Việt Nam không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền

Song Anh| 26/12/2020 04:50

Việt Nam có thao túng tiền tệ không? Câu trả lời ngắn nhất là "Không". Việt Nam và Mỹ đều không muốn "hai bên cùng có hại khi thao túng tiền tệ". Đó là ý kiến của chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Đại Lai.

* Ngày 16/12/2020 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", trong đó nhận định Việt Nam và Thụy Sĩ đang thao túng tiền tệ. Thuật ngữ "thao túng tiền tệ" của Mỹ nên được hiểu như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Đại Lai

TS. Nguyễn Đại Lai

- Khái niệm "quốc gia thao túng tiền tệ" là một sản phẩm đặc trưng của Mỹ, được Mỹ thể chế hóa thành một nội dung trong Luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988 và được định nghĩa: Một quốc gia thao túng tiền tệ với Mỹ là một quốc gia cố ý điều chỉnh tỷ giá để tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại với Mỹ. Trên cơ sở đó, năm 2015, Mỹ ban hành đạo luật "Xúc tiến và tăng cường thương mại", trong đó Mỹ đã lượng hóa ba tiêu chí để nhận diện một quốc gia bị cho là thao túng tiền tệ không công bằng với Mỹ khi quốc gia đó, thứ nhất, có thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thứ hai, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 2% GDP nước đó, thứ ba, can thiệp một phía mua ròng đồng USD và kéo dài trên thị trường ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng mua ròng tương đương 2% GDP nước đó.

* Theo ông thì vì sao Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ? 

- Với "thước đo" nói trên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Việt Nam đã thao túng tiền tệ từ năm 2019 vì thấy thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ liên tục gia tăng và thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam cũng gia tăng theo, đạt ngưỡng mà Mỹ "dán mác". Tuy nhiên khi quan sát như vậy, Mỹ đã không phân tích sâu vào nguồn gốc cũng như nguyên nhân khách quan từ bên trong của nền kinh tế thị trường và mở cửa rất lớn của Việt Nam. 

* Ông có thể nói rõ hơn về đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay...

- Những năm gần đây và ngay tại thời điểm cuối tháng 12 này, Việt Nam đã được cả thế giới, kể cả Mỹ đánh giá là nước có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận dòng vốn FDI. Theo đó, ngoài những chính sách ưu đãi để thu hút FDI thì tại Việt Nam còn có chi phí tiền lương rẻ, lao động dồi dào, chi phí thuê mặt bằng thấp, giao thông thuận lợi, nằm trong khu vực thị trường lớn của thế giới, nguyên liệu rẻ từ các ngành nông, lâm nghiệp, khoáng sản và nhiều tài nguyên khác dẫn tới giá hàng hóa xuất đi rẻ. Đó là lợi thế riêng có của Việt Nam chứ không phải do Việt Nam chủ động điều chỉnh tỷ giá USD/VND để tạo lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, một khi đồng nội tệ bị cố ý làm mất giá sẽ không chỉ làm tăng giá sinh hoạt mà còn gây hệ quả là tạo lạm phát, tăng chi phí đầu vào cho sản xuất và tăng nợ quốc gia. Vì những lẽ đó, Việt Nam không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền theo kiểu thao túng tiền tệ với mục đích cạnh tranh xuất khẩu không công bằng như Mỹ cáo buộc.

* Nếu bị dán mác "thao túng tiền tệ" với Mỹ sẽ tác động nào đối với Việt Nam?

Link bài viết

- Trước hết là tác động đến tâm lý các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện có và nhà đầu tư tương lai vào Việt Nam vì lo Mỹ sẽ tạo hàng rào thuế quan để ngăn dòng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Mặt khác, cáo buộc này ít nhiều sẽ dẫn đến quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ bị tổn thương theo hướng "hai bên cùng có hại"

* Theo ông thì một động thái phù hợp từ phía Việt Nam trước cáo buộc thao túng tiền tệ là gì?

- Việt Nam cần tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi nhiều hơn với Mỹ và cùng Mỹ khuyến khích doanh nghiệp (DN) thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước. 

Việt Nam đang chú trọng tới việc kết nối giữa DN FDI với DN trong nước, đưa DN trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị mà DN FDI tạo ra. Do đó Việt Nam cần khuyến khích DN FDI lớn liên doanh, liên kết với DN trong nước trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước. DN FDI cần tăng cường chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho DN trong nước thông qua liên doanh, liên kết. Việt Nam cũng cần hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo đại học, sau đại học với nước ngoài ngay trong nước và cả ở nước ngoài để tạo ra lớp công nhân, kỹ sư, chuyên gia có trình độ cao đủ sức tiếp quản công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực công nghệ cao. Một trong những quốc gia mà Việt Nam nhắm tới trong lĩnh vực này cũng không thể loại trừ Mỹ.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO