất vẫn là chỗ làng nghề chúng ta chưa có phương án chuyển đổi thích hợp hơn?
Nghệ nhân chế tác đá tại làng làng nghề Ninh Giang |
Đến "trông người lại ngẫm đến ta"
Khi trao đổi với nhau về ý kiến vừa nêu, tôi ghi nhận một vài phát biểu của KTS Nguyễn Ngọc Dũng. Anh đã đưa ra một vài thí dụ về cách làm của một vài nước cũng có làng nghề như nước ta. Vậy họ đã "vận hành" như thế nào?
Anh cho biết: "Ở Nhật Bản đã ban hành luật phát triển nghề thủ công truyền thống với slogan "Mỗi làng một sản phẩm" trên tinh thần "nghĩ về tổng thể, hành động ở địa phương", "độc lập và sáng tạo". Ở Hàn Quốc, làng nghề thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu bao gồm chế biến lương thực và thực phẩm. Trong đó, một nhóm 10 gia đình liên kết thành tổ hợp, ngân hàng cho vay lãi suất thấp mua nguyên liệu chế biến và sản xuất các sản phẩm độc đáo bán cho khách du lịch và xuất khẩu. Ở Indonesia thì lập ra "hội đồng thủ công nghiệp quốc gia" để phát triển ngành thủ công mỹ nghệ. Ở Thái Lan hiện có hơn 70.000 làng nghề thủ công, chính phủ đã thực hiện dự án OTOP (one tambon one product - mỗi xã một sản phẩm). Mô hình này có từ 30-300 thành viên; chính phủ Thái giúp người dân nông thôn có công ăn việc làm, có sản phẩm đặc sắc, giữ gìn văn hóa truyền thống, ngăn chặn làn sóng di dân vào đô thị...".
Đường vào làng nghề chế tác đá mỹ nghệ |
Không những thế, còn là một sự kết hợp để "làm mới" sản phẩm đó nữa, anh bổ sung thêm: "Với xu hướng của thế giới, các sản phẩm thủ công truyền thống có thiết kế riêng thường có giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại mang mẫu mã phổ thông... Ở Việt Nam, hầu hết làng nghề hiện nay đều không có thiết kế, sản phẩm bán ra quá rẻ, không có sức cạnh tranh, nhiều thương hiệu may mặc, thủ công mỹ nghệ có tuổi đời cả nửa thế kỷ, thậm chí họ chỉ gia công cho nước ngoài...
Mối quan hệ giữa nghề truyền thống và nhà thiết kế là mối quan hệ sống còn trong thời điểm hiện tại. Ở Việt Nam, mối quan hệ này vẫn còn lỏng lẻo. Hiện nay trên thế giới đã áp dụng các biện pháp thúc đẩy nghề truyền thống thông qua sự hỗ trợ về mẫu mã của các nhà thiết kế.
Một góc làng nghề mỹ nghệ ven biển |
Như ở Hàn Quốc, họ thành lập hiệp hội các nhà thiết kế, là nơi kết nối giữa doanh nghiệp, thợ thủ công với nhà thiết kế, hỗ trợ quảng bá mẫu mã, cũng như thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, cần xây dựng một hệ thống dữ liệu đầy đủ, cung cấp các chi tiết thuộc về truyền thống... Nhiều nước đã làm và họ bán cho các nhà thiết kế, doanh nghiệp với chi phí rất rẻ, thuận tiện...".
Thông tin đắt giá này, Việt Nam ta hoàn toàn có thể thực hiện nhưng tại sao đến nay vẫn chưa khởi động? Khi nêu vấn đề này ra, cũng là lúc chúng ta đau đáu với câu hỏi then chốt vừa nêu và để có câu trả lời thấu đáo, thiết nghĩ vẫn phải là các hội thảo tầm cỡ quốc gia, có như thế chúng ta mới đề ra chiến lược phát triển bền vững và lâu dài.
Vui Xuân mới, chúng ta tin tưởng vào những sự việc này sẽ ngày càng mới mẻ hơn và nhanh chóng trở thành hiện thực, vì làng nghề Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò chủ động trong mục tiêu vì "dân giàu nước mạnh".