Theo UNFPA, năm 2022 dân số thế giới đạt hơn 8 tỷ người. Trong đó, 15 quốc gia có dân số lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (1,45 tỷ người), Ấn Độ (1,42 tỷ người), Mỹ (336 triệu người), Indonesia (281 triệu người), Pakistan (232 triệu người), Nigeria (220 triệu người), Brazil (216 triệu người), Bangladesh (169 triệu người), Nga (146 triệu người), Mexico (132 triệu người), Nhật Bản (125,48 triệu người), Ethiopia (122,8 triệu người), Philippines (113,47 triệu người), Ai Cập (107,56 triệu người) và Việt Nam (99,5 triệu người).
Top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2022 có 3 nước thuộc khu vực Đông Nam Á đó là Indonesia xếp thứ 4, Philippines xếp thứ 13 và Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới. Xét riêng các nước trong khu vực Đông Nam Á, năm 2022, Indonesia là nước có dân số đông nhất khu vực. Xếp ngay sau Indonesia là Philippines. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê hồi đầu tháng 1/2023, dân số trung bình năm 2022 của Việt Nam ước tính 99,46 triệu người, tăng 955.500 người, tương đương tăng 0,97% so với năm 2021. Trong đó, dân số thành thị 37,09 triệu người, chiếm 37,3%; dân số nông thôn 62,37 triệu người, chiếm 62,7%.
Số nam giới là 49,61 triệu người, chiếm 49,9%, nữ có 49,85 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 99,5 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi. Cơ quan thống kê cho biết, năm 2022 chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây.
Năm 2022, chủ đề của Ngày Dân số Việt Nam là “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững” theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Việt Nam cùng thế giới chung tay thúc đẩy một tương lai linh hoạt và bền vững trên cơ sở nỗ lực tạo ra cơ hội và quyền bình đẳng để phát triển và có một cuộc sống chất lượng. Đồng thời quan tâm đến các vấn đề đáng báo động xảy ra do sự gia tăng dân số như sự nóng lên toàn cầu, tăng trưởng, tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái.